Việt Hùng và bộ sưu tập cho lễ hội hoa Đà Lạt
Các Website khác - 16/11/2004
Nhà thiết kế Việt Hùng.

Chỉ được hỗ trợ một phần kinh phí, song nhà thiết kế Việt Hùng vẫn hăng hái tham gia Lễ hội sắc hoa Đà Lạt. Ngày 21/12, anh sẽ giới thiệu bộ sưu tập gồm những trang phục về hoa. Việt Hùng đã có cuộc trò chuyện cùng VnExpress quanh chuyến lưu diễn.

- Anh sẽ mang những mẫu sưu tập nào đến lễ hội hoa Đà Lạt?

- Đến với Đà Lạt là đến với hoa nên tôi dự tính sẽ trình diễn 2 hoặc 4 bộ sưu tập thời trang, nhưng còn tùy vào thời lượng của chương trình. Tôi sẽ chia thành 2 nhánh chính. Một là lấy những mẫu trang phục về hoa làm chủ đạo, có thể là áo dài và thời trang trẻ. Nhưng tôi thích áo dài hơn và đã làm xong một bộ có chủ đề hoa. Một bộ tôi lấy ý tưởng từ trang phục của người dân tộc vùng cao, sau đó cách điệu thành trang phục hiện đại.

- Chất liệu anh sử dụng trong hai bộ sưu tập này là gì?

- Áo dài hoa, tôi sử dụng chất liệu nhẹ nhàng, mềm mại, đủ màu sắc như: đỏ của hoa hồng, vàng của hoa mai, xanh của lá, vàng nhạt và đậm. Nói chung có đủ tông màu của hoa và lá.

Bộ thứ hai tôi thể hiện cá tính của người dân tộc nên sẽ dùng chất liệu thổ cẩm thủ công, cộng với những chất liệu hiện đại. Nhìn nó mang đậm chất hoang dã, nhưng lại phù hợp với cuộc sống hiện đại.

- Anh tâm đắc với mẫu nào?

- Tôi rất tâm đắc mẫu đồ dân tộc vì nó thể hiện cá tính, hoang dã và hơi thủ công. Nó cầu kỳ bởi những tông màu nóng, lạnh của người dân tộc, song vẫn tạo được sự trang trọng cho người mặc. Còn bộ sưu tập áo dài hoa tôi muốn nó nhẹ nhàng, nữ tính tượng trưng cho truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

- Anh thể hiện ý tưởng gì qua những mẫu trang phục đó?

- Đây là lễ hội hoa nhằm thu hút khách du lịch, thu hút những ai muốn khám phá, tìm hiểu về thiên nhiên, con người và vùng đất đó. Nhắc đến Đà Lạt là người ta nhắc đến thành phố của hoa. Ý tưởng lớn nhất của tôi là thể hiện những gì rất đặc trưng về thiên nhiên, con người ở đó, bảo tồn và phát huy di sản của họ. Chỉ một mình tôi tham gia nên cố gắng truyền tải cho người ta hiểu về thiên nhiên và con người Đà Lạt.

- Động lực nào thu hút anh đến với lễ hội này?

- Tôi muốn góp phần vào thành công cho lễ hội và cũng để chứng tỏ mình. Thông qua các hoạt động văn hóa, tôi cũng muốn mở mang kiến thức cần thiết cho nghề nghiệp. Hơn nữa, Đà Lạt là nơi tôi thường làm việc.

- Anh đầu tư bao nhiêu kinh phí cho chuyến đi này?

- Riêng chương trình Đà Lạt khoảnh khắc vàng kinh phí đầu tư là 100-120 triệu đồng. Do kinh phí hạn hẹp, Ban tổ chức chỉ hỗ trợ về ăn, ở, đi lại nên tôi phải kêu gọi sự hỗ trợ từ những người mẫu tham gia với tinh thần đóng góp cho một hoạt động văn hóa.

- Anh nhận xét gì về cách ăn mặc của các bạn trẻ hiện nay?

- Mỗi người có những cảm nhận riêng về thời trang, về vóc dáng, màu da. Văn hóa thời trang trước tiên là cái thể hiện văn hóa mặc của con người, cái văn hóa mặc đó phù hợp với trình độ nhận thức, môi trường, nói chung là phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có người chọn cho mình phong cách này, có người chọn cho mình phong cách kia. Tôi cũng không dám bàn luận nhiều, nhưng thấy xu hướng chung của một số bạn trẻ hiện nay có đầu tư hơn về chất lượng sản phẩm. Ngày xưa người ta có thể mặc nhiều bộ, bây giờ người ta có thể mặc ít bộ nhưng bộ nào xuất sắc bộ đó.

- Các sản phẩm của anh thường hướng đến đối tượng nào?

- Tôi không hướng đến đối tượng cụ thể nào. Theo nghiên cứu thị trường thì thấy thu nhập của người dân theo sơ đồ hình chóp. Người có thu nhập thấp thì rất nhiều, người có thu nhập cao thì rất ít. Tôi phục vụ 70% tầng lớp trên.

- Hiện nay nhiều mẫu thiết kế đến được với người tiêu dùng còn khoảng cách khá xa. Anh làm gì để những mẫu thiết kế của mình tiếp cận với người tiêu dùng một cách nhanh nhất?

- Khi sáng tác một mẫu sản phẩm, tôi muốn nó gần với cuộc sống hơn. Chỉ khi nào chương trình cần những mẫu ấn tượng tôi mới làm, còn không các mẫu của tôi chỉ cần một bước là bước ra cuộc sống. Có chăng chỉ là hài hòa đôi chút theo kích cỡ, chiều cao của người mẫu khi trình diễn. Khi bước ra cuộc sống thì trang phục đó thu lại cho phù hợp với kích thước của người thường chứ không phải bớt đi thêm vào cho phù hợp.

- Anh đánh giá thế nào về những bạn thiết kế trẻ hiện nay?

- Tôi không dám đánh giá gì nhiều vì mỗi người có cái hay của họ. Bản thân tôi cũng học hỏi ở tất cả mọi người, kể cả những người đã nghỉ không làm, những người đang làm, những người mới bước chân vào nghề. Tôi học hỏi ở họ sự cần cù, tinh thần cầu tiến, kinh nghiệm. Tôi không tìm hiểu nhiều về mẫu của các bạn, nhưng tại các festival thì thấy nó đi xa thực tế một chút. Tôi lo giùm các bạn vì những mẫu đó không tiêu thụ được, không có tiền để làm tiếp. Khi các bạn làm ra một mẫu mà bán được thì nó sẽ tạo ra quy trình tái sản xuất, nếu sáng tác ra để đó thì giống như miệng ăn núi cũng lở.

- Công việc hiện tại của anh là gì?

- Ban ngày, tôi là một chuyên viên make up, làm tóc. Ngoài ra còn phục vụ các công việc kinh doanh của tôi tại các cửa hàng. Sau giờ hành chính, tôi là chuyên viên kỹ thuật chuyên tạo mẫu, kiểm tra lại các mẫu trước khi xuất xưởng. Tối về, tôi là một nhà thiết kế.

- Anh sẽ làm gì sau chuyến đi Đà Lạt này?

- Sau lễ hội này tôi chuẩn bị làm các chương trình Duyên dáng Việt Nam, Một thoáng Việt Nam, cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh và truyền hình triển vọng và lễ hội kỷ niệm 100 năm thành lập Đăk Lăk.

Châu Phong thực hiện