Nỗi ám ảnh của gia đình họ Lương
Các Website khác - 30/12/2005
Những gương mặt "đen" - mặt trái và số phận nghiệt ngã:

Kỳ 5: Nỗi ám ảnh của gia đình họ Lương

Khi Lương Trung Tuấn dính vào vụ bán độ cùng Việt Thắng ở Cúp C1 Đông Nam AÁ trong màu áo Hoàng Anh Gia Lai thì cả Trà Vinh ngỡ ngàng. Ông Lương Trung Minh khốn khổ với cái án treo của con trai khi một mực không tin con mình làm bậy. Nhưng đến khi Lương Trung Việt - chú ruột của Trung Tuấn - bị bắt giam thì cả gia đình Lương Trung đã sụp đổ....

Lương Trung Việt khi còn khoác
áo trọng tài quốc gia.
Khi Cửu Long chưa tách tỉnh, gia đình Lương Trung đã là thần tượng của giới bóng đá, là niềm tự hào của tỉnh. Nói đến bóng đá Cửu Long và sau này là Trà Vinh với Vĩnh Long qua nhiều thời kỳ, chưa ai dám qua mặt những thành viên trong gia đình Lương Trung. Gia đình sinh ra cho bóng đá và vì bóng đá. Thế mà...

Nỗi đau của người bố và người anh
Chúng tôi còn nhớ cái ngày Lương Trung Tuấn nhận án treo giò của VFF vì liên quan đến vụ bán độ ở Cúp C1 Đông Nam Á, ông Lương Trung Minh - cha Tuấn - đã điện thoại đi khắp nơi cầu cứu và đòi kiện. Ông từng tự hào về một gia đình có truyền thống bóng đá và cả họ Lương Trung bây giờ đang tản đi khắp nơi và ai cũng thành danh ở nhiều địa phương khác nhau với nghề đá bóng và trọng tài bóng đá.

Sau khi nghe phân tích phải trái và nghe nhiều người khuyên, cuối cùng ông Lương Trung Minh đã hiểu ra rằng càng làm lớn thì tội của con trai càng lòi ra vì có những điều mà khi xử người ta không đề cập đến.

Chưa hết xót với hành động của con, ông Lương Trung Minh lại đau đớn khi người em ruột Lương Trung Việt làm trọng tài quốc gia bị bắt giam vì nhận hối lộ, môi giới hối lộ.

Ông Minh đến giờ vẫn bôn ba với nghề HLV sau khi từng trải ở nhiều CLB. Ông trực tính và thẳng đến nỗi những người trả lương cho ông phải sợ ông vì cái tính rõ ràng, đâu ra đó trong công việc. Ông Minh rất ghét những trò đi đêm ở hậu trường và khi làm HLV ở các đội, ông cũng luôn lên án những trò xấu xa mà cầu thủ bán rẻ đội bóng hoặc trọng tài nhận tiền để ép đội này, nương đội kia.

Thế nhưng ai có ngờ chính điều ông ghét nhất lại là điều mà người thân trong cái gia đình Lương Trung giàu truyền thống của ông vướng phải.

Một người vợ phải lam lũ giải quyết hậu quả

Chị Thu - vợ Lương Trung Việt vất vả
bên bãi giữ xe cạnh sân vận động.

Đến giờ, căn hộ nhỏ khoảng 30m2 trong khu tập thể ở Sở TDTT Trà Vinh trong khuôn viên sân vận động vẫn heo hắt. Chị Võ Thị Lệ Thu - vợ Lương Trung Việt - kiên quyết không tiếp xúc với một phóng viên nào từ cái ngày chồng chị bị bắt giam.

Khuôn mặt buồn của người phụ nữ già trước tuổi và lam lũ với công việc và kế sinh nhai càng khiến chị tiều tụy hơn. Ngôi nhà nhỏ ấy từ ngày vắng Lương Trung Việt giờ lại thêm heo hắt khi chỉ còn có mẹ Thu và bé Phương Thư 10 tuổi sinh hoạt với nhau.

Khi Trung Việt chưa bị bắt, khoản lương cán bộ Sở TDTT Trà Vinh của anh mỗi tháng chỉ 800.000 đến 1 triệu đồng và có bao nhiêu anh lại dồn hết cho hai mẹ con sinh sống bên cạnh quán nước và bánh kẹo bán phục vụ cho chính những vận động viên năng khiếu của sở. Cuộc sống khó khăn bên sân bóng - nơi mà Trung Việt từng thành danh ở vị trí trung vệ và nổi tiếng ở cái đất Trà Vinh nhờ tài năng và truyền thống của một gia đình bóng đá - nhưng vui vì cảnh quây quần sau những giờ ra sân mệt mỏi và gia đình sum họp.

Kể từ cái ngày Trung Việt tham gia vào đội ngũ trọng tài quốc gia thì ngôi nhà ấy thường xuyên vắng mặt người đàn ông. Việt đi suốt, đi đến nỗi những cán bộ ở Sở TDTT nhiều khi trách khéo: "Anh đi hoài, đi làm giải nhiều lúc chúng tôi là chủ quản nhưng không quản lý được anh". Tuy nói thế nhưng các cán bộ sở cũng tự hào khi tỉnh mình có một trọng tài quốc gia. Hơn nữa từ khi có thêm cái nghiệp cầm còi ấy, kinh tế gia đình cũng đỡ hơn. Những lần đi công tác về, Việt đều đưa tiền cho vợ và cho bé Thư ăn quà với lời dặn: "Tiền làm nhiệm vụ trọng tài quốc gia". Trong nhà chỉ có hai vật dụng mới là cái tivi và cái tủ lạnh cũng là tiền làm trọng tài chứ lương cán bộ sở nuôi thêm hai miệng ăn cũng vất vả.

Sau ngày Việt bị bắt, gia đình khó khăn quá, chị Thu đã phải xin các cán bộ sở cho một chân giữ xe để nuôi con ăn học. Chiếc Rebel 250 nói là bị tịch biên giao sở quản lý nhưng thực chất vẫn để ở khu tập thể và bây giờ đã là xe "trùm mền". Hai mẹ con chị Thu mỗi khi đi ngang nhìn thấy chiếc xe mà bố Việt từng chạy lại mủi lòng xót xa...

Hoạ...
Đến giờ, những người thân trong cái gia đình Lương Trung ấy khi trao đổi với chúng tôi vẫn dùng từ "họa!" để nói lên "tai nạn" của gia đình có truyền thống gắn liền với nghiệp bóng đá. Hai đời đá bóng từ thời ông Lương Trung Minh (HLV đội Đồng Nai), Lương Trung Dân (HLV đội Vĩnh Long), Lương Trung Việt (cầu thủ Trà Vinh sau chuyển qua làm trọng tài) và các cháu ruột Lương Trung Tuấn (đội Hoa Lâm Bình Định), Lương Minh Trung (đội trẻ CSG) đều là những người thành danh từ đôi chân đá bóng nhưng mỗi người lại theo một ngã rẽ khắc nghiệt.

Sau vụ Trung Việt bị bắt, bà Nguyễn Thị Chi - mẹ và là bà nội của những người con, những người cháu đá bóng nay đã 81 tuổi - sống ở huyện Long Hồ, Vĩnh Long đổ bệnh nằm liệt ở Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, sau chuyển lên TPHCM điều trị. Nỗi đau của người mẹ này càng thêm đau khi nghe nhắc đến "tai nạn" của người con cả Lương Trung Phong "dính" vào vụ án kinh tế từng ra toà năm 2001.

Nói về nỗi đau của gia đình và của em mình là Lương Trung Việt, ông Lương Trung Minh chỉ còn biết than thở: "Không vì nỗi đau ấy mà chúng tôi bỏ bóng đá. Tôi vẫn khuyên con mình không có nghề xấu mà chỉ có con người xấu bị lôi kéo từ nghề. Đây là bài học rất lớn cho không chỉ em tôi và con tôi nhưng tôi tin họ sẽ biết đứng dậy ngay từ chỗ vấp ngã để trở thành người tốt ở bất kỳ nghề nghiệp nào...". Nhóm phóng viên thể thao