Kết thúc 10 năm “cuộc tình” Tiger Beer và Tiger Cup
Các Website khác - 16/08/2005

10 năm là quãng đường khá dài với một nhà tài trợ cũng như với một nền bóng đá. Dù hiểu được quyết định chia tay của Tiger Beer với Tiger Cup, nhưng câu hỏi được đặt ra là bóng đá Đông Nam Á được gì qua “cuộc tình” dài 1 thập kỷ này?

Năm 1984, LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) ra đời tại Jakarta (Indonesia) và một trong những nhiệm vụ đầu tiên của AFF chính là tổ chức một giải vô địch khu vực với mục tiêu tăng cường cọ xát cho các đội tuyển quốc gia, nhanh chóng đuổi kịp trình độ của châu lục. Nhưng rồi mất hơn 10 năm, AFF mới tìm được đối tác để triển khai ý tưởng này - đó là Tiger Beer, tuy nhiên cái giá không hề rẻ. 5 triệu USD cho 3 mùa giải đầu tiên (xen kẽ với SEA Games) mang tên Tiger Cup.

Giải lần đầu được tổ chức vào năm 1996 tại dại bản doanh của Tiger Beer - Singapore, với mức tiền thưởng kỷ lục thời bấy giờ (nhất 80.000 USD, nhì 40.000 USD, ba 20.000 USD và tư 10.000 USD), nhưng những khán đài trống vắng cùng việc đội chủ nhà sớm bị loại đã khiến giải đấu không thực sự thành công. Chỉ tới lần thứ 2 khi Việt Nam đăng cai, Tiger Cup mới được cứu vãn cả về mặt tổ chức với không khí cuồng nhiệt của người hâm mộ cũng như chuyên môn khi "ông kẹ" Thái Lan bị đội chủ nhà đánh bại ở bán kết. Tuy nhiên, đến lần thứ 3, những dấu hiệu khủng hoảng bắt đầu trở lại. Đầu tiên là việc Brunei rút lui với lý do giải đấu do một hãng bia tài trợ mà thực chất là bởi họ quá ít khả năng cạnh tranh.

Năm 2002, Tiger Cup trở thành sân chơi riêng của các ĐTQG và lần được tổ chức tại 2 quốc gia (Indonesia và Singapore), nhưng kết quả vẫn không được cải thiện. Chức vô địch vẫn là cuộc tranh chấp nhàm chán giữa các đại gia quen thuộc và số khán giả đến sân không đông. Năm 2004, phương thức đồng đăng cai tiếp tục và dù Singapore gây bất ngờ với chức vô địch thứ 2, nhưng việc cả 2 nước chủ nhà đều bị loại sớm đã khiến người ta muốn quên đi cái giải đấu này.

Khai sinh Tiger Cup, AFF và Tiger Beer đều có những mục tiêu riêng của mình, tuy nhiên qua quãng đường 10 năm gắn bó có vẻ như cả 2 đều không thành công.

Về phía Tiger Beer mong muốn gắn thương hiệu của mình với bóng đá khu vực xem ra không thành công khi chính họ cũng thừa nhận rằng "số lượng người quan tâm đến bóng đá quốc tế trong khu vực ngày càng tăng”. Hơn thế, hiện tại Tiger Beer đã hỗ trợ phát sóng giải Ngoại hạng Anh và đã bước sang năm thứ 2 tài trợ cho CLB Arsenal. Hay nói một cách khác, việc quảng bá thương hiệu của Tiger qua giải đấu khu vực đã không còn mang lại hiệu quả bằng sự xuất hiện trên truyền hình với giải Ngoại hạng Anh.

Còn về phía AFF, mục tiêu dùng giải đấu này làm bệ phóng nhằm vươn tầm ra khỏi khu vực cũng bất thành. Suốt 5 mùa đã qua, chất lượng của giải đấu chẳng những không được cải thiện mà còn càng làm phân hóa thêm khoảng cách chuyên môn giữa các đội bóng trong khu vực. Càng đáng quan ngại hơn, nhiều quốc gia (trong đó có cả Việt Nam) không hoạch định được chiến lược phát triển của mình mà thay vào đó loay hoay đi tìm thành tích tại Tiger Cup.

Nếu theo đúng lịch trình, năm sau sẽ lại diễn ra giải vô địch Đông Nam Á, nhưng sau sự kiện rút lui của Tiger Beer thì vấn đề duy trì giải là thách thức không nhỏ với AFF.

Rất có thể AFF Cup sẽ ra đời bởi dù sao bóng đá Đông Nam Á không thể không có một giải vô địch cho riêng mình. Và nếu không tổ chức thì các đội tuyển trong khu vực sẽ không còn cơ hội nào để cọ xát trong khi Asian Cup và vòng loại Word Cup - những sân chơi 4 năm mới có 1 lần - lại quá tầm.

Theo TT&VH