Sự kiện nổi bật trong tuần
Các Website khác - 23/02/2009

Triều Tiên xác nhận sẽ thử tên lửa đúng vào thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thực hiện chuyến thăm các nước châu Á, hai tàu ngầm hạt nhân Anh và Pháp đụng nhau giữa Đại Tây Dương là những sự kiện nổi bật tuần qua.

Ngày 16/2, Triều Tiên tuyên bố chính thức sẽ thực hiện kế hoạch phóng thử tên lửa, đúng như các thông tin đồn đoán trước đó. Bình Nhưỡng khẳng định đây là một phần của chương trình vũ trụ chứ không phải gân hấn quân sự như phương tây cáo buộc. Tuy nhiên Mỹ tuyên bố sẽ coi một vụ thử tên lửa tầm xa của Triều Tiên là hành động "khiêu khích". Diễn biến mới cho thấy bầu không khí căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa giảm nhiệt. Anh: Reuters.
Tuần qua đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của bà Hillary Clinton trong tư cách ngoại trưởng Mỹ đến 4 nước châu Á là Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Động thái này cụ thể hóa tuyên bố của bà trước đó rằng Mỹ muốn mở rộng và tăng cường quan hệ với châu Á dưới thời chính quyền mới của Tổng thống Barack Obama. Bà cũng từng nhấn mạnh quan hệ Mỹ với Trung Quốc sẽ là mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới trong thế kỷ này. Ảnh: AP.
Ngày 16/2, hai tàu ngầm hạt nhân là Le Triomphant của Pháp và HMS Vanguard của Anh đã đụng nhau giữa Đại Tây Dương và đều bị hỏng nặng với những vết xước và móp méo. Hai tàu va chạm khi đang di chuyển với tốc độ nhỏ nên không có thủy thủ nào bị thương và các lò phản ứng hạt nhân trên tàu vẫn an toàn. Đây là tai nạn hy hữu trong lịch sử hải quân thế giới liên quan đến hai con tàu có vai trò quan trọng trong hải quân Anh và Pháp. Ảnh: Royal Navy.
Ngày 17/2, phiên tòa xử tội diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ khai mạc tại Phnom Penh sau thời gian dài chờ đợi. Bị cáo đầu tiên bị xử là Kaing Guek Eav, còn gọi là Duch, trùm nhà tù khét tiếng Tuol Sleng bị buộc tội chỉ huy sát hại, tra tấn khoảng 16.000 tù nhân Campuchia. Ngoài Duch còn có 4 lãnh đạo Khmer Đỏ sắp đối mặt với công lý là Nuon Chea, Ieng Sary, Ieng Thirith và Khieu Samphan. Chúng đều bị cáo buộc chịu trách nhiệm trước cái chết của khoảng 2 triệu người Campuchia dưới chế độ Khmer Đỏ (1975-1979). Ảnh: AFP.
Ngày 18/2, nước Mỹ sục sôi sau khi tờ báo lá cải New York Post đăng bức biếm họa hàm ý so sánh Tổng thống Obama với một con tinh tinh đã chết. Bức biếm họa tai tiếng vẽ hai cảnh sát hạ sát một con tinh tinh và nói: "Họ sẽ phải tìm người khác để thảo dự luật kích thích kinh tế mới". Làn sóng biểu tình dâng cao kêu gọi tẩy chay tờ báo vì cho rằng bức vẽ mang tính phân biệt chủng tộc. Sức ép của dư luận đã buộc ban biên tập tờ báo này phải xin lỗi. Ảnh: AP.
Ảnh: Defenceamerica.
Ngày 19/2, quốc hội Kyrgyzstan bỏ phiếu phê chuẩn đóng cửa căn cứ không quân Manas, điểm trung chuyển quan trọng đối với các chiến dịch của Mỹ ở Afghanistan. Quyết định này thực sự là một thách thức đối với Tổng thống Barack Obama khi ông vừa quyết định tăng thêm 17.000 quân tới Afghanistan, đồng thời diễn ra giữa lúc sự cạnh tranh ảnh hưởng ở Trung Á giữa Matxcơva và Washington đang lên cao. Kyrgyzstan khẳng định không có mối liên hệ nào giữa sự kiện này với việc Nga cho vay 2 tỷ USD. Ảnh: Defencamerica.
Sáng sớm 22/2, một vụ nổ khí dưới hầm mỏ tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc làm 74 người thiệt mạng và 114 người bị thương. Đây là vụ tai nạn hầm mỏ đẫm máu nhất hơn một năm qua tại Trung Quốc, nước từng chứng kiến nhiều tai nạn đẫm máu trong ngành khai mỏ. Sở hữu mỏ vừa xảy ra tai nạn là nhà sản xuất than cốc lớn nhất Trung Quốc. Riêng trong năm ngoái có 3.200 người thiệt mạng trong các hầm mỏ tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Ảnh: AP.

Theo VnExpress