Người hùng của những bàn thắng vô nghĩa
Các Website khác - 15/01/2006
Người hùng của những bàn thắng vô nghĩa

Anh Ngọc
Trong hai tuần liên tiếp, Italia chia tay với hai tiền đạo nổi tiếng Cassano và Vieri. Họ cùng sinh ngày 12.7, như Julius Cesar vĩ đại, danh họa Modigliani và thi hào Pablo Neruda. Cả hai cùng ra đi với hy vọng có suất dự World Cup 2006. Câu chuyện về Vieri là câu chuyện về một tiền đạo xuất sắc nhất nhưng cũng kỳ lạ nhất trong lịch sử bóng đá thế giới.

Không biết mình là ai
Rời AC Milan, Vieri muốn tìm lại
mình ở Monaco.
Bobo Vieri có lẽ là tiền đạo xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Italia với những bàn thắng... vô giá trị. Nếu chỉ nhìn vào con số thu nhập khổng lồ của anh (đã bỏ túi hơn 50 triệu euro trong 14 năm sự nghiệp) để tính đến giá trị những bàn thắng, có thể thấy nó chẳng có ý nghĩa gì. Ngoài 8 bàn thắng anh ghi mùa 1996/97 đem đến cho Juve Scudetto, 124 bàn còn lại của anh ở Serie A đều không đem lại một danh hiệu VĐ nào. Vieri đã có mặt ở khắp nơi, ở TBN với Atletico Madrid, ở Italia với cả 3 đội bóng lớn nhất là Juve, Inter, Milan (trong lịch sử, chỉ có R.Baggio là làm được như vậy). Chân sút hay nhất Serie A còn đang thi đấu Chiesa, với 136 bàn, thậm chí còn ít danh hiệu hơn Vieri, nhưng anh chủ yếu chơi cho các đội bóng nhỏ, chẳng bao giờ giành nổi một Scudetto. Nhưng Chiesa chơi vì tập thể, luôn ghi những bàn thắng quan trọng để cứu đội bóng mình. Còn Vieri, anh không cứu nổi một ai, kể cả chính anh.

Vieri cũng ghi được 9 bàn trong 2 VCK World Cup, như huyền thoại Paolo Rossi. Nhưng 9 bàn của Rossi đem đến cho nước YÁ chức vô địch thế giới ở Espana 82 và một lần vào bán kết World Cup 78. Còn Vieri luôn cùng Italia bị loại từ vòng bảng. Cho tới nay, không ai có thể hiểu nổi tại sao các CLB lại có thể bỏ ra gần 100 triệu euro để mua anh. Vieri không bao giờ tạo nên một đội bóng đoàn kết. Anh chưa bao giờ là thủ lĩnh, anh lạc lõng ngay giữa đội bóng của mình, chơi bóng như một kẻ vô hồn, ích kỷ, không nghĩ đến một ai và cũng chẳng vui vẻ đến phát rồ sau mỗi lần lập công. Anh quá chậm chạp, nặng nề, lười biếng, thô tục, và luôn chỉ đứng lửng lơ ở ranh giới của sự vĩ đại và lố bịch. Anh chơi bóng như một người cô đơn nhất, không tổ quốc, không niềm vui, không mục đích, luôn luôn nhìn vào bản hợp đồng để xem bao giờ nó hết và để rồi hướng đến những chân trời khác.

Canh bạc cuộc đời
Sự mất hướng trong cuộc sống trong khi đi tìm bản ngã đã tạo ra vô số những vấn đề cho chính anh và cho các đội bóng anh đã khoác áo. Tất cả vừa muốn những bàn thắng của anh, vừa ngại có anh vì Vieri đồng nghĩa với rắc rối. Anh là một hình ảnh tiêu biểu cho một thế hệ khủng hoảng của bóng đá Italia suốt 10 năm qua: luôn phi thực tế, luôn được chiều chuộng và dỗi hờn, luôn huyễn hoặc, ích kỷ và không chịu nổi sức ép của sự kỳ vọng. Totti gần 30 tuổi vẫn như một đứa trẻ và chỉ trưởng thành lên chút ít khi làm cha. Del Piero là một huyền thoại không thể chối cãi, nhưng cứ đến những giờ phút quan trọng nhất của đời mình và của cả đội bóng, lại gục ngã. Tóm lại, một thế hệ thất bại, không phải vì thiếu tài năng, mà quá nhiều cái tôi.

Ở tuổi 32, Vieri có lẽ đã bừng tỉnh, đã nhìn thấy những buổi sáng cuối cùng của đời cầu thủ trôi qua. Nó cần phải trải qua ở một nơi nào đó xa cái mảnh đất Italia ít niềm vui, luôn xoi mói và việc tuyên bố ra đi vì World Cup chỉ là cái cớ. Chính ở cái xứ Monaco nhỏ bé có số dân chưa bằng một nửa sức chứa của San Siro, có thể bừng sáng lên một ngọn lửa muộn mằn nhưng đáng quý của một ngôi sao giàu có, nổi tiếng, nhưng lạc lõng với đời và với chính anh. Có thể anh sẽ tìm thấy chính mình và làm con tim vui trở lại để sống có ích hơn. Ở Monaco, thiên đường đánh bạc của Châu Âu, Vieri đang đánh canh bạc của đời mình...