Sông Châu Phi đang dần khô cạn Theo một nghiên cứu mới đây đăng trên tờ Science Express, sau 50 năm nữa Châu Phi chỉ còn lại 3/4 lượng nước sông hiện có - hậu quả của việc trái đất nóng lên.
Theo Nhóm liên chính phủ về thay đổi khí hậu (IPCC - Bao gồm hàng trăm nhà khoa học hàng đầu trên thế giới), với những dự án thải khí hiệu ứng nhà kính hiện nay thì nhiệt độ trái đất sẽ tăng lên từ 2 đến 4,50C vào cuối thế kỷ này. Và mặc dù toàn thế giới đều phải hứng chịu những cú "hắt hơi" đỏng đảnh của khí hậu khi trái đất nóng lên, nhưng có lẽ Châu Phi sẽ lĩnh hậu quả nặng nề nhất khi lượng nước mưa giảm xuống. Bởi khác với những châu lục khác, Châu Phi không có những dãy núi lớn để trữ băng; nước cấp cho các dòng sông, suối hoàn toàn trông chờ vào nước mưa, nước ngầm. Trong khi đó, theo nghiên cứu của de Wit và Stankiewicz, những hệ thống sông, hồ quan trọng của lục địa đen như sông Orange, Senegal, Niger, Volta, Nile... và hồ Chad đều nằm trong vùng đặc biệt dễ bị khô hạn. Nếu những ước tính của nghiên cứu trên là chính xác, Châu Phi quả thật đang đứng trước một thảm hoạ. "ở Châu Phi, 2 triệu kilômét sông là nguồn nước mặt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - De Wit nói - Hầu hết dân nông thôn vẫn phụ thuộc vào nước sông trong cuộc sống hàng ngày. Họ và gia súc của họ cần có nước sông". Đó là chưa kể đến những thảm hoạ sinh thái khi những loài động thực vật sống xung quanh môi trường nước sông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, cùng với sự khô cạn đi của hệ thống sông, de Wit và Stankiewicz còn dự đoán rằng sa mạc Sahara sẽ trải rộng về phía nam, liếm sạch những miếng đất màu mỡ của Burkina Faso, Mali... Trong bối cảnh đó, những cuộc chiến tranh vì nước là điều không thể tránh khỏi. "Nếu sông Châu Phi không còn nước, cảnh chết chóc sẽ diễn ra tràn lan ở các vùng nông thôn châu lục này - Adil Najam, Giáo sư về đàm phán và ngoại giao tại ĐH Tufts (Massachusetts, Mỹ) nói - Nhiều người ở Châu Phi phải dành nhiều thời gian và tiền bạc để có được nước hơn hầu hết mọi loại tài nguyên khác. Mà nước là vấn đề không thể thương lượng. Người ta sẽ phải làm mọi việc cần làm để có nước khi nó trở nên hiếm hoi và đắt đỏ. Dù anh nghèo, anh vẫn không thể nhịn uống nước". Khi đó, nguy cơ xung đột giữa các quốc gia Châu Phi sẽ gia tăng, bởi nhiều con sông ở đây chảy qua lãnh thổ nhiều quốc gia. Khi chưa thể cải thiện khí hậu như hiện nay, nhu cầu cấp bách đối với các nước Châu Phi - theo de Wit và Jacek Stankiewicz - là phải thiết lập hệ thống quản lý nước hiệu quả ở các khu vực, nhất là ở vùng nông thôn, nơi những con sông đứng trước thảm hoạ khô cạn trong tương lai. Diệp Linh tổng hợp |
▪ Mầm mống bạo loạn do thất nghiệp (11/03/2006)
▪ Mỹ từ bỏ nhà tù Abu Ghraib (11/03/2006)
▪ Ông Kofi Annan bị bỏ phiếu bất tín nhiệm hôm 9.3 (11/03/2006)
▪ Thủ tướng Anh "lấy làm tiếc" về vụ cảnh sát Anh bắn nhầm thợ điện Brazil (11/03/2006)
▪ Quyền Thủ tướng Israel Ehud Olmert lại bày tỏ lập trường cứng rắn (11/03/2006)
▪ Nhà của Bill Clinton thành di tích lịch sử (10/03/2006)
▪ Cầu thủ robot (11/03/2006)
▪ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ thảo luận về Iran (10/03/2006)
▪ HÌNH ẢNH & SỰ KIỆN (10/03/2006)
▪ Cảng hàng không giá rẻ (10/03/2006)