Luật thi đấu ở World Cup 2006 có gì mới?
Các Website khác - 01/06/2006
Luật thi đấu ở World Cup 2006 có gì mới?

Bóng đá thế giới đã trải qua không ít lần có những sửa đổi, bổ sung luật thi đấu. Những sửa đổi, bổ sung luật ở lần gần đây nhất (năm 2005) mang nhiều sự khác lạ, đòi hỏi người chơi, người xem phải có những suy nghĩ khác trước khá nhiều. Chúng tôi xin cung cấp cho bạn xem bóng đá những điều sửa đổi, bổ sung để việc theo dõi cuộc chơi thêm phần hứng thú...

Thứ nhất: Quyền của trọng tài. Trước đây, khi trọng tài đã nổi còi kết thúc trận đấu thì ông ta cũng không còn quyền rút thẻ (vàng hoặc đỏ) đối với các cầu thủ nữa. Nếu cầu thủ nào đó có thái độ, hành vi đáng bị xử lý kỷ luật ở thời điểm sau khi trọng tài đã thổi còi kết thúc trận đấu, trọng tài cũng chỉ có thể viết báo cáo về Ban tổ chức giải, quyền xử lý kỷ luật thuộc về Ban tổ chức giải. Nay, mặc dù đã thổi còi kết thúc trận đấu, trọng tài vẫn có quyền rút thẻ xử lý kỷ luật cầu thủ cho đến khi ông ta rời khỏi sân đấu, những thẻ đó có giá trị như khi trọng tài sử dụng trong trận đấu.

Thứ hai: Khái niệm cấm cầu thủ cởi áo khi mừng bàn thắng được hiểu như thế nào? "Cởi áo" không có nghĩa là cầu thủ phải bỏ hẳn áo khỏi thân người để cầm ở tay hoặc vứt xuống đất. Khi mừng bàn thắng, chỉ cần kéo vạt áo trùm lên đầu, cầu thủ sẽ bị cảnh cáo. FIFA coi đó là hành vi phi thể thao.

Thứ ba: Về luật việt vị. Cầu thủ ở vị trí việt vị có thể không bị trọng tài xử phạt, nếu như theo nhận định của trọng tài, anh ta không chạm bóng (mà lại có 1 đồng đội của anh ta từ vị trí không việt vị có thể chơi bóng, chạm bóng trước anh ta), không có hành động gây cản trở đối phương chơi bóng, không lợi dụng vị trí việt vị của mình để có được lợi thế từ đường chuyền, cú sút của đồng đội.

Như vậy, một cầu thủ ở vị trí việt vị khi đồng đội chuyền bóng, sút bóng, việc xử phạt hay không xử phạt hoàn toàn tuỳ thuộc nhận định của trọng tài (hoặc trợ lý trọng tài) về việc:

- Anh ta có chạm vào bóng hay không, từ đường chuyền, cú sút đó (trực tiếp hoặc khi bóng bật tới anh ta từ 1 cầu thủ đối phương, thủ môn đối phương hoặc từ cột dọc, xà ngang khung thành)?

- Anh ta có gây cản trở một cầu thủ đối phương nào hay không?

Thứ tư: Việc tranh bóng với thủ môn. Khi thủ môn đã bắt được bóng, đang làm động tác đập bóng nảy xuống đất trước khi đá bóng lên, hoặc tung bóng khỏi tay để thực hiện động tác đá bóng lên, cầu thủ đối phương không được phép đá vào bóng. Trước đây, việc tranh bóng như thế chỉ bị cấm khi động tác tranh bóng bị coi là nguy hiểm.

Thứ năm: Khi đá penalty, kể từ khi trọng tài nổi còi cho đá phạt, cầu thủ thực hiện quả đá penalty hoặc đồng đội của anh ta có những sự vi phạm luật, những vi phạm xảy ra khi cầu thủ đá phạt chưa sút bóng (nghĩa là bóng chưa vào cuộc), nếu bóng không vào cầu môn (cầu thủ sút bóng chệch cầu môn, đi hết đường biên ngang, hoặc bóng bật lại sân từ thủ môn, xà ngang, cột dọc khung thành, hoặc thủ môn đẩy được bóng ra khỏi cầu môn...) trọng tài cho đội đối phương hưởng quả phạt gián tiếp. Trước đây, các tình huống nêu trên xảy ra, có những cách xử lý khác nhau.

Thứ sáu: Với quả ném biên, cầu thủ đứng chắn đối phương ném biên, bắt buộc phải đứng cách điểm ném biên (trên đường biên dọc) không dưới 2m. Trước đây, cầu thủ đứng chắn ném biên có thể đứng ngay trên đường biên dọc, không bị giới hạn khoảng cách.
Đoàn Phú Tấn, Giảng viên trọng tài của LĐBĐ Việt Nam