World Cup của Abramovich
Các Website khác - 04/06/2006
World Cup của Abramovich

Trương Anh Ngọc
Trước khi World Cup 2006 diễn ra, đã có một World Cup của Abramovich. World Cup ấy chắc chắn sẽ dài hơn nhiều so với giải đấu xịn trên đất Đức.

Abramovich đã góp công đưa
Premier League lên đỉnh thế giới.
Premier League - World Cup thu nhỏ
Sự có mặt của Shevchenko ở Chelsea đã nâng tổng số cầu thủ chơi tại Premier League ở World Cup 2006 tăng lên 103 người, chiếm tỉ lệ 14%, con số chưa từng có trong lịch sử các kỳ của giải đấu lớn nhất thế giới, khẳng định sự thắng lợi toàn diện của Premiership trên bình diện bóng đá toàn cầu hoá. Trong số 103 cầu thủ ấy, có đến 82 cầu thủ nước ngoài đến từ 24 quốc gia khác nhau!

Khi sức mạnh của truyền thông quảng bá Premier League đi khắp thế giới, khi những cỗ máy thương mại và tiếp thị hoạt động không biết mệt mỏi (và rất thông minh), khi các nhà đầu tư quốc tế lũ lượt đổ đến nước Anh (sau Abramovich, là Glazer, Mandaric...), không gì có thể ngăn cản nổi Premiership trở thành giải đấu giàu nhất thế giới, một World Cup thu nhỏ, một biểu tượng quá rõ ràng và sinh động cho một thế giới toàn cầu. Chelsea thể hiện điều đó rõ nhất: Có 16 cầu thủ chơi trên sân cỏ nước Đức, nhiều nhất trong số các CLB Châu Âu, trên Arsenal (14) và Milan, Juve (12).

Chỉ cần một khoát tay nhẹ của Abramovich, Premier League đã làm sụp đổ 2 niềm tự hào: Nước Anh không chỉ lấy đi của giải Bundesliga ngôi sao lớn nhất (Ballack), mà còn làm cho một trong những chân sút hay nhất và có tầm ảnh hưởng lớn nhất Serie A không thể cưỡng nổi sức quyến rũ của mình (Shevchenko). Sau World Cup, họ sẽ có thêm Rosicky (Arsenal), Berbatov (Tottenham) và nhiều ngôi sao nữa; vì tiền vẫn còn đầy túi họ... Bao giờ cú sốc phát triển nóng này sẽ kết thúc?

Đừng nói đến vấn đề đạo đức
Chelsea và ông chủ người Nga của nó có một triết lý sống rất rõ ràng: Đừng nói đến những vấn đề đạo đức, tình cảm, hay đơn giản chỉ là một chút lương tâm; hãy nói, tiền có thể mua được tất cả. Nếu một đội bóng đã dứt được Shevchenko ra khỏi tay Berlusconi, cho anh hưởng mức lương cao nhất thế giới, thì hẳn nó phải siêu giàu. Phải. Berlusconi là người giàu thứ 37 thế giới, nhưng còn kém đến 26 bậc so với Abramovich, người trẻ hơn ông ta một nửa số tuổi. Trong 3 năm, Abramovich đã đầu tư vào Chelsea bằng một nửa tổng số tiền Berlusconi đã đổ vào Milan trong suốt 20 năm. Berlusconi đã từng có những ngôi sao hay nhất thế giới. Bây giờ, Abramovich không thiếu, và một người trong số đó, thậm chí được lấy từ chính đội bóng của Berlusconi, như chiến thắng mang tính biểu tượng của một ông chủ tư bản trẻ, táo tợn, mạnh mẽ, dám thách thức một ông chủ tư bản già nua thuộc thế hệ cũ suốt một năm qua, bằng con bài Shevchenko.

Đường đền World Cup 2006

Giao hữu chuẩn bị World Cup ngày 3.6: Anh thắng đậm Jamaica 6-0

Đường tới World Cup: 13 đội bóng đã đến Đức

Sau trận Ukraina-Italia: 0-0: Tại sao không là Totti + Del Piero?

Tiền vệ, ngôi sao mới nổi xứ bò tót Cesc Fabregas: ¿Hãy tin tưởng chúng tôi¿

Quảng cáo khó ăn theo World Cup 2006
Khi Sheva rời Milan, Galliani đã ví von: "Tiếng Anh đã thắng tiếng Ý". Nó chỉ có một phần nghĩa đen của sự thật. Phần còn lại của sự thật nằm ở tương lai, khi không ai biết được Abramovich sẽ làm gì. Con người có rất nhiều nét giống Berlusconi ấy, từ hành tung bí ẩn rồi bất ngờ giàu lên nhanh chóng (Abramovich phất lên sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Berlusconi phát tài nhờ xây lên những khu chung cư), đến cách đầu tư vào một đội bóng một cách ầm ỹ nhất, làm những điều ngoài sức tưởng tượng nhờ có nhiều tiền và trở thành tấm gương cho cả một thế hệ muốn đổi đời.

Chelsea cùng Premier League là nơi thực tập những cuộc chơi của Abramovich. Chỉ trong vài năm, Premiership và Chelsea lên đến đỉnh cao hiện tại là nhờ hội chứng Abramovich và trở thành một tấm biển quảng cáo hấp dẫn cho thành công vang dội của ngài tỉ phú người Nga. Điều tương tự đã diễn ra với Berlusconi khi ông từ Milan nhảy vào ghế Thủ tướng Italia, vừa có tiền, lại vừa không thiếu quyền. Abramovich không thiếu tiền, ông chỉ chưa có quyền lực và vẫn ra vẻ giấu giếm tham vọng chính trị của mình. Berlusconi đã đoạt Cúp C1 chỉ 3 năm sau khi ông nắm Milan, lên chức Thủ tướng Italia sau 8 năm. Abramovich sẽ mất lâu hơn cho Champions League, nhưng có lẽ cũng chỉ 4 năm (nghĩa là năm tới, 2007), nhưng chưa biết chừng sẽ thành công trong chính trị có thể còn nhanh hơn nữa.

***

Những năm cuối thập niên 1980, đầu 1990, Italia đã thu hút tất cả thế giới trong "chiếc ủng" của mình. Nhưng bây giờ, tất cả sụp đổ cho cơn điên rồ ấy sau một thời kỳ cực thịnh như ở Anh lúc này. Những vụ phá sản liên tiếp, những scandal không thể che giấu, những vụ hối lộ, tham nhũng... Giờ đây, những ngôi sao lớn nhất rời bỏ Italia và sẽ mất rất lâu nữa, Serie A mới lấy lại vẻ tráng lệ mà nó đã từng có.

Khi nào tất cả những điều này sẽ xảy ra với Premiership như một chu kỳ đỉnh cao và sau đó sụp đổ? Không ai rõ! Serie A đã trên đỉnh thế giới từ 1989 đến 1999, tức là 11 năm. Premier League mới leo lên ngai vàng từ 1999 đến nay, nhưng độ dài ngắn của chu kỳ ấy phụ thuộc chủ yếu vào Abramovich và tình yêu với trái bóng (và quyền lực). Xem ra tình yêu ấy còn rất đắm say.