Ý đồ bày triển lãm được coi trọng. Ngay tại sảnh trung tâm, các "mặt bàn" bằng hai mảnh gỗ được đặt trên các bao cát xếp chồng lên nhau, trên mặt có cả một cái mũ sắt của quân đội Mỹ gợi cho người xem không khí của thời chiến, đằng sau, trên tường là các tranh cổ động. Các tranh đều là nguyên bản chủ yếu được vẽ bằng bột mầu trên giấy báo hoặc giấy chất lượng kém ngày trước, mầu ngả vàng.
Có thể nói hơn trăm tranh cổ động đã đề cập đến nhiều công việc phục vụ chiến tranh. Từ việc động viên những chiến sĩ quân giải phóng ở miền nam đến các quân - binh chủng chiến đấu ở miền bắc, tranh nói về cuộc phối hợp chiến đấu của nông dân, của các ngành và các địa phương.
Hào hùng nhất vẫn là các tranh ca ngợi Đảng, Bác Hồ và các chiến thắng của quân dân trên các mặt trận.
Sự mộc mạc, giản dị và rõ ràng trong ý tứ, hình họa là nét đáng yêu của các tranh cổ động thời chống Mỹ này.
Nhìn chung, các tranh đều có mầu đỏ, mầu của cờ, hoa, khẩu hiệu và nó như là một mầu tượng trưng cho sức mạnh của toàn dân trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Chiến tranh đã lùi xa 30 năm, nhưng những ấn tượng mà tranh cổ động thời chống Mỹ đem lại vẫn rất sâu đậm.
Họa sĩ Hoàng - người công tác ở Bảo tàng Mỹ thuật thành phố nhiều năm - cho rằng, đã lâu lắm mới lại có một triển lãm dạng này, tranh do các họa sĩ Việt Nam vẽ nhưng lại do những người nước ngoài sưu tập. Anh đánh giá rất cao ông Dominic Scriven và các đồng nghiệp người Anh đã có công sưu tầm lưu giữ để có cuộc trưng bày hôm nay.
Còn họa sĩ Mai Lân thì xem chăm chú "cứ như mình đang đứng xem ở Nhà thông tin 93 Đinh Tiên Hoàng hoặc Nhà thông tin 45 Tràng Tiền, Hà Nội những năm 1970, 1971. Từ nét vẽ đến mầu sắc và cả cách thể hiện đều đáng yêu".
Anh bảo, ngày nay các tranh đều được vẽ trên vi tính, in bằng máy cho nên nó không thể có được cái "hồn" như các tranh ở đây. Và anh công nhận rằng, các tranh cổ động này đầy nét duyên dáng, cực kỳ gần gũi đối với tầng lớp công chúng như anh, tuy nó chưa hội tụ đầy đủ như là một bộ sưu tập hoàn chỉnh.
|