Áo dài Việt Nam - đậm nét tâm hồn người Việt
Các Website khác - 23/11/2004
Áo dài Việt Nam - đậm nét tâm hồn người Việt

"Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó...". Nhắc đến người phụ nữ Việt Nam là nhắc đến chiếc áo dài. Nó không chỉ là niềm tự hào của riêng người phụ nữ mà của cả dân tộc Việt Nam. Từ cô nữ sinh đến nữ công chức hay các bà, các mẹ, chiếc áo dài luôn là vật gắn bó, luôn làm cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trở nên nhẹ nhàng, duyên dáng hơn và đầy sức cuốn hút. Đây quả là một trang phục hoàn thiện của dân tộc Việt.

Áo dài của phụ nữ Việt Nam xưa
Người bỏ công nghiên cứu chiếc áo dài Việt Nam. Là một người con xa xứ nhưng với tấm lòng luôn hướng về quê hương, ông Trịnh Bách, một người gốc Huế đã bỏ công sức nghiên cứu về chiếc áo dài của người Việt Nam. Có mẹ là người trong hoàng tộc Huế, ông có điều kiện tiếp xúc và biết được rõ hơn về chiếc áo dài xưa. Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Bách cho biết:

- Tôi bắt đầu nghiên cứu về chiếc áo dài của người phụ nữ Việt Nam cách đây vài năm và phát hiện ra rất nhiều điều thú vị. Ví dụ như việc mặc áo dài, trông tưởng như đơn giản nhưng thực tế lại không như thế. Cô bạn Stephanie người úc của tôi khi nhìn thấy một nữ hoạ sĩ Việt Nam mặc áo dài trong một cuộc triển lãm hội hoạ đương đại tại Melbourne đã tìm mua bằng được một chiếc. Với dáng người cao, thon, đôi chân dài, tưởng rằng cô mặc áo dài sẽ đẹp lắm, nhưng chiếc áo dài may sẵn đó đã làm cho bụng của Stephanie to ra vì eo áo bị nâng cao quá. Quả thực mặc áo dài không đơn giản như người ta nghĩ.

Có nhiều ý kiến cho rằng áo dài Việt Nam là sự kết hợp của chiếc áo tứ thân và áo sường xám, ông nghĩ thế nào về ý kiến này?

- Theo tôi hoàn toàn không phải thế. Với những tư liệu tôi tìm được, thì áo dài Việt Nam đã có từ rất lâu, khoảng thế kỷ 17, 18 và là sự tìm tòi, sáng tạo của người dân Việt. Chiếc áo tứ thân có xuất xứ từ Trung Hoa nhưng ống tay được thu nhỏ hơn còn áo sường xám chỉ mới xuất hiện ở Trung Quốc từ khoảng năm 1920 - 1930 và nổi tiếng nhờ bà Tống Mỹ Linh, vợ Tưởng Giới Thạch. Bởi vậy không thể "cưỡng ép" rằng áo dài bắt nguồn từ áo tứ thân và sường xám.

Áo dài Việt Nam đã trải qua rất nhiều giai đoạn và đã có nhiều thay đổi, vậy có thể đưa ra một chuẩn mực nào cho áo dài không, thưa ông?

- Tôi nghĩ sẽ không thể đưa ra một chuẩn mực nào thật cụ thể cho chiếc áo dài. Các cụ ta ngày xưa chắc đã phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm cách phối hợp những nguyên tắc thẩm mỹ với quy luật kín đáo cố hữu của dân tộc vào việc may mặc. Ví dụ như khi thấy cổ người Việt không được cao lắm, người xưa đã biết may cổ áo thấp xuống và ôm sát, trong khi tóc được vấn cao lên để cho dù cổ phải che, tóc phải giấu, chiếc cổ của người phụ nữ Việt Nam trông vẫn thanh tú và cao, sang hơn. Chiếc áo dài dù biến động qua nhiều giai đoạn lịch sử, có những cách tân này khác nhưng phần nhiều chỉ thay đổi về chất vải, hoa văn. Còn về kiểu dáng thì hoặc là quay về chiếc áo dài của những thập kỷ trước, tức là áo có cổ, tay, thân trên ôm sát người, tà áo may rộng từ sườn đến gấu, không chít eo, hoặc giữ nguyên kiểu dáng hiện tại: Ôm sát thân người, chít eo, tôn vóc dáng của người phụ nữ, hoặc sẽ không còn là chiếc áo dài nữa. Chiếc áo dài trông đơn giản thế nhưng muốn biến đổi thêm về hình thức sẽ là rất khó, vì nó đã được hoàn thiện từ lâu lắm rồi.

Xin cám ơn ông.
Đức Hạnh thực hiện