Không phải là tội phạm!
Các Website khác - 12/08/2008
Tấm áp phích kêu gọi không phân biệt đối xử với bệnh nhân AIDS ở Hoa Kỳ

Cách đây mấy tháng, Willie Campbell ở Dallas (bang Texas, Hoa Kỳ) đã bị tòa án tuyên phạt tới 35 năm tù vì tội tấn công lại cảnh sát bằng "thứ vũ khí chết người" trong khi các sỹ quan cảnh sát đang cố truy đuổi anh ta vì tội say rượu và bất tuân thủ hiệu lệnh. Nếu không phải là người hiểu rõ nội tình của vụ án này nhiều người sẽ cho rằng đó là án phạt thích đáng nhưng sự thật lại hoàn toàn không phải như vậy. Một cuộc điều tra sau đó của các nhà báo đã cho thấy "thứ vũ khí chết người" mà Campell dùng để chống lại cảnh sát chỉ là một khẩu súng đồ chơi thậm chí còn không có đạn. Nhưng thực tế, bản án 35 năm tù của anh ta lại đến từ chính bãi nước bọt mà anh ta đã phun vào mặt viên sỹ quan cảnh sát nhưng điều quan trọng hơn là anh ta lại là một người đang mang trong mình loại virus HIV.

Không phải là các quan tòa không biết rằng nước bọt của một người nhiễm HIV không thể làm lây nhiễm căn bệnh này nhưng họ vẫn đưa ra bản án khá nặng tay. Vụ án này đã phần nào nói lên một thực trạng đáng buồn không chỉ ở nước Mỹ mà gần như toàn thế giới: Những người mang virus HIV đang bị phân biệt đối xử một cách tồi tệ, thậm chí sự phân biệt đối xử ấy còn xuất phát từ những người cầm cân nảy mực. Cộng đồng quốc tế gần đây còn cảm thấy khá "sốc" khi biết rằng một người đàn ông ở Bermuda đã bị tòa án tuyên phạt 10 năm tù vì tội "ngủ với bạn gái" mà không có biện pháp an toàn nào mặc dù các kết quả xét nghiệm sau đó đều cho thấy bạn gái của anh ta hoàn toàn không bị nhiễm virus HIV. Cũng vừa cách đây mấy ngày, một người đàn ông Thụy Sỹ cũng đã phải vào tù vì lý do tương tự.

Căn bệnh AIDS và virus HIV đã trở thành nỗi kinh hoành của cả thế giới và từ nhiều năm nay các Chính phủ đã tốn không ít công sức và tiền của để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch này. Công cụ luật pháp tất nhiên cũng đã được sử dụng nhưng đáng buồn là hầu hết lại sử dụng công cụ đó một cách rất sai lầm. Châu Phi là một ví dụ điển hình khi có đến 2/3 số ca nhiễm HIV là ở châu  lục này. Hầu hết các đạo luật phòng tránh HIV đều yêu cầu những người đã nhiễm bệnh bắt buộc phải "thông báo trước" cho đối tác của mình trước khi có các quan hệ thân mật. Nhưng điều quan trọng là họ lại không định nghĩa rõ ràng thế nào là những "quan hệ thân mật" nguy hiểm và không nguy hiểm (chẳng hạn như hành động ôm hôn...). Mới đây quốc gia châu Phi khác là Sierra Leone còn đưa ra một đạo luật mới nghiêm khắc hơn rất nhiều: Một phụ nữ đang mang thai sẽ bị tống giam tới 7 năm nếu như chị ta không sử dụng tất cả những biện pháp đáng tin cậy có thể để ngăn chặn việc lây nhiễm virus HIV sang đứa con còn chưa sinh của mình.

Sự chung chung, thiếu rõ ràng và quan trọng nhất là hầu hết các đạo luật đang đi theo con đường "hình sự hóa" các mối đe dọa lây nhiễm. Mục đích cuối cùng của các bộ luật này đều là để ngăn chặn sự lan tràn của đại dịch và bảo vệ những đối tượng "dễ bị tổn thương" nhất (ví dụ như phụ nữ và trẻ em). Nhưng bằng sự thiếu rõ ràng và hình sự hóa, các đạo luật đã biến thành một thứ công cụ thể hiện sự phân biệt đối xử, dẫn đến không ít những án oan, bất công trong xã hội. Các công trình nghiên cứu về HIV và xã hội suốt hơn 2 thập kỷ qua đã minh chứng một điều rằng "hình sự hóa" các mối quan hệ của người nhiễm HIV không hề làm giảm sự lây lan của loại virus này, thậm chí nó còn làm cho các đối tượng nhiễm bệnh bất mãn và gây ra nhiều vụ nhiễm bệnh hơn. Các chuyên gia quốc tế đã khuyến cáo rằng biện pháp hữu hiệu nhất chính là sử dụng các biện pháp phòng tránh, ngăn chặn sự phân biệt đối xử, giảm bớt các triệu chứng, mở rộng cơ hội được xét nghiệm và quan trọng nhất là chăm sóc những bệnh nhân đang hàng ngày phải đối mặt với HIV.

Thay vì bảo vệ người phụ nữ, không ít quốc gia đã đẩy họ vào tình trạng nguy hiểm bằng chính những công cụ luật pháp của mình. ở châu Phi nói riêng và thế giới nói chung hầu hết những người biết mình nhiễm bệnh lại chính là phụ nữ bởi lẽ họ thường xuyên phải đi khám và xét nghiệm tại các trung tâm phụ sản. Một khi đã biết mình nhiễm bệnh, người phụ nữ cũng là đối tượng bị xa lánh, khinh bỉ và bị tấn công nhiều nhất bởi chính luật pháp của các quốc gia đó coi những người nhiễm HIV là một dạng tội phạm.

Hơn thế nữa, chính luật pháp tại các quốc gia này cũng thể hiện rõ sự phân biệt đói xử của mình khi đặc biệt "nặng tay"  đối với một số nhóm "có nguy cơ cao" như gái mại dâm, đồng tính hay thậm chí là cộng đồng người da đen... Như thế, sẽ không có gì là lạ khi mà luật pháp của họ đã bị giảm giá trị một cách đáng kể, thậm chí là rất khó để áp dụng. Các tổ chức quốc tế gần đây đã lên tiếng khá nhiều trước tình trạng này. Vấn đề sẽ được đem ra bàn thảo nhiều nhất trong Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu sẽ diễn ra tuần này tại Mexico là: Vì lý do gì mà luật pháp lại "khoanh vùng" những người phụ nữ Sierra Leone và đẩy xa khỏi tầm tay họ những biện pháp chẩn đoán, điều trị, hỗ trợ và chia sẻ của cộng đồng?

Trở lại với vụ án của Willie Campbell ở Hoa Kỳ. Sau khi sự thật về một vụ tấn công bằng "thứ vũ khí chết người" được phơi bày, người ta đã phải đưa vụ án này ra xét xử lại trước sức ép của dư luận. Giáo sư Scott Burris của trường đại học luật Temple ở Philadenphia đã phát biểu: "Luật pháp không thể trở thành một công cụ để trừng phạt những nạn nhân của HIV. Thật đáng buồn là điều đó lại xảy ra ở tại nước Mỹ".

                                                            Lê Trí (theo IHT) - http://www.doisongphapluat.com.vn/