Những gương mặt "đen" - mặt trái và số phận nghiệt ngã Kỳ cuối: Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát: Chúng tôi cương quyết làm triệt để
Sáng 29.12, Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an - đã trả lời phỏng vấn Báo Lao Động về vụ việc tiêu cực ở U.23 với góc nhìn từ nhiều khía cạnh khác nhau của xã hội. Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh cho biết:
| Việc các cầu thủ như: Quốc Vượng (20), Quốc Anh (6), Bật Hiếu (17)... bán độ tại SEA Games 23 không thể ngờ tới. | Thực tế, việc tiêu cực trong bóng đá của một số cầu thủ, huấn luyện viên, trọng tài không phải bây giờ mới có mà nó đã diễn ra thời gian dài, chỉ khác nhau ở mức độ mà thôi. Chính vì vậy, dư luận đã lên tiếng đòi xử lý nghiêm những vụ việc đó. Tuy nhiên, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (LĐBĐVN) cũng chưa cung cấp thông tin đầy đủ với Cơ quan điều tra và Cơ quan điều tra cũng chưa có đủ tài liệu cần thiết nên hầu hết các vụ việc trước đây chỉ được xử lý hành chính và nội bộ là chủ yếu. Do đó, một số cầu thủ U.23 bán độ vừa qua là hậu quả của sự trượt theo vết xe đổ trước đó mà thôi. Nhưng đáng nói là, trong khi các cơ quan chức năng đang xử lý rất mạnh các sai phạm của trọng tài, thì việc một số cầu thủ U.23 vẫn bán độ là điều không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần bình tĩnh để nhìn nhận sự việc cho đúng với bản chất, đặc biệt các cầu thủ này còn rất trẻ. Báo chí thời gian qua đã bám sát vụ việc và phản ánh kịp thời đến bạn đọc. Tuy nhiên, cũng còn một số ít tờ báo đã đưa một số ý kiến quá nặng nề, vượt quá mức cần thiết.
´ Thưa Thiếu tướng, trước đây hình như các cơ quan chức năng vẫn chưa quan tâm đúng mức đến các tiêu cực trong bóng đá nước nhà?
- Nhìn chung việc cá độ bóng đá ở các giải đấu quốc tế diễn ra phổ biến và có hệ thống hơn nên được Cơ quan điều tra chú ý hơn so với các giải đấu trong nước. Tuy nhiên, trước những biểu hiện tiêu cực trong bóng đá nước nhà, 3 năm trước, Uỷ ban Thể dục Thể thao (UBTDTT), LĐBĐVN và Bộ Công an đã có kế hoạch liên ngành nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện những tiêu cực của bóng đá trong nước.
Thực hiện kế hoạch này, các cơ quan hữu quan đã làm được một số việc nhưng chưa nhiều nên tình hình cá độ, bán độ vẫn diễn ra. Mặt khác, dù không có trong kế hoạch liên ngành, một số giải đấu trong khu vực, chúng tôi đã chủ động cử cán bộ đi theo để nắm bắt tình hình và hỗ trợ về an ninh. Nếu có diễn biến khác thường, các cán bộ này có nhiệm vụ thông báo với lãnh đạo ở nhà và có những biện pháp nghiệp vụ nhằm ngăn ngừa các tiêu cực. Nhưng trách nhiệm chính và quyền hạn giải quyết tại chỗ thuộc về các vị được sự uỷ quyền của UBTDTT và LĐBĐVN dẫn đoàn đi thi đấu.
´ Không chỉ dư luận, mà các cầu thủ đã kêu ca nhiều về việc tiền thưởng bị ăn chặn. Vậy Cơ quan điều tra có làm rõ vấn đề này không?
- Để giải quyết việc này, trước hết UBTDTT, LĐBĐVN phải yêu cầu từ các đội bóng lên đến liên đoàn tự kiểm điểm và thanh tra của UBTDTT phải tiến hành thanh tra để làm rõ hiện tượng này. Nếu có dấu hiệu phạm tội hình sự, Cơ quan điều tra sẽ điều tra làm rõ và có hình thức xử lý thoả đáng.
´ Theo Thiếu tướng, tham nhũng hiện có mặt ở nhiều lĩnh vực xã hội ảnh hưởng tới các cầu thủ như thế nào?
- Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đánh giá tham nhũng đang diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực, chỉ khác nhau ở mức độ. Nếu xét về khía cạnh nào đó, nó cũng có tác động đến tâm tư của một số trọng tài, lãnh đạo, cầu thủ. Nhưng mấu chốt chính vẫn là vai trò quản lý của UBTDTT, LĐBĐVN, lãnh đạo của các đội bóng và sự tu dưỡng, rèn luyện của chính các trọng tài, cầu thủ và của những người làm nhiệm vụ quản lý. Mặt khác việc đề cao quá mức môn bóng đá nam và người hâm mộ quá cuồng nhiệt đã khiến một số cầu thủ trẻ sớm có tâm lý "công thần", coi thường kỷ cương phép nước, sinh hoạt bê tha, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, trái với đạo đức của cầu thủ, nhưng họ cũng chỉ bị xử lý nửa vời. Cần phải nhấn mạnh rằng, chính môi trường tiêu cực trong đời sống sinh hoạt văn hoá xã hội tác động mạnh đến các cầu thủ trẻ là chính...
´ Việc treo giải quá cao so với các bộ môn khác liệu có ảnh hưởng đến tâm lý mọi việc chỉ có tiền của các cầu thủ?
- Việc treo giải thưởng là việc cần thiết ở các bộ môn văn hoá thể thao nói chung, đó là đòn bẩy để thúc đẩy các cầu thủ thi đấu tốt hơn. Tuy nhiên, chúng ta hãy nhìn gương các cầu thủ lớn ở nước ngoài. Họ và các câu lạc bộ có thoả thuận, bàn bạc về lương, thưởng luôn rõ ràng. Và với các cầu thủ chuyên nghiệp này, lương thưởng ở các câu lạc bộ lớn hơn nhiều so với khi họ về thi đấu cho đội tuyển quốc gia. Nhưng họ luôn mong được đem hết tài năng, sức lực thi đấu cho đội tuyển, tất cả vì màu cờ, sắc áo của tổ quốc. Đây chính là động lực thi đấu mạnh mẽ nhất của các cầu thủ lớn. Đó là điều các cầu thủ của chúng ta cần suy ngẫm.
- Xin cảm ơn Thiếu tướng.
Vương Hà thực hiện Kỳ 5: Nỗi ám ảnh của gia đình họ Lương |