Bản quyền truyền hình World Cup 2006: Hãy ngồi lại với nhau!
Các Website khác - 23/02/2006
Bản quyền truyền hình World Cup 2006:
Hãy ngồi lại với nhau!

Đàm Minh Thụy (Công ty Dolphin Media)
Sự kiện FPT mua được bản quyền truyền hình World Cup 2006 vẫn đang tiếp tục "nóng" trong dư luận. Trong số này, chúng tôi giới thiệu bài viết của một chuyên gia đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông quảng cáo, nhằm cung cấp thêm cho bạn đọc một góc nhìn nữa về sự kiện này.

"Trò chơi âm nhạc" - một chương
trình truyền hình do tư nhân
liên kết sản xuất.
Sau khi Công ty FPT mua được bản quyền truyền hình trực tiếp Wolrd Cup 2006 trên toàn lãnh thổ Việt Nam và bán lại cho VTV và HTV với giá tổng cộng gần 3 triệu USD, người ta dễ dàng làm một con tính: Mua 2,1 triệu USD, bán 3 triệu USD, lãi 900 ngàn USD - trên 14 tỉ VND! Một con số thực sự gây "xúc động" trong giới kinh doanh truyền thông và quảng cáo. Trong sự "xúc động" về một cú ápphe lớn như vậy, người ta đã đặt ra hàng loạt nghi vấn...

Giờ đây, khi sự "xúc động" đã lắng dịu đôi chút, chúng ta hãy bình tĩnh xem xét lại toàn bộ vấn đề. Theo chúng tôi, chẳng có gì là không trong sáng cả. Bản quyền truyền hình World Cup là một vấn đề rất lớn. Nhưng dưới góc nhìn của các nhà kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông, thì nó chính là một sản phẩm đặc biệt có thể kinh doanh được. Thế thôi!

Endemol Entertaiment - một công ty chuyên cung cấp game show hàng đầu thế giới bán bản quyền các game show của mình cho hầu hết các công ty quảng cáo, chứ không phải cho các đài truyền hình. Các công ty quảng cáo mua game show, biên tập lại, bán lại cho các đài truyền hình dưới hình thức phổ biến là trao đổi các spot quảng cáo. Công ty quảng cáo có lợi, tất nhiên rồi! Các đài truyền hình cũng có lợi vì chương trình phong phú, hấp hẫn hơn, hay hơn mà lại không phải đầu tư lớn như làm một chương trình hoàn toàn mới. Người xem cũng có lợi vì được thưởng thức thêm nhiều sản phẩm truyền hình mới lạ và cuốn hút.

VTC lại gặp khó
Dường như VTC đang gặp "hoạ vô đơn chí". Ngày 22.2, trao đổi với Báo Lao Động, đại diện VTC cho biết, tiếp tục gặp khó khăn mới trong việc hướng đến xây dựng các chương trình TH nhân World Cup 2006. Theo đại diện của VTC: Vì FPT đã mua độc quyền bản quyền TH World Cup 2006, điều đó có nghĩa FPT độc quyền cả các hình ảnh liên quan đến các trận đấu (đội bóng, màu áo...) và đặc biệt là logo của kỳ World Cup này. Vì thế, ngay cả khi cử phóng viên tác nghiệp tại Đức, xây dựng được chương trình thì VTC cũng không thể sử dụng logo cũng như tất cả những gì liên quan đến bản quyền. Hôm nay (23.2), FPT và Đài Truyền hình VN tổ chức lễ công bố bản quyền phát sóng TH World Cup 2006. Phạm Anh

Trước khi quyết định mua một game show, tôi dám chắc rằng các công ty quảng cáo đều khôn ngoan xin trước một bản demo để tham khảo ý kiến nhà đài, mà thực chất là để các nhà đài duyệt trước. Được duyệt, họ mới bỏ tiền ra mua. Nếu không, mua để làm gì? Mạo hiểm lắm! Không phát hình được thì bản quyền cũng chỉ là một mảnh giấy, một xu không đáng. Thậm chí, theo tôi được biết, nhiều công ty quảng cáo còn "quái" tới mức là sau khi nhà đài duyệt, làm hợp đồng nguyên tắc rồi, họ vẫn chưa mua bản quyền, mà sử dụng tiếp băng demo đi mời tài trợ đã. Mời được tài trợ chính rồi mới ký hợp đồng mua. Chiêu này gọi là "tay không bắt giặc" mà không mấy người làm truyền thông không biết.

FPT không phải là nhà đài, vì thế đương nhiên họ không có sóng truyền hình. Nhưng mua một sản phẩm truyền hình để bán lại cho đài là việc làm hết sức bình thường. Nhiều nước đã từng làm như vậy. Từ nhiều năm nay rồi và rất phổ biến. Lâu nay, chúng ta quen nếp nghĩ là chỉ có đài truyền hình mới kinh doanh sản phẩm truyền hình, mà quên mất rằng các công ty quảng cáo hoàn toàn có thể làm như vậy. FIFA bán bản quyền truyền hình trực tiếp Wolrd Cup 2006 trên toàn lãnh thổ Việt Nam cho FPT, thì cũng có khác gì Endemol Entertaiment bán bản quyền game show cho các công ty quảng cáo khác đâu. Chúng tôi không biết FPT, VTV và HTV có gặp nhau từ trước, có thoả thuận với nhau từ trước khi FPT quyết định mua bản quyền hay không? Nhưng nếu họ có gặp nhau từ trước và thậm chí, hơn thế nữa, có thoả thuận với nhau từ trước thì cũng chẳng có gì là sai cả.

Về phần các nhà đài, mà chủ yếu là VTV, dư luận cũng có phần "ấm ức" khi cho rằng tại sao một đài truyền hình lớn như vậy, đầy mình kinh nghiệm như vậy mà lại không thắng nổi vụ thầu bản quyền truyền hình trực tiếp Wolrd Cup 2006 trên toàn lãnh thổ Việt Nam, để ông FPT qua mặt, "ăn đứt" khoản lợi nhuận kếch sù hơn 14 tỉ VND. Chúng tôi không biết chính xác mức giá mà VTV đã bỏ thầu, nhưng nghe nói là 1,5 triệu USD, thấp hơn khá nhiều so với 2,1 triệu USD của FPT và họ đã "thua". Theo chúng tôi, VTV "thua" là chuyện bình thường. VTV, theo mô hình hiện tại, không phải là đơn vị kinh doanh truyền hình, vì thế tính chuyên nghiệp trong các cuộc đấu thầu không cao, nhất là thầu quốc tế. Trả 1,5 triệu USD tiền mặt là một khoản tiền lớn. Có thể theo quan điểm của VTV, trả hơn nữa là đem tiền thuế của dân đi "cúng" không cho đối tác nước ngoài. Vì thế, họ dừng lại ở mức 1,5 triệu USD. Với mục tiêu là có thể sẽ chỉ mua một số trận hay, quan trọng mà không mua tất cả nữa. Quyết định này của VTV, theo chúng tôi là hoàn toàn hợp lý.

Câu chuyện còn lại và sẽ là kết thúc có hậu nhất là FPT và Truyền hình Kỹ thuật số VTC hãy tiếp tục ngồi lại với nhau để VTC cũng có thể truyền hình trực tiếp Wolrd Cup 2006. Kinh doanh trong nền kinh tế thị trường có định hướng chủ nghĩa xã hội là như thế! Cạnh tranh, nhưng không chèn ép và tiêu diệt lẫn nhau. Hy vọng rằng, cả VTV, HTV, cả VTC và tất cả các đài truyền hình địa phương cũng có thể truyền hình trực tiếp Wolrd Cup 2006.