Tìm giải pháp cho tương lai
Các Website khác - 16/06/2006
Hội nghị tổng kết 20 năm đổi mới ở VN lần thứ 4:
Tìm giải pháp cho tương lai


Đổi mới thoạt đầu được xem là một chính sách kinh tế, nhưng nó đã có cả những tác động to lớn về mặt chính trị và ngoại giao đối với VN. Đặc trưng chính trị quan trọng nhất của đổi mới là đã đem lại cho VN một lộ trình để vững vàng đưa đất nước gia nhập nền kinh tế quốc tế và đồng thời trở thành người chơi đáng nể trong cộng đồng ngoại giao quốc tế.

Đổi mới là cốt lõi của việc VN gia
nhập các tổ chức quốc tế có uy tín.
Thành công lớn
Theo GS D.Dapice, Trường ĐH Harvard và ĐH Tufts, thành công đáng ngạc nhiên nhất của đổi mới là việc tư nhân hoá trong lĩnh vực nông nghiệp. Chính sách này góp phần làm giảm nghèo đói hơn bất kỳ điều gì khác trong thập niên đầu đổi mới.

Chỉ sau 2 thập kỷ, tỉ lệ nghèo đói ở VN giảm từ khoảng 3/4 xuống dưới 1/4. Tiếp đó là quyết định đáng chú ý năm 2000 cho phép đăng ký dễ dàng thay vì phải cấp phép đối với hầu hết các doanh nghiệp tư nhân. Kết quả là có trên 120.000 công ty mới, hàng triệu việc làm và hàng tỉ USD được huy động vào vốn đầu tư.

"Đổi mới chính là cốt lõi của việc VN gia nhập ASEAN, AFTA, APEC, WTO và các tổ chức quốc tế có uy tín khác, giúp mở rộng hình ảnh của VN", cựu Đại sứ Mỹ Pete Peterson nhận xét.

"99,9% các báo cáo trong hội thảo đều kết luận rằng đổi mới là một thành tựu lớn. Tôi nhất trí với điều đó, nhưng đổi mới có thể đem lại những thắng lợi về mặt kinh tế lớn hơn nhiều trong khoảng thời gian ngắn hơn nếu đưa ra chính sách một cách quyết liệt hơn, với tầm nhìn rộng hơn" - ông Peterson nói.

Sẽ thành công hơn, nếu...
Theo cựu Đại sứ Mỹ, vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế ở Châu
Á giữa năm 1997, trong khi nhiều nước láng giềng phải chịu những biến động kinh tế nặng nề thì VN hầu như không bị ảnh hưởng. VN lúc đó vẫn có một tỉ lệ tăng trưởng tương đối cao và người ta thấy rằng VN là một trong những nước ổn định về kinh tế và chính trị trong khu vực.

Ông Peterson cho rằng, lẽ ra VN cần tận dụng cơ hội đó để tăng tốc và tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn thì VN đã có thể ở một vị trí tốt hơn để hấp dẫn đầu tư nước ngoài từ các nước láng giềng. "Tôi cho rằng đây là cơ hội bị bỏ lỡ" - ông nói.

"Cơ hội bị bỏ lỡ" thứ hai, theo ông Peterson là việc VN không đẩy nhanh kết thúc Hiệp định Thương mại song phương với Mỹ từ những năm 1995-1997. Nếu nắm bắt thời cơ, VN đã có thể gia nhập WTO từ vài năm trước.

GS D.Dapice nhận xét, VN có một quá khứ tự hào về các nhà văn, trí thức và nhà khoa học nổi tiếng. Nhưng chất lượng giáo dục ở VN hiện nay là yếu. Không một trường ĐH nào của VN được xếp vào danh sách các trường ĐH hàng đầu ở Châu Á. VN không cho phép tiến hành kiểm tra theo chuẩn quốc tế đối với học sinh phổ thông...

"Tại sao lại như vậy?". Ông Dapice lý giải ngay: Bộ GDĐT có xu hướng trì hoãn cải cách cơ bản, không khuyến khích cạnh tranh từ các trường học tự do hay tư nhân. Bộ cũng có xu hướng tiếp tục một giáo trình chuẩn, trong khi thử nghiệm các giáo trình khác có thể đem lại tài liệu tốt hơn cho các nhóm học sinh khác nhau. "Sự thiếu hiệu quả, thiếu cải cách nội bộ là vấn đề lớn trong giáo dục" - ông kết luận.

Các đại biểu cho rằng đổi mới vẫn là một tiến trình đang diễn ra và phải tiếp tục phát triển để phù hợp với những thách thức hiện nay. Theo ông Peterson, Chính phủ phải giải quyết một cách nghiêm túc các vấn đề liên quan đến hiện tượng tham nhũng lan rộng hiện nay, đảm bảo minh bạch hơn trong các cơ quan và cần nỗ lực nâng lương công chức lên mức xứng đáng với chuẩn mực của cộng đồng.

Bà Anna Lindstedt - Đại sứ Thuỵ Điển - cho rằng, để duy trì cải cách, VN cần thúc đẩy dân chủ, tạo điều kiện để người dân thảo luận các vấn đề chung trên cơ sở có đủ thông tin, chống tham nhũng và thúc đẩy sử dụng môi trường một cách bền vững.

Trí Minh

"VN đang đi theo bước chân của những nhà phát triển thành công trong khu vực, khi ngành chế tạo và xuất khẩu đạt được mức tăng trưởng nhanh. Thách thức trong tương lai sẽ là vượt lên những ngành sản xuất truyền thống như may mặc, da giày và đồ gỗ..., để chuyển sang những sản phẩm có giá trị cao hơn như đồ điện, hoá chất và đặc biệt là những sản phẩm dựa trên sự sáng tạo" - Ông J.K.Sundaram - Trợ lý Tổng Thư ký LHQ về phát triển kinh tế. TR.M