Quả bom dư luận lại bị kích nổ
Các Website khác - 13/05/2006
Hạ viện Anh công bố báo cáo về vụ đánh bom London:
Quả bom dư luận lại bị kích nổ

Hình ảnh được camera ghi lại cho
thấy 4 kẻ đánh bom (từ trái sang):
Habib Hussain, Germaine Lindsay,
Mohammed Sidique Khan và
Shahzad Tanweer tới ga xe điện
ngầm Luton ở London sáng 7.7.2005.

Báo chí Anh hôm 12.5 đồng loạt lên tiếng chỉ trích 2 bản báo cáo chính thức vừa được Uỷ ban Tình báo và An ninh Hạ viện đưa ra hôm 11.5 mà họ cho rằng chỉ "bào chữa cho những sai lầm của cơ quan an ninh", đồng thời kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập và công khai theo yêu cầu của các gia đình nạn nhân vụ khủng bố London.


Đúng 10 tháng sau ngày thứ năm bi thảm 7.7.2005, khi thủ đô London của nước Anh rung động vì loạt vụ đánh bom liên tiếp xảy ra trên 3 tuyến xe điện ngầm và 1 xe buýt vào giờ cao điểm đi làm buổi sáng, làm 52 người chết và 700 người bị thương, nỗi giận dữ vẫn tiềm ẩn trong dư luận lại một lần nữa bị khuấy lên sau khi báo cáo chính thức về vụ khủng bố tồi tệ nhất trong lịch sử nước này được hạ viện đưa ra, trong đó nói "nếu có thêm nguồn tin sớm hơn, sẽ có cơ hội lớn hơn để ngăn chặn các vụ tấn công".

Dẫu sao, cơ quan do thám nội địa MI5 đã được "giải tội" khá nhiều, dù các báo cáo này đều khẳng định việc 3 trong số 4 kẻ đánh bom đã ở trong tầm ngắm của cơ quan này từ trước đó, song lại không được tiếp tục theo dõi và xác định nhân thân chỉ vì các nhân viên tình báo cho rằng "chúng không phải mối đe doạ khẩn cấp"(?).

Dẫn đầu những lời kêu gọi phải mở cuộc điều tra độc lập và công khai về vụ này, các báo Daily Mirror, Daily Telegraph và The Independent khẳng định đây là yêu cầu chính đáng vốn đã được thân nhân các nạn nhân đưa ra, song bị chính phủ Công đảng của Thủ tướng Tony Blair từ chối.

Ngay cả tờ báo vốn có truyền thống ủng hộ Công đảng là Daily Mirror cũng đã đặt câu hỏi nghi vấn về quyết định này. "Đó là vì họ không muốn cuộc chiến Iraq bị chỉ trích vì loạt vụ đánh bom trên...? Hoặc vì họ không thích điều tra chặt chẽ xem vì sao, bất chấp việc đã xảy ra các vụ khủng bố 11.9.2001, Bali và Madrid, lực lượng an ninh của chúng ta vẫn không được cung cấp tài chính đầy đủ, hoặc vì họ không muốn xem xét kỹ lưỡng quyết định giảm bớt cấp độ báo động an ninh chỉ một tháng ngay trước vụ khủng bố đó?".

Còn tờ Daily Telegraph thì gọi các báo cáo này là "sự thanh minh" và "điều sỉ nhục", nói đây là mưu toan mới nhất của chính phủ trung tả của ông Blair nhằm "trốn tránh trách nhiệm", đồng thời rút ra những điểm đáng so sánh với cuộc điều tra của toà án năm 2004 về báo cáo của Cơ quan tình báo Anh đã thổi phồng khả năng chính thể của ông Saddam Hussein ở Iraq sở hữu vũ khí huỷ diệt. Khi đó, vị thẩm phán do chính phủ chỉ định đã giúp "giải tội" cho ông Blair và chuyển hướng gánh chịu búa rìu dư luận về cái chết của nhà khoa học David Kelly sang phía đài BBC.

Tờ Independent thì giật tít lớn: "Sao chúng ta quên họ", đăng cùng những tấm ảnh các nạn nhân vụ 7.7 và câu hỏi vì sao chính phủ lại bác bỏ một cuộc điều tra công khai về cả vụ khủng bố London cũng như cuộc chiến Iraq, để thực thi "các cuộc điều tra riêng ở diện hẹp hơn". "Chúng ta đã không thể không hỏi vì sao họ lại sợ như vậy" (?), Independent đập thẳng.

Lực lượng tình báo Anh trước đó đã được chờ đợi sẽ phải lĩnh "cả mớ" chỉ trích mới, sau khi tin tức tiết lộ ra rằng họ đã nhận được những cảnh báo đáng tin cậy về một vụ tấn công khủng bố sẽ xảy ra, không phải ở khả năng "nếu" mà là "bao giờ".

Theo ông Michael Henning - một nhà môi giới ở khu Kensington phía tây London và cũng là một nhân chứng còn sống sót sau vụ đánh bom 7.7 - thì đây rõ ràng là một vụ "bê bối" về thiếu nguồn tin để cho các vụ tấn công lẽ ra có thể ngăn chặn lại vẫn xảy ra. L.L.Q (Theo BBC, CNN)