Cơ chế...
Các Website khác - 13/10/2005
CÂU CHUIYỆN THỂ THAO
Cơ chế...

Nguyễn Nguyên
Những chuyên gia bóng đá Việt Nam cỡ hàng chủ tịch, tổng thư ký hay phó chủ tịch... khi rời ghế thường vụ VFF luôn đưa ra một kinh nghiệm xương máu: Người làm bóng đá giỏi ở Việt Nam không hẳn đã giỏi về chuyên môn và nghiệp vụ mà phải giỏi lách mình trong cơ chế.

Thời các đội chuyển qua cơ chế thoáng, đội Thể Công long đong khi không kịp thích nghi và suýt rớt hạng thì "tướng" Hà Quang Liêm về đấy lách mình trong cơ chế hẹp và đưa Thể Công từ đội bóng nghèo thành đội vô địch và có nguồn quỹ dồi dào cho cả bóng đá trẻ lẫn bóng đá lớn. Khi "tướng" Liêm về hưu, tiền đổ vào cho Thể Công thật nhiều, nhưng thành tích thì rơi tự do.

Kể cả lãnh đạo các đội bóng làm cái việc cầm tiền đi bồi dưỡng cũng thế. Người ta gọi những hành động hẹp ấy là cơ chế thoáng từ căn bệnh thành tích. Năm 1989 Đồng Tháp áp dụng "cơ chế" đồng tiền đi trước để có cái chức vô địch và đánh đổi lại là cái sân, cái nhà thi đấu và những công trình được ký nóng kể cả những vòi vĩnh chính đáng của ông giám đốc sở đại diện cho ngành thể thao tỉnh nhà.

Cái cơ chế ấy nó gặm nhấm cả nền bóng đá Việt Nam và lâu nay người ta chấp nhận kể cả khi nó hẹp và cực hẹp. Trọng tài một trận cao nhất chỉ 800 ngàn vẫn chơi và tự cho là mình yêu nghề. Có người cả nửa năm mới được đi phất cờ hạng nhì vài trận và thù lao chỉ là 300 đến 400 ngàn, nhưng vẫn phải mang ơn những người phân công. Tiền không đủ để họ sống, nhưng làm giải xa nhà thì cứ phải tiêu xài và thức đêm đánh bạc nên "lầy" cả đám. Các giám sát cũng thế, phê nặng thì bị đe cắt suất, còn phê nhẹ thì "người ta có cơm, mình có cháo".

Bây giờ khi bóng đá Việt Nam đang đứng trước những nguy cơ xóa sổ một mùa giải vì quá bị động thì đã có ai tính đến cái cơ chế nào để giải toả những nút thắt.

Cách hay nhất vẫn là tạo ra một cơ chế để ai cũng thoải mái đến với bóng đá thay cho hiện tượng những ông giáo sư, tiến sĩ cứ phải lách mình trong cái cơ chế hẹp.