Việt Nam cần cải thiện cả hệ thống để chống tham nhũng có hiệu quả
Các Website khác - 03/06/2006
Ngân hàng thế giới:
Việt Nam cần cải thiện cả hệ thống để chống tham nhũng có hiệu quả

Chuẩn bị cho Diễn đàn Doanh nghiệp VN (Hà Nội ngày 5.6) và Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho VN (CG) (Nha Trang ngày 8,9.6), ông Klaus Rohland - Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN, và ông Martin Rama - chuyên gia Kinh tế trưởng của WB, đã trả lời các câu hỏi của báo chí.

- Xin cho biết, lòng tin của các nhà tài trợ bị ảnh hưởng thế nào sau vụ PMU18? Liệu CG có thảo luận vấn đề trách nhiệm giám sát của các nhà tài trợ?

Ông Klaus Rohland: Câu hỏi đầu tiên đặt ra liên quan đến PMU18 vì vụ này liên quan đến cuộc sống của người dân VN. Thật đáng tiếc vì vụ này đã xảy ra, nhưng tôi cho rằng đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư, cho người dân, thấy rằng chính phủ nghiêm túc xử lý tham nhũng. Tôi đã nói chuyện với nhiều quan chức cấp cao của Chính phủ và họ đều thể hiện quyết tâm xử lý vụ này. Đang có sự cân nhắc để cấu trúc của PMU cần thay đổi theo hướng có trách nhiệm hơn, minh bạch hơn. Tại CG tôi hy vọng sẽ được nghe CP nói kỹ hơn về cách xử lý vụ này và quyết tâm kiềm chế tham nhũng.

PMU18 chủ yếu liên quan đến các dự án do Chính phủ tài trợ. WB chỉ có 2 dự án do PMU18 thực hiện: Dự án đường giao thông nông thôn và dự án bảo dưỡng đường bộ. Tuần sau sẽ có một nhóm chuyên gia của WB đến đánh giá dự án thứ nhất. Nếu tìm thấy điều gì bất thường, chúng tôi sẽ có những biện pháp xử lý, kể cả xoá khoản vay đó, hoặc lập ra một danh sách đen các công ty đã sai phạm. Khi rà lại các gói thầu đã thực hiện, chúng tôi thi thoảng cũng phát hiện ra sự câu kết giữa các nhà thầu, và đã lên danh sách 100 công ty sẽ không được phép tham gia dự án của chúng tôi nữa.

Quan trọng hơn, chúng tôi sẽ thảo luận với chính phủ việc làm thế nào để cải thiện hệ thống để chống tham nhũng có hiệu quả. Còn về phía DN, cần có cơ chế để họ chống lại việc hối lộ, dù bị đòi thì cũng không hối lộ. Chúng tôi sẽ hợp tác với Chính phủ và người dân VN, với khu vực tư nhân để có hành động chung chống lại tham nhũng.

- Để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006 - 2010, VN cần chú trọng điều gì?

- Điều tích cực đầu tiên là kế hoạch đã được sự tham vấn sâu rộng của người dân, của các tỉnh, các DN trong và ngoài nước, các nhà tài trợ, Việt kiều, thay vì bị coi là một "tài liệu mật" như trước đây. Trong 5 năm tới, ưu tiên của VN là phải giảm nghèo tiếp tục, phân bổ tăng trưởng đồng đều hơn. Điều quan trọng bây giờ là phải chú trọng chất lượng đầu tư. VN đã đầu tư gần 40% GDP để phát triển kinh tế xã hội. Trừ Trung Quốc ra thì con số này thuộc loại cao nhất thế giới. Chúng ta không thể tiếp tục đẩy lên về số lượng nữa. Đầu tư vào con đường là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là bảo dưỡng đường. Sẽ là lãng phí nếu chỉ đầu tư mà không bảo dưỡng. VN cũng cần tiếp tục cải thiện quản lý hành chính công, tăng trách nhiệm giải trình của những người có chức vụ.

- WB đánh giá tổng quát về tình hình KT-XH của VN 6 tháng đầu năm như thế nào?

Ông Martin Rama: Nhìn chung là chúng tôi có những đánh giá tích cực. Quản lý vĩ mô ở VN thận trọng hơn. Tỉ lệ lạm phát, tốc độ tăng trưởng tín dụng không còn là quan ngại như trước nữa. Vấn đề là VN đang quản lý một nền kinh tế phức tạp hơn so với trước đây mà VN có thể chưa được chuẩn bị tốt, nên điều quan ngại của chúng tôi, về trung hạn, là sự quá hứng khởi đối với thị trường chứng khoán, về dài hạn là việc quản lý kinh tế có rất nhiều yếu tố mới. Ngoài hai điều đó ra, chúng tôi rất lạc quan với sự phát triển của VN.

Mỹ Hằng ghi