Từ New York nghĩ về Cát Thịnh
Trần Lệ Thuỳ (từ New York) LTS: Tác giả là cộng tác viên của Báo Lao Động, quê ở xã Cát Thịnh (Văn Chấn - Yên Bái), nơi vừa xảy ra thảm hoạ lớn do lũ quét. Trong nỗi đau đớn của người đang công tác xa quê, chị như đã thấy trước chính sự tàn phá môi trường của con người đã đẩy con người vào hoạn nạn. Chúng tôi xin trích đăng một phần bài viết của chị.
Cuối thu New York (Mỹ). Mở Lao Động Điện tử ra đọc tin. Đập vào mắt là ảnh lũ tan hoang ở Yên Bái. Ở, tỉnh mình, quê mình... Không thể tin được! Dán mắt vào ảnh trên Lao Động, Vietnamnet, AFP... Những gương mặt quen kêu khóc mất người thân.
Tôi cuống cuồng chạy ra điện thoại công cộng, qua nơi các bạn sinh viên cùng trường đang quyên góp vì bão Katrina, chạy qua khu đất trống toà tháp đôi. Thảm họa đến cả quê hương bình yên, vùng miền núi xa xôi tưởng chẳng bao giờ có tên trên mặt báo. Mẹ vừa rời quê tuần trước. Nhà ở trên cao và xa suối nên không sao. 24 người chết, gồm toàn bộ ba gia đình. Là những ai? Cố gắng tưởng tượng cảnh tan hoang trên vùng đất mình biết rõ từng bụi cỏ ấy. Cảnh báo chí tả là tang tóc ở ngay nơi mình đã sống 18 năm ấy. Không thể hình dung nổi.
Thiên nhiên đẹp và trong lành, con người chân chất, hiền lành khiến tôi yêu Cát Thịnh hơn nơi nào hết. Mỗi khi trời mưa xong, không gian trong suốt đến mức có thể nhìn thấy những thân cây lớn trắng mốc trên ngọn núi cách nhà hàng kilômét. Chiều hè, mây trời đỏ rực lịm dần sau dãy núi Hoàng Liên. Không ít lần tôi tự hào bảo bạn bè rằng thiên nhiên rất tốt với quê tôi. Bão lũ không to, chẳng bao giờ gây thiệt hại gì đáng kể. Đất mới vỡ hoang, đỏ au. Cây cối cứ cắm xuống là mọc. Không ngờ một ngày, thiên nhiên lại có thể tàn khốc đến thế...
Con suối gắn bó với tất cả người dân Cát Thịnh. Nhà cửa, chợ, đường xá dựng hai bên bờ suối thành thị tứ Ngã Ba. Trường PTCS Cát Thịnh và PTTH Văn Chấn, nơi tôi từng học, nằm ngay bên suối. Lớp học có cả người Kinh, thường là con cháu người đi khai hoang từ Thái Bình, Nam Định, người Mông, người Dao, người Tày, người Thái. Tám xã mới có một trường phổ thông, nên nhiều bạn đạp xe cả chục cây số đi học, hoặc ở trọ gần trường. Suối nằm trong những hình ảnh đẹp nhất về quê hương. Mỗi lần có bão, gió to lật ngược lá rừng thành màu trắng, mưa làm lũ con suối. Nước đục ngầu, cuốn phăng phăng những khúc cây rừng to đùng. Nhưng nước dâng lên không cao là mấy, chỉ khoảng vài giờ là rút. Chỉ tội bọn trẻ con, tan lớp buổi trưa không về được. Đứng bên suối chờ lũ rút với cái bụng đói meo. Thời bao cấp thiếu ăn, cái đói càng khó chịu...
Thế rồi thời mở cửa, người ta săn lùng pơ mu, nghe nói để xuất khẩu sang Nhật làm thùng rượu sakê. Xe chở gỗ đi lại rầm rập suốt đêm. Người ta rộ lên việc nổ mìn, đãi cát trên suối tìm vàng... Rồi lại rộ lên đi bắt rùa núi, tê tê nữa, đem bán sang Trung Quốc. Thỉnh thoảng người đi chợ lại mua được thịt hổ... Có lần đi học về, bọn trẻ con bịt mắt không dám nhìn cảnh mấy con khỉ đang lạy khi bị đập đầu giết bên suối...
Thấm thoắt, tôi đi học đại học và xa quê hơn mười năm. Trường Văn Chấn và Cát Thịnh được xây dựng lại khang trang hơn nhiều. Khi về cứ ghen tị là bọn trẻ học sau đã có cầu xây để đến trường. Từ cả khoá có mỗi 40 đứa thời tôi, vì các gia đình không quan tâm đến việc cho con đi học, bây giờ trường đông đến hàng nghìn học sinh. Dù gia đình khó khăn đến mức nào, các ông bố bà mẹ cũng dồn hết sức cho con học hành tử tế thành người.
Mấy năm nay về quê cứ ngạc nhiên. Vài học sinh đỗ những trường đại học danh tiếng, nhưng rất đông thanh niên không đi học được vì thi đại học quá khó đối với những người chịu thiệt thòi ở vùng sâu xa như Văn Chấn. Không có việc làm vì trung tâm tạo việc làm là nhà máy chè đang trên bờ phá sản. Thế là lao vào ma tuý. Tiền dùng ma tuý chỉ có thể đến từ rừng. Lại lén lút vào rừng chặt cây, xẻ gỗ bán. Rừng lại thêm cạn. Và rồi, do buôn bán khó phát triển, người ta đốt rừng làm nương, làm trang trại. Cam Yên Bái đổ về chợ Long Biên (Hà Nội) mấy năm nay một phần là từ Cát Thịnh. Nhiều gia đình xây được nhà tầng. Khu Ngã Ba khá giả hẳn lên nhờ rừng. Nhưng rừng ngày một lùi xa dần.
Hai năm nay tự dưng hết nước. Nhà nhà phải đào giếng sâu thêm hoặc đi xin nước ăn. Mỗi năm về Tết, lại thấy tiếc cảnh bể nước trong vắt tràn trề ngày xưa, giờ thay bằng can nhựa đựng nước. Mùa hè trở nên nóng bức chẳng kém gì trên đường nhựa và bê tông của Hà Nội. Con suối trở nên nhăn nhó, xấu xí, cạn gần trơ đáy.
Mảnh đất hiền hoà không còn hiền hoà nữa. Cát Thịnh ơi! (...) |