Những pha bóng làm xúc động lòng người
Các Website khác - 24/08/2005

Giải diễn ra từ ngày 24 đến 26-8 tại Nhà Thi đấu Tân Bình - TPHCM, với 3 đội tham dự: Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc để tranh ngôi vô địch tham dự Paralympic 2008 tại Bắc Kinh - Trung Quốc

Không khí ở Nhà Thi đấu Tân Bình (TPHCM) chiều qua, 24-8, ấm áp và xúc động lạ thường. Bên cạnh những khán giả bình thường là từng dòng người khiếm thị dắt nhau đi theo sự hướng dẫn của người thân. Họ đến để cổ vũ cho các cầu thủ VN và cho cả những người bạn đồng cảnh ngộ đến từ các nước bạn. Dù giải chỉ là sân chơi của những người khiếm thị, nhưng Nhà Thi đấu Tân Bình vẫn thu hút nhiều khán giả. Họ không chỉ đến xem một trận bóng đá thông thường, mà trên hết còn muốn biết những người có hoàn cảnh kém may mắn chơi môn thể thao vua như thế nào.

Cùng nhau ra sân dưới sự hướng dẫn của HLV
Cùng nhau ra sân dưới sự hướng dẫn của HLV

Sân bóng giăng đầy các tấm bảng nhắc nhở mọi người giữ im lặng. Ngay cả ánh sáng trong sân cũng bị hạn chế khiến nhiều phóng viên ảnh khổ sở vì phải chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng. Phải chăng bóng đá khiếm thị không cần đến đèn chiếu sáng trong sân? Bạn Thanh Trúc, học sinh Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, bộc bạch: “Em thích bóng đá lắm. Mỗi khi có tường thuật bóng đá trên đài phát thanh em đều theo dõi. Hôm nay là lần đầu tiên em được “xem” trực tiếp một giải lớn như vậy, thích lắm”.

Dù đã được nhắc nhở giữ yên lặng nhưng khán đài vẫn không ngớt tiếng vỗ tay, reo hò trước các pha bóng hấp dẫn, đến nỗi nhiều lần trọng tài phải yêu cầu khán giả hạn chế “cổ vũ miệng” để không làm ảnh hưởng đến đôi tai của cầu thủ trên sân. Khi Lee Ok Hyeong ghi bàn thắng cho đội Hàn Quốc, anh vẫn chưa biết được chiến tích của mình. Chỉ đến khi HLV đội Hàn Quốc reo lên, anh và các đồng đội mới hiểu rằng bóng đã vào lưới.

Đội Nhật Bản đang “xem” diễn biến trận đấu VN- Hàn Quốc qua lời tường thuật của một trợ lý (áo trắng)
Đội Nhật Bản đang “xem” diễn biến trận đấu VN- Hàn Quốc qua lời tường thuật của một trợ lý (áo trắng)

Ngoài khả năng chơi bóng bằng chân, các cầu thủ khiếm thị còn phải sử dụng đôi tai để lắng nghe tiếng bóng lăn cũng như tiếng gào thét của HLV. Trong một quả bóng chứa nhiều quả chuông nhỏ giúp các cầu thủ xác định được hướng bóng. Cầu thủ Văn Sĩ, học sinh Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, một thành viên của đội VN, nói: “Lúc tập luyện cũng như thi đấu, tụi em thường va chạm rất đau. Dù vậy, chẳng ai bỏ bóng đá cả!”.

Một trận đấu hội đủ các yếu tố tấn công, truy cản, phòng thủ và các pha vào bóng nhanh - mạnh, thế nhưng hình ảnh đẹp nhất chính là cảnh các cầu thủ Việt Nam và Hàn Quốc cùng dắt tay nhau chào khán giả với những nụ cười rạng rỡ trên môi sau trận đấu “yên lặng” nhưng ấm áp này. Và vì vậy, dù đội chủ nhà VN thất bại trước đội bạn Hàn Quốc với tỉ số 0-1, nhưng hầu như chẳng ai buồn. Họ ra về với niềm vui và nỗi xúc động sau một trận cầu đặc biệt, một trận cầu đong đầy niềm chia sẻ cảm thông.

Quang Liêm - Hữu Dũng