Thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ ở Pakistan
Các Website khác - 08/11/2007
Cánh sát xô đẩy các luật sư biểu tình phản đối việc ban bố tình trạng khẩn cấp tại Islamabas.

Một quan chức chính phủ Mỹ gọi những gì xảy ra ở Pakistan trong tuần qua là "kịch bản ác mộng nhất" đối với Tổng thống Mỹ George Bush trong 15 tháng qua. Đó là tình hình chính trị rối bời ở một đất nước mà cả al-Qaeda, Taliban và nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân đang cùng hoành hành.

 

 “Máy rút tiền tự động”

 

Từ năm 2001 đến nay, Pakistan đã nhận khoảng 10 tỷ USD viện trợ của Mỹ, trong đó phần lớn là viện trợ chống khủng bố.

 

Một số nhà phân tích cho rằng quân đội Pakistan đã "chơi trò hai mặt" khi bắt tay với Mỹ để nhận viện trợ, trong khi không quyết liệt chiến đấu chống Taliban và các nhóm cực đoan khác.

 

Nhà phân tích Stephen Cohen tại Viện Brookings nói: "Hậu quả là chúng ta đã lãng phí nhiều tỷ USD, trở thành cái máy rút tiền tự động của Musharraf để cho ông ta xây dựng một quân đội không tương xứng với những đe dọa an ninh thực sự và làm tăng thêm tình cảm chống Mỹ ở Pakistan".

 

Báo cáo tình báo quốc gia tháng Tám vừa qua của Mỹ đã thừa nhận rằng vùng sắc dân thiểu số của Pakistan giáp giới với Afghanistan đã trở thành căn cứ địa của Al-Qaeda, lực lượng đang tái tạo lại hệ thống chỉ huy và hoạch định các vụ khủng bố quốc tế mới. Cả vụ đánh bom ở hệ thống tàu điện ngầm của Luân Đôn năm 2005, vụ mưu toan đánh bom chiếc máy bay chở khách của Hãng hàng không Anh năm 2006 và vụ mưu toan gây nổ ở Đức mới đây, tất cả đều xuất phát từ khu vực này của Pakistan.

 

Sáu năm sau khi Mỹ ép Tướng Musharraf phải đứng về phía Mỹ sau vụ khủng bố 11/9/2001, sau nhiều nhượng bộ và đánh đổi, nay cả các quan chức ở trong lẫn ngoài chính quyền Bush cùng phải đặt câu hỏi, phải chăng Tổng thống Bush đã đầu tư quá nhiều và phụ thuộc quá nặng vào một nhà lãnh đạo Pakistan đơn lẻ, tới mức hạn chế sự lựa chọn những chiến lược lâu dài khác của Mỹ. Để giờ đây, khi bị Tướng Musharraf đặt vào tình thế tiến thoái lưỡng nan này, họ mới nhận thấy một sự thật đau xót rằng bất chấp việc đã mất hàng tỷ USD, ảnh hưởng của Mỹ đối với Pakistan không những chẳng tăng mà còn giảm.

 

Ác mộng

 

Trong khi đó, cái giá phải trả về chính trị lại quá cao. Hầu như tất cả các vụ khủng bố sau ngày 11/9/2001 đều xuất phát từ lãnh thổ Pakistan. Điều này đã làm cho nhiều người trong ngành tình báo Mỹ tin rằng lẽ ra Tổng thống Bush phải chọn Pakistan, chứ không phải Iraq, làm "mặt trận trung tâm" của cuộc chiến chống khủng bố.

     

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, đó vẫn chưa phải là ác mộng. Các nhà phân tích cho rằng nguy cơ lớn hơn nằm ở trong nội bộ quân đội Pakistan, vốn ủng hộ cuộc đảo chính của Musharraf và từng hậu thuẫn ông trong suốt 8 năm qua trong chiến dịch được Mỹ ủng hộ chống các tay súng nổi dậy. Đội quân 500.000 người này đã bị thối chí không chỉ do một loạt cuộc tấn công vào lực lượng an ninh và các vụ bắt cóc của quân du kích mà còn hứng chịu thái độ bất mãn của dân chúng đối với chính quyền Musharraf.

 

Nếu quân đội Pakistan bị chia rẽ nghiêm trọng và chính phủ bị sụp đổ điều này sẽ ảnh hưởng rất xấu tới an ninh hạt nhân của Pakistan. Nguy cơ vũ khí và nhiên liệu hạt nhân lọt vào tay các phần tử cực đoan là rất lớn. Và đây là điều các quan chức chính quyền Bush rất lo ngại, cho dù họ ít để lộ điều này ra trước công chúng. Năm qua chính phủ Musharraf đã lẳng lặng cử các quan chức tới Washington trấn an các quan chức chính quyền Bush rằng ngay cả trong trường hợp Tướng Musharraf bị lật đổ hay bị ám sát, cơ chế bảo đảm an toàn hạt nhân, kiểm soát cả vũ khí lẫn kỹ thuật hạt nhân, sẽ không bị phá vỡ.

 

Sai lầm chiến lược

 

Những người chỉ trích chính sách của chính quyền Bush cho rằng cả Tổng thống Bush lẫn Tướng Musharraf cùng quá chậm nhận ra những thách thức đang nổi lên. Ví dụ chính quyền Bush đã phản ứng quá chậm trước những bằng chứng cho thấy ngay từ năm 2004 Al-Qaeda và Taliban đã bắt đầu xây dựng khu nương náu mới ở vùng sắc dân thiểu số của Pakistan giáp giới với Afghanistan. Vào thời điểm ấy cả Tổng thống Bush lẫn Tướng Musharraf cùng công khai tuyên bố rằng hệ thống chỉ huy của Al-Qaeda đã bị suy yếu nghiêm trọng và Taliban chỉ là đội quân đã kiệt sức.

 

Chính quyền Bush cũng tập trung vào nâng đỡ Tướng Musharraf, người mà Washington coi là lãnh đạo quân sự ôn hoà duy nhất có thể kiểm soát được quân đội Pakistan. Hầu hết các quan chức Mỹ tin rằng chừng nào quân đội Pakistan còn thống nhất, thì chừng đó kho vũ khí hạt nhân của Pakistan vẫn được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc tập trung nâng đỡ ông Musharraf là một sai lầm. Họ cho rằng quân đội Pakistan về cơ bản là ôn hoà, cho dù có hay không có ông Musharraf.

 

Theo các chuyên gia, chính sách của Mỹ đã tập trung quá nhiều quanh một nhân vật, đó là Musharraf. Kết quả là Mỹ bị coi là bạn của Musharraf, chứ không phải bạn của Pakistan.

 

Tiến thoái lưỡng nan

 

Ngày 5/11, trong phát biểu công khai đầu tiên kể từ khi Tướng Musharraf áp đặt tình trạng khẩn cấp tại Pakistan, ông Bush đã yêu cầu ông Musharraf bãi bỏ lệnh trên, từ chức Tổng tư lệnh quân đội và tổ chức tổng tuyển cử đúng theo kế hoạch.

 

Tuy nhiên, ông Bush đã không đề cập đến việc ông sẽ thực hiện biện pháp gì, ví dụ như Mỹ sẽ cắt giảm của Pakistan bao nhiêu viện trợ, nếu Tổng thống Musharraf phớt lờ yêu cầu của ông.

 

Có điều đáng chú ý là ông Bush vẫn dành một số lời khen ngợi cho sự hợp tác của Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố. Các nhà phân tích đánh giá, sở dĩ ông Bush có tuyên bố mang tính “dĩ hoà vi quý” như vậy bởi trên thực tế ông không có nhiều lựa chọn để đối phó với cuộc khủng hoảng tại Pakistan. Nếu tiếp tục ủng hộ chính phủ Musharraf, chính quyền Bush lại phải đối mặt với sự chỉ trích của các nhóm nhân quyền và biến chương trình tự do dân chủ của ông Bush trở thành trò hề. Nhưng nếu thực hiện các biện pháp trừng phạt, chẳng hạn như cắt giảm viện trợ, chắn chắn nó sẽ ảnh hưởng tới các nỗ lực chống khủng bố cũng như chiến lược toàn cầu của Washington. Đây là điều Mỹ không thể chấp nhận được.

 

Giới phân tích nhận định, chừng nào ông Musharraf vẫn còn là nhân vật không thể thay thế, hay nói cách khác, chừng nào Mỹ còn chưa tìm ra được người thích hợp có thể thay thế ông Musharraf đảm đương cuộc chiến chống khủng bố của Washington hiện nay, Mỹ sẽ không dám mạnh tay với viên tướng này. Tất cả những gì mà Mỹ có thể làm lúc này là kêu gọi ông Musharraf hãy bãi bỏ tình trạng khẩn cấp và khôi phục các nguyên tắc dân chủ, trong khi vẫn lẳng lặng tiếp tục bơm tiền để Pakistan chống khủng bố với hy vọng rằng nhờ một phép màu nào đó, tình hình tại Pakistan sẽ nhanh chóng trở lại bình thường.

 

Kiến Văn