Một giấc mơ của tôi...
Các Website khác - 02/10/2005
Một giấc mơ của tôi...

Anh Ngọc
Nếu như những tin tức về các bê bối không ngừng nghỉ liên quan đến bóng đá VN khiến tất cả chúng ta cảm thấy buồn nản, bối rối và có phần xấu hổ giống như những lưỡi dao, thì hẳn cơ thể, trái tim và lòng sĩ diện của những người hâm mộ đã nát bấy. Chưa bao giờ trong lịch sử bóng đá VN có nhiều sự kiện bóc trần một bộ mặt xấu xí lại xuất hiện trong một thời gian ngắn như thế, giữa lúc giao thời của 2 nhiệm kỳ...


Vụ tiêu cực liên quan đến đội Đông Á.
Thép Pomina liệu đã là đỉnh điểm của
bê bối trong bóng đá VN?
Sau vụ 3 tỉ phải nộp trả cho Letard vì tội dốt luật, sau những trận đấu cuội ở V-League, sau những sự cố trọng tài, sau vụ Đông Á - Thép Pomina, sẽ còn những gì nữa, sẽ có bao nhiêu kẻ xuất hiện trước ánh sáng, bao nhiêu đội bóng dính chàm, bao nhiêu vị "vua áo đen" tự ví mình là Bao Công nhưng đã bán mình cho quỷ khai báo nốt; sẽ có bao nhiêu trái tim của người hâm mộ vỡ nát vì bị cảm thấy lừa dối đến tận xương tuỷ về một nền bóng đá không biết nên gọi là chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp nhưng càng ngày càng mất giá và cách hành xử giữa người với người trong cuộc sống của nền bóng đá ấy không biết được xây dựng trên cơ sở nào, vì những ai. Nhưng chắc chắn, nó không phải vì người hâm mộ mà người ta vẫn cố tìm cách lừa dối thêm nữa bằng những mỹ từ hay đến ghê tai.

Câu hỏi mà tất cả những người yêu bóng đá Việt Nam muốn đặt ra cho những người làm bóng đá, và cả những người làm bóng đá để làm việc riêng: bao giờ tất cả những điều này kết thúc, bao giờ cơn thống khổ của chúng tôi chấm dứt, và nếu chấm dứt, các ngài sẽ làm gì? Sau sự cố nộp "lệ phí ngu" cho Letard theo phán quyết của Toà án thể thao quốc tế, người ta đã ồ lên phẫn nộ để rồi đâu lại vào đấy, để rồi lại sinh ra vụ không đọc kỹ luật quốc tế khi lên danh sách trọng tài trình FIFA. Sự lố bịch lên đến đỉnh điểm, khi trên một tờ báo, một ai đó đã bao biện rằng, cái LĐBĐ bị (được) nộp phạt ấy cực kỳ có ý thức tiết kiệm và đầy tinh thần cầu thị, rằng những người lãnh đạo luôn nêu gương "tiết kiệm", tiết kiệm đến mức ở cái trụ sở to đùng không phải xây bằng tiền dân của họ (mà là tiền của FIFA), người ta còn không dám đi thang máy để khỏi tốn điện! (bạn đã đọc truyện "Xót tiền dân" của Aziz Nesin chưa?).

Sau một lô scandal với NHĐA, sau rất nhiều bằng chứng được công bố về sự dính líu của họ đến việc mua chuộc các trọng tài và sau khi có đến một nửa số trọng tài ưu tú nhất V-League lộ ra ánh sáng (chắc còn nữa), đã có lúc tưởng như tất cả chìm xuồng. Tại sao lại không thể bắt những kẻ phạm tội phải đền tội khi tất cả đã sờ sờ, trong khi trước SEA Games 2003, chỉ với một nhúm bằng chứng, người ta đã thẳng tay kết tội và trừng phạt Như Thành? Người ta lại đi tranh cãi mãi về số đội dự V-League mùa tới, rằng có hay không cái tên Đông Á.Thép Pomina?

Một điều kỳ quặc chưa từng có, bởi trong khi mọi việc chưa rõ ràng, mọi hoạt động chuyển nhượng, tham gia các giải đấu, các hoạt động... của đội bóng nghi can cần phải dừng lại và tên của họ trong lịch thi đấu phải được đánh một dấu "x" cho đến khi tên của đội thay thế được công bố. Dự định đưa Đông Á vào lịch V-League là một sự nhập nhằng (được tính toán trước?). Người ta sợ điều gì tế nhị vậy mà không dám đi đến tận cùng? Và nếu không đi được đến tận cùng, như rất nhiều những bê bối trước nữa, không chỉ trong bóng đá, niềm tin sẽ tan vỡ đến mức nào?

Lại nhớ đến Văn Quyến. Khi cậu bé 16 tuổi (chắc phải hơn thế, vì dại gì không khai man!) bùng nổ ở Giải U16 Châu Á 2000, người ta đã đưa cậu lên mây. Dễ hiểu là cậu bé không chịu nổi sức ép của một người nổi tiếng và có những phản ứng xù lông nhím để tự vệ khi mọi chuyện không suôn sẻ. Đến lúc ấy, người ta đưa cậu xuống bùn với những chỉ trích mà không biết rằng, khi Quyến sai lầm, cậu trước hết cần phải được đối xử ở khía cạnh một con người, không phải cầu thủ.

Sự giả dối và không có tình người đã làm hại cả một thế hệ cầu thủ trẻ, không chỉ riêng Quyến. Đó không chỉ là lỗi của các quan chức làm bóng đá mà của cả xã hội. Người hâm mộ đau lòng đã vội chỉ trích nặng nề những cầu thủ măng sữa làm loạn đã chống lại thầy mình ở SLNA. Họ đã quá hồ đồ. Lũ trẻ chẳng học tính phản trắc ấy từ ai, ngoài chính những người đang quản lý, chỉ đạo chúng; dạy chúng phải "đá đẹp", trong khi lại giăng bẫy để diệt lẫn nhau (Huế - THS Cần Thơ).

Tôi là một người VN. Tôi yêu bóng đá VN. Tôi yêu đội tuyển VN. Không một điều gì có thể phá huỷ tình cảm thiêng liêng ấy, kể cả khi không ít cầu thủ đã bán cả các trận đấu của ĐT để kiếm lời. Nhưng bây giờ tôi không tin điều gì nữa.

Tôi có một giấc mơ, một giấc mơ lớn mà tất cả những người hâm mộ đều có: bóng đá nước nhà phát triển, ĐTVN vô địch, VĐ giải chính thức nào cũng được, miễn là VĐ để mở mày mở mặt với thế giới, dù có phải hy sinh lớp cầu thủ này, lớp lãnh đạo bóng đá luôn lúng túng này. Lúc ấy, tôi sẵn sàng phi ra đường, rước cờ cùng mọi người.

Nhưng điều đó, xét cho cùng, chỉ là viễn tưởng và người hâm mộ, ai cũng là tay mơ: chẳng ai dám phá bỏ tất cả chỉ vì một đội bóng hối lộ. Giải đấu vẫn sẽ diễn ra. Rồi những doanh nghiệp mới xuất hiện, đổi tên những CLB vốn đã đổi tên vài lần trước đó, một sự hy sinh quá đắt của những giá trị đích thực cho thứ bóng đá doanh nghiệp đánh bóng tên tuổi. Rồi lại những bê bối mới, như một vòng quay không bao giờ kết thúc của bóng đá Việt Nam. Chỉ có người hâm mộ là bị lừa?