Biến rác thành tiền
Các Website khác - 17/11/2004
Biến rác thành tiền

Những vỏ hộp đựng sữa, các lon đồ uống nằm lăn lóc trên đường phố hoặc chất đống trong các thùng rác - đều là những vật liệu tái chế được các nhà thiết kế Bồ Đào Nha sử dụng để tạo nên những đồ gia dụng hữu ích, với ước mơ biến rác thành tiền.

Một số sản phẩm làm từ
vật liệu tái chế của
Designwise, gồm có
túi Just Beg.
Đầu năm 2004, Designwise - một nhóm các nhà thiết kế Bồ Đào Nha - đã kêu gọi thành viên đưa ra những sáng kiến tạo ra các sản phẩm mới, hữu ích từ các vật liệu có thể tái chế đang ê hề trong các thùng rác. Dưới bàn tay khéo léo của họ, những chiếc hộp đựng sữa đã được cắt và đan thành những chiếc giỏ xinh xắn. Các vỏ chai, hộp nhựa đã qua sử dụng được tái chế lại và biến thành những lọ đựng muối hay hạt tiêu.

Các mẫu thiết kế tốt nhất đã được Designwise đưa ra trưng bày trong suốt mùa hè vừa qua. Theo kế hoạch, cuối năm nay tổ chức này sẽ lựa chọn những mẫu hàng có thể được đưa ra bán tại thị trường Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp dưới biểu tượng của Designwise, dựa trên ý kiến phản hồi từ công chúng. "Chúng ta không thể xâm nhập vào thị trường với các sản phẩm tái chế trên mà không dựa vào ý kiến của công chúng. Các cuộc trưng bày sản phẩm tái chế còn giúp người dân nâng cao nhận thức về môi trường", Namalimba Coelho - phát ngôn viên của Designwise cho hay.

Hugo Silva, 29 tuổi, đã học tập những kinh nghiệm thủ công truyền thống tại phía nam Bồ Đào Nha để đan những chiếc giỏ từ vật liệu là vỏ hộp nước cam hoặc vỏ hộp sữa. Anh cho biết đã nảy sinh ra ý tưởng trên sau khi nhớ lại hồi nhỏ anh từng xem bà ngoại đan giỏ từ các mảnh bìa, khi lá cọ tại vùng quê anh trở nên khan hiếm. Tuy nhiên, Silva hết sức chú trọng giấu đi những chi tiết có thể khiến khách hàng phát hiện ra họ đang dùng chiếc giỏ được chế tạo từ một vật dụng cũ. "Các đồ vật được làm từ chất liệu tái chế sẽ thành công trên thị trường chừng nào mà các nhà thiết kế có thể giúp khách hàng quên đi nguồn gốc thực của nó", Silva nói.

Tuy nhiên, các nhà thiết kế phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức để có thể tạo nên các sản phẩm tái chế này. Theo Silva, phải mất 2 ngày để đan chiếc giỏ từ chất liệu là 12 vỏ hộp đựng sữa. Còn Naulila Luis, 26 tuổi, người thiết kế túi nhiều màu sắc "Just Beg" cho hay, để tạo nên một sản phẩm này, cô phải cán dẹt 300 vỏ bút nỉ, sau đó lồng và khâu chúng lại với nhau thành một chiếc túi. Toàn bộ công đoạn chế tạo mất khoảng chừng 10 giờ. Điều này khiến giá cả của các vật dụng tái chế đắt ngang với những đồ vật tương tự từ những hãng đã có tên tuổi. Chẳng hạn, một chiếc túi "Keybag" (Túi phím) được làm nên từ 300 phím bàn khoá máy tính cũ có giá 125 euro. "Just Beg" được bán với giá 70 euro.

Luis, người gốc Angola, cho hay việc chế tạo các sản phẩm mới dựa trên các rác thải công nghiệp chẳng phải là ý tưởng gì mới. Khi có dịp sang thăm Brazil và Cape Verde nhiều năm trước, cô đã chứng kiến những người dân tại các nước này chế tạo những vỏ hộp hay chai lọ thành các vật dụng hữu ích. "Người dân các nước đang phát triển đều có rất nhiều sáng kiến trong việc chế ra các vật dụng mới từ rất nhiều đồ vật cũ", cô nói.

Tại Bồ Đào Nha, phong trào chế tạo sản phẩm mới từ nguyên liệu tái chế đang rất được ưa chuộng. Trong 9 tháng đầu năm 2004, có tới 198.500 tấn giấy, thuỷ tinh, nhựa và các vật dụng có thể tái sử dụng khác được dùng để tạo nên các đồ gia dụng. Tỉ lệ này đã tăng 26% so với một năm trước đó. Chính phủ Bồ Đào Nha dự tính khoảng 172 nghìn tấn nguyên liệu phế thải sẽ được tái chế trong năm 2004, tăng 28 nghìn tấn so với năm ngoái. A.P (Theo AFP)