Ông hoàng trong bóng tối
Các Website khác - 02/08/2008

 

Thủ tướng Anh Thatcher và vua Fahd. Hợp đồng Anh bán máy bay Tornado cho Saudi Arabia được ký năm 1985
Khi Bandar rời khỏi trụ sở LHQ, Tarek Aziz vội vã chạy theo nắm tay kéo lại: “Chúng ta sẽ gặp nhau riêng. Tôi sẽ theo anh đến tận khách sạn”.

>> Kỳ 1: Ông hoàng trong bóng tối
>> Kỳ 2: Từ Managua đến N’Djamena

Một giờ sau Aziz đến. Sợ căn phòng của ông bị CIA gài micro nghe lén, Aziz yêu cầu Bandar mở hết công suất máy truyền hình và nói thì thầm vào tai: “Tôi không thể nói với ông ngay bây giờ vì đang bị theo dõi. Nhưng tôi đồng ý với ông. Chúng ta phải chấp nhận kế hoạch ngừng bắn, với một chút sửa đổi về phía người Iran. Chúng không có ý nghĩa gì, vấn đề là phải thuyết phục Saddam, và tôi không biết phải làm thế nào”.

Bandar: “Ông chỉ cần điện thoại và nói điều mình yêu cầu. Ông ta tin tưởng anh mà!”. Aziz kinh hoảng trả lời: “Anh điên mất rồi! Dù chiến tranh kéo dài thêm 10 năm với tôi cũng không quan trọng. Nhưng tôi không muốn phải chết. Chưa bao giờ điều tôi nói lại trùng khớp với ý nghĩ của ông ta, chết là chỗ đó”. Bandar: “OK! Hãy cho tôi số điện thoại trực tiếp của Saddam, tôi sẽ nói chuyện với ông ta”. Aziz la lên: “Không được! Ông ta sẽ hỏi: ai cho anh số điện thoại!”.

Nổi nóng, Bandar gọi cho vua Fahd để xin số điện thoại của Saddam. Tarek Aziz còn dặn dò lần cuối cùng: “Làm ơn nói với đức hoàng thượng đừng tiết lộ chúng ta đang nói chuyện với nhau nhé!”. Lời khuyên vô ích. Ở đầu dây bên kia, vua Fahd tức giận. Ông không thèm gọi cho Saddam mà ra chỉ thị với Bandar: “Thư ký của tôi sẽ cho ông gặp trực tiếp”.

Mấy phút sau, trước mặt một Tarek Aziz đang kinh hoảng, Bandar nói chuyện trực tiếp với nhà độc tài Iraq. Hai người vốn quen biết nhau, trao đổi vài câu nói đùa, rồi ông hoàng mở miệng: “Hiệp định ngưng bắn gần như kết thúc, chỉ còn sót lại một vấn đề: có hai chi tiết nhỏ mà bộ trưởng ngoại giao của ông tuyệt đối không muốn thay đổi. Ông ta thật sự bị ám ảnh, ngài đã biết rồi đó!”.

Saddam Hussein: “Không phải ông ta muốn như thế. Tarek là một mẫu người rất tốt. Đôi khi hơi khó tính, nhưng trung thành”. Aziz hiểu được trò chơi của Bandar, cảm thấy bất chợt thư thái ngồi sà trên chiếc ghế trường kỷ, mỉm cười.

Cuộc đối thoại tiếp tục. Bandar: “Tôi thật sự cần đến ngài, thưa tổng thống. Ngài có thể nói với bộ trưởng ngoại giao nên tỏ ra hòa dịu hơn không?”. Saddam Hussein: “Tôi coi anh như đại diện cho Iraq và cả Saudi Arabia. Tất cả những gì anh quyết định liên quan đến giải pháp này, tôi đều chấp nhận hết”. Bandar: “Xin cảm ơn tổng thống. Ngài có thể chỉ thị cho Tarek Aziz ký được không? Ông ta rất cứng đầu”. Saddam Hussein: “Tôi sẽ nói!”. Bandar cúp máy. Aziz đứng lên ôm chặt lấy ông hoàng, nước mắt giàn giụa. Sáng hôm sau hiệp định ngưng bắn được ký kết.

Bóng ma Lockerbie

Bộ trưởng ngoại giao Iraq Tarek Aziz và tổng thống Saddam Hussein
Bảy năm trôi qua tại Washington, uy tín ông hoàng Bandar ngày càng lên cao và trở nên thân thiết với tổng thống G. Bush bố. Ông có vai trò rất quan trọng khi Mỹ gây chiến với Iraq năm 1991, nhưng lại bị thất sủng dưới triều đại Bill Clinton: không được trọng dụng nhiều. Kể từ 1995, khi dàn xếp vụ án Lockerbie, ông mới tìm lại được vai trò chủ chốt trong bóng tối của mình.

Sau vụ đánh bom chiếc Boeing của Hãng Pan Am vào năm 1988, Libya của Kaddafi bị nghẹt thở vì những biện pháp cấm vận của quốc tế. Chẳng biết tìm thần thánh phương nào để cứu mạng, vị đại tá bèn quay sang cầu cứu vua mới Saudi Arabia là Abdallah, vừa cầu cứu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela - một trong những nhân vật hiếm hoi còn quan hệ với mình. Và Nelson Mandela cũng là người đầu tiên trả lời cho Kaddafi.

Cuối năm 1996, Madiba (Mandela) đề nghị Bill Clinton và Tony Blair một kế hoạch giải quyết vụ khủng hoảng qua hai giai đoạn: Libya giao cho cảnh sát quốc tế hai công dân bị nghi ngờ là thủ phạm. Đổi lại, LHQ gỡ bỏ cấm vận. Điều này là đơn giản với Clinton và Blair (họ chấp nhận ngay) nhưng rất khó nuốt với Kaddafi. Bởi vì điều đó có nghĩa là nhận mình có tội.

Tháng 10-1997, Nelson Mandela đến Tripoli và cảnh báo Kaddafi: “Ông không có chọn lựa nào khác”. Vị đại tá, vốn vô cùng kính trọng Mandela, đành cúi đầu. Nhưng ông không khuất phục. Thế là Bandar nhảy vào can thiệp. Theo gợi ý của vua Ả Rập, ông tiếp xúc với tổng thống Nam Phi tại Pretoria và đề nghị trợ giúp.

Giữa hai người đã như xảy ra một tiếng sét ái tình và từ giây phút đó đã khởi đầu một tình bạn thật sự, cũng là sự khởi đầu cho những nỗ lực ngoại giao kéo dài hàng năm trời để thuyết phục Kaddafi.

Cùng với chánh văn phòng của Mandela, Jakes Gerwell, Bandar đến Tripoli khoảng 15 lần từ 2-1998 đến 3-1999. Không phận Libya bị cấm bay, nên cả hai phải đáp xuống Tunisia, thêm năm giờ rong ruổi trên đường bộ mới đến được thủ đô Libya. Nhiều giờ chờ đợi thậm chí đến nhiều ngày trôi qua, cuối cùng họ được triệu tập đến căn lều của Kaddafi ngay lúc nửa đêm, đôi khi ở xa mãi ở đầu bên kia của đất nước này. Thật là mệt mỏi. Kaddafi tỏ ra lo lắng, nghi hoặc, không tin Mỹ và Anh tôn trọng thỏa thuận.

Rất nhiều lần, lãnh tụ Kaddafi như sắp bỏ cuộc. Khi đó Gerwell và Bandar gọi điện báo cho Mandela để ông lên “dây cót” lại cho Kaddafi. Giống như một đứa trẻ hối hận, vị đại tá tổng thống hứng khởi ngay trở lại.

Jakes Gerwell vẫn còn nhớ những kỷ niệm không vui của 13 tháng đi lại mệt mỏi: “Libya là một xứ tôi không thích sống. Kaddafi có những tư tưởng kỳ quái về cách thức điều hành thế giới”. Ông hoàng Bandar thì mềm dẻo hơn: “Dĩ nhiên điều đó không dễ chịu. Thương lượng với Kaddafi là một điều gay go. Nhưng phải công nhận ông ta biết cách nói chuyện. Ông ta có nghệ thuật xoáy vào những chi tiết mà bạn không hề nghĩ đến, nhưng trên cơ bản rất quan trọng”.

Ngày 19-3-1999, từ Tripoli, Nelson Mandela tuyên bố một thỏa thuận về việc giải giao hai nghi can Libya để đổi lại việc LHQ bãi bỏ cấm vận đã kết thúc. Mấy tuần sau, Megrahi và Fima được áp giải lên một chiếc máy bay của LHQ, đưa đến Hà Lan để được các quan tòa Scotland xét xử. Đứng trên phi đạo, cách đó không xa, Bandar quan sát cảnh tượng. Ông biết rằng Libya vừa đi bước đầu tiên hội nhập cộng đồng thế giới.

Đám cưới của Mandela

Ông hoàng Bandar (trái), tổng thống Nam Phi Mandela và tổng thống Libya Kaddafi, năm 1999, tức 11 năm sau vụ Lockerbie
Cùng trải qua vụ Lockerbie, tình bạn giữa Nelson Mandela và Bandar ngày càng thân thiết. Được mời đến Pretoria vào tháng 7-1998, cùng với hàng chục VIP khác để mừng sinh nhật lần thứ 80 của Mandela, ông hoàng đã gặp mặt chủ nhà trong lúc dùng cocktail. Mandela thì thầm vào tai ông hoàng: “Tôi đi tìm anh. Hãy đến nhà tôi uống trà vào buổi chiều lúc 16 giờ”. Rồi ông nói thêm: “Tôi cho anh hay sắp cưới vợ, nhưng đừng nói cho ai biết đấy nhé!”.

Trở về khách sạn, Bandar nhận được một cú gọi của Thabo Mbeki, phó tổng thống Nam Phi. Ông ta nói: “Tôi muốn đến gặp ngài, nhưng khổ thay lại bận vào buổi chiều hôm nay”. Bandar trả lời: “Tôi cũng thế, Madiba mời đến nhà để uống trà!”.

Đến giờ hẹn, Bandar có mặt tại tư dinh Nelson Mandela. Graca Machel, cô dâu, lần lượt giới thiệu ông với cả gia đình tổng thống. Thabo Mbeki và hồng y Desmond Tutu cũng có mặt. Cùng với Bandar, họ là hai khách người ngoài duy nhất có mặt ở một hôn lễ bí mật được giữ kín tuyệt đối.

Bandar kể lại: “Tất cả có khoảng 30 người. Đó là một giờ phút hi hữu”. Buổi lễ được hồng y Desmond Tutu chủ trì với một giáo chủ Tin lành. Nelson mặc chiếc áo sơmi bằng tơ, còn Graca mặc chiếc áo dài màu trắng. Họ trao đổi nhẫn cưới, hôn nhau. Đôi uyên ương còn được chúc phúc bởi một giáo sĩ Do Thái giáo, một giáo sĩ Hồi giáo và một pháp sư Ấn Độ.

Mandela giải thích với mọi người: “Tôi muốn các tôn giáo lớn của Nam Phi có mặt trong dịp này. Mọi cử chỉ, mọi biểu tượng củng cố tình đoàn kết quốc gia đều tốt”.

Hơi một chút giễu cợt, ông nói tiếp: “Trách nhiệm chính của đám cưới này là ông ấy, hồng y Tutu. Tôi thấy mình đã quá già, cưới hỏi để làm gì, còn bà Machel cũng chẳng có đòi hỏi gì cả. Chúng tôi đã sống hạnh phúc bên nhau, không cần đám cưới. Nhưng ông già này cứ nói mãi, nói mãi, và nói mãi. Ông ta cho rằng tôi phải làm gương mẫu cho thanh thiếu niên trong nước và với một số người, tôi đang sống trong tội lỗi. Ông ta cứ lui tới, nói mãi không ngừng. Bởi thế để chấm dứt chuyện đó, tôi quyết định làm đám cưới”. Tất cả khách khứa đều bật cười.

Đến cuối buổi lễ, lúc chia tay, Bandar hỏi Mandela: “Nếu các nhà báo có truy hỏi, tôi phải trả lời ra sao?” - “Ngài có thể xác nhận đám cưới là có thật, nhưng tôi van xin đừng tiết lộ chi tiết nào cả” - vị tổng thống Nam Phi nài nỉ. Một giờ sau chuông điện thoại reo vang trong phòng của Bandar, giám đốc CNN gọi từ Atlanta: “Thưa ông hoàng, theo tin đồn, Mandela đã làm đám cưới. Người ta nhìn thấy ông đến nhà tổng thống Nam Phi vào buổi chiều hôm nay. Ông có thể xác nhận hay phủ nhận?”. “Tôi xác nhận” - Bandar trả lời. “Ông có thể nói cho khán giả đài truyền hình nghe được không?” - “Được thôi!”.

Mấy phút sau, Bandar xuất hiện trực tiếp trên Đài truyền hình CNN thông qua điện thoại. Người dẫn chương trình nài nỉ hỏi ông: “Ông có thể nói nhiều hơn nữa được không? Ai có mặt ở đó? Phản ứng của đôi uyên ương thế nào?” - “Điều đó tôi giữ riêng cho mình, hãy cứ đi tìm hiểu và tự trả lời!”. Bằng cách này Bandar đã không phản bội lời hứa với Mandela mà ông còn được nước: “Tin đặc biệt cho CNN đấy nhé!”.

ĐINH CÔNG THÀNH
(Trích dịch theo La revue 7/8-2008)