Việt Nam cần có trung tâm phân tích dioxin theo tiêu chuẩn quốc tế
Các Website khác - 25/11/2005
Việt Nam cần có trung tâm phân tích dioxin theo tiêu chuẩn quốc tế

Giúp đỡ để Việt Nam có một phòng thí nghiệm phân tích dioxin theo tiêu chuẩn quốc tế - đó là thoả thuận mà giáo sư hoá học người Pháp Pierre Vermeulin vừa ký với Hội Nạn nhân da cam/dioxin (VAVA), chiều 24.11, tại Hà Nội. Là người đã nhiều năm nghiên cứu về hậu quả của chất da cam ở Việt Nam, ông Vermeulin cho biết:

"Theo nhiều nghiên cứu, dioxin ở hàm lượng một phần triệu triệu gram đã rất độc, trong khi đó, quân đội Mỹ đã rải tới 300kg dioxin ở miền Nam Việt Nam. Theo tôi, đó thực sự là một cuộc chiến tranh hoá học của Mỹ chống lại Việt Nam, hơn thế, còn là hai lần chiến tranh hoá học: Một mặt, chất da cam phá rừng và cây nông nghiệp, mặt khác, dioxin ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ con người. Chất diệt cỏ không có tên trong danh sách vũ khí hoá học, nhưng tôi cho rằng, chất diệt cỏ có chứa dioxin chính là vũ khí hoá học.

Tôi cũng cho rằng, việc rải chất diệt cỏ có chứa dioxin thực sự là một tội ác. Trên phương diện khoa học, cần tăng cường các nghiên cứu dịch tễ học để tạo chứng cứ về mối liên hệ giữa dioxin với sức khoẻ con người. Song về chính trị, phía Mỹ không muốn công nhận rằng họ đã sử dụng vũ khí hoá học, do vậy cuộc đấu tranh của các nạn nhân da cam Việt Nam còn lâu dài. Việt Nam cũng cần công bố rộng rãi các thông tin về chất da cam để cộng đồng khoa học quốc tế hợp tác nghiên cứu.

Trong lĩnh vực này, Việt Nam là một "phòng thí nghiệm" lớn của thế giới. Thật đáng buồn khi phải nói như vậy, nhưng đó là thực tế, bởi có rất nhiều người bị phơi nhiễm chất da cam ở Việt Nam. Dioxin không gây ra một loại ung thư đặc hữu nào, mà nó thúc đẩy sự phát triển của tất cả các loại bệnh ung thư. Trên thế giới, tỉ lệ người phơi nhiễm dioxin bị ung thư tăng 40% so với người bình thường. Ơ Việt Nam, tỉ lệ người bị ung thư cũng rất cao. Dioxin cũng đã được chứng minh là gây dị tật bẩm sinh ở động vật, song ở người chưa được chứng minh rõ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tỉ lệ trẻ em bị dị tật bẩm sinh khá cao, và qua nhiều thống kê đã có thể xác định có mối liên quan giữa dioxin và dị tật bẩm sinh ở Việt Nam.

Việt Nam đã có một số phòng thí nghiệm (PTN) phân tích dioxin. Tuy nhiên, cần có PTN có uy tín quốc tế, được quốc tế công nhận, mà theo tôi, chỉ cần hai PTN như vậy là đủ. Tôi đã làm việc với Trung tâm Phân tích dịch vụ và thực nghiệm thuộc Uỷ ban Nhân dân TP.Hồ Chí Minh và PTN của Viện Hoá thuộc Viện Khoa học Việt Nam. Tôi sẽ giúp đỡ để Việt Nam tiến hành các bước để các PTN này được quốc tế công nhận.

Dioxin tồn lưu ở Việt Nam vẫn còn gây nguy hiểm. Việc xây dựng PTN theo tiêu chuẩn quốc tế trước hết phụ thuộc vào việc Việt Nam có thực sự muốn có những PTN như vậy không. Nếu có thì VN phải lên kế hoạch đào tạo kỹ thuật viên phân tích, bảo trì thiết bị, kế hoạch vận động tài chính. Về lâu dài, PTN sẽ giúp phân tích chất thải công nghiệp mà VN đang phải đối phó.

Chất da cam cũng ảnh hưởng đến sinh thái ở Việt Nam trên diện rộng. Tôi đã thoả thuận với VAVA và các nhà khoa học Việt Nam về xây dựng mô hình nông - lâm -ngư nghiệp để tái tạo rừng, tạo ra giá trị kinh tế cho cuộc sống của người dân và bảo đảm phát triển bền vững. Mô hình này trước hết sẽ thực hiện ở ba vùng: Phía bắc Quảng Trị, huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam và phía tây Tây Ninh, gần biên giới Campuchia". Mỹ Hằng ghi