Chuyện sắm hàng hiệu nổi tiếng không chỉ dành cho một số đối tượng như doanh nhân, nghệ sĩ, người mẫu..., mà hiện nay cả những người bình thường cũng có thể “chơi” hàng hiệu nếu trong túi... có tiền.
Cửa hàng USA.Com trên đường Lê Thị Riêng, quận 1 - TPHCM, chỉ là một cửa hàng nhỏ nhưng giới chơi hàng hiệu máy tính thường tìm tới đây vì cần món hàng nào của các hãng nổi tiếng ở đây đều có cả.
Một cách tự khẳng định mình?
Chủ nhân của cửa hàng này cho biết chỉ cung cấp những hàng “độc” theo yêu cầu của khách. Một thanh niên chừng 25 tuổi bước vào hỏi mua một chiếc tai nghe cho máy MP3 được sản xuất bằng chất liệu silicon. Chiếc tai nghe hiệu Ipod giá 500 USD này có ưu điểm rất êm khi đặt vào tai, kín và tạo âm thanh sống động.
Không chỉ những “cậu ấm, cô chiêu” mới chơi nổi, mà nhiều bạn trẻ trong giới học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng hay làm công việc tự do cũng thích chơi hàng hiệu. Cô T. Ngân, nhân viên văn phòng của một trường ngoại ngữ tin học, cũng thường tự “khẳng định mình” bằng những chiếc quần jean hiệu CK, Old Navy; những chiếc áo thun hiệu Bossini, Elle, Guess; những đôi giày hiệu Calorino, Bonia; túi xách Elle, Louis Vuitton... Theo T. Ngân, lương hằng tháng của cô chỉ đủ để trang bị cho mình một món hàng hiệu/tháng, còn tiền tiêu xài hằng ngày là do bố mẹ và... bạn trai cho thêm.
Anh D., nhà ở quận Bình Thạnh - TPHCM, trước đây làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu, nay nghỉ việc ra làm tự do, hằng ngày chỉ ngồi ở các quán cà phê ở khu vực quận 1, quận 3 và chờ điện thoại để đi làm thủ tục hải quan giúp cho những ai có nhu cầu và nhận tiền công cho mỗi “phi vụ”. Dù bữa đói, bữa no nhưng D. rất “sĩ diện”, chỉ cần “vô mánh” là D. sắm ngay cho mình một “món” hàng hiệu mới, lúc thì chiếc điện thoại giá từ 7 - 10 triệu đồng, lúc thì chiếc đồng hồ hiệu Rolex gần 1.000 USD. Vợ D. có ngăn cản thì D. giải thích: “Anh đi làm rất cần có vẻ ngoài tươm tất, có vậy người ta mới tin tưởng giao các vụ lớn cho anh chứ!”.
Hàng hiệu cần cho ai?
Cô Nguyễn Thúy Bình, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Thiết kế mỹ thuật Goldsun-CBD, số 65 Nguyễn Du, quận 1- TPHCM, nói: “Tôi thường xài mỹ phẩm dưỡng da của L’occitane, mỹ phẩm trang điểm thì tùy loại vì loại nào đẹp và hợp với mình thì xài, chẳng hạn Shiseido”. Do công việc đòi hỏi phải thường xuyên gặp gỡ, giao tiếp, công tác trong và ngoài nước, cô Thúy Bình nhận định: “Việc xài hàng hiệu đối với giới trẻ Việt Nam hiện nay cũng khá phổ biến, tuy nhiên, cần phải lưu ý tới việc ăn mặc, xài hàng như thế nào, trong hoàn cảnh nào để phù hợp. Quan trọng là phải cân nhắc túi tiền thật kỹ để còn chi tiêu vào những việc khác”.
Đôi khi, có những bộ quần áo hiệu rất đắt tiền, cũng rất gợi cảm, mà các cô gái trẻ thường mặc và đi nhởn nhơ giữa ban ngày ngoài đường phố Sài Gòn, lại “chẳng giống ai”.
Anh Trọng Liêm, giám đốc một công ty quảng cáo, cho biết những người xài hàng hiệu thường là những người dư dả, có nhu cầu quan hệ giao tiếp nhiều ngoài xã hội. Tuy nhiên, đôi khi việc xài quá nhiều hàng hiệu cũng có thể bị phản tác dụng. Chẳng hạn gặp phải đối tác khó tính, chỉ thích đơn giản, không cầu kỳ hình thức thì lúc đó mớ hàng hiệu trên người sẽ trở nên kệch cỡm.
Phân khúc hàng hiệu dành cho lớp trẻ
Các nhà thiết kế trong nước đã bắt đầu chú ý đến các đối tượng săn lùng hàng hiệu và họ nhắm đến theo từng độ tuổi. Chẳng hạn Nino Maxx, Việt Thy, Nguyễn Long nhắm đến giới trẻ ưa thích những cái mới và năng động thì cho ra các sản phẩm bằng các chất liệu thun, bố với những mẫu mã khỏe khoắn của thời trang đường phố có pha chút hip-hop, doanh nhân trẻ thành đạt với các loại sơ mi được thiết kế trang nhã, lịch sự thì lại được các hãng An Phước, Việt Tiến, Sanding khai thác triệt để.
Vòng qua các siêu thị chuyên bán đồ thời trang cao cấp, dễ dàng nhận thấy các nhãn hiệu thời trang Việt Nam như An Phước và Pierre Cardin, Việt Tiến, Nguyễn Long, Việt Thy, Nino Maxx, Toffy, Zelot, Ten&Co... cùng với nhãn hiệu của các nhà thiết kế Minh Hạnh, Kiều Việt Liên, Vũ Thu Giang, Nguyên Sa, Hoài Sang, Nhật Huy, Trà My, Toàn Thịnh... đang chen vai thích cánh cùng những nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới như Lacoste, AIIZ, Versace, Mochino, Valentino, Remova, Sembonia... Thời trang trong nước tuy thu hút được người tiêu dùng nhưng so với những nhãn hiệu quốc tế thì sức mua cũng còn rất hạn chế dù giá cả có rẻ hơn nhiều.
Bà Triệu Thị Hương Giang, Phó Tổng Giám đốc Zen Plaza: Bán cả xu hướng thiết kế Tại Zen Plaza có tới 70% hàng hóa thời trang mang nhãn hiệu nước ngoài, 30% còn lại mới là thời trang của các đơn vị sản xuất trong nước. Những năm gần đây, xu hướng của người tiêu dùng thay đổi rất nhanh, vì vậy những nhà thiết kế không chỉ bán các sản phẩm mà phải bán luôn cả xu hướng thiết kế. Ví dụ các sản phẩm trưng bày theo bộ bán rất chạy, người mua đã được nhà thiết kế vạch sẵn quần nào đi với áo nào kèm theo cà vạt, túi xách, giày dép... cho đồng bộ, người tiêu dùng cứ theo thế sử dụng mà không sợ bị “chỏi”. |
Ngọc Mai- Yến Thy
▪ Nam trung niên Nhật đổ tiền vào thời trang (13/06/2005)
▪ Jun Ji Hyun, cô nàng ngổ ngáo của điện ảnh Hàn Quốc (13/06/2005)
▪ Hết “hở” thì quay sang “kín”! (11/06/2005)
▪ 25 mẫu sưu tập áo dài trẻ em VN sẽ được giới thiệu ở Pháp (09/06/2005)
▪ 10 nam người mẫu hàng đầu thế giới (10/06/2005)
▪ Thu Hà: Nhan sắc không có lỗi! (11/06/2005)
▪ Biểu diễn áo dài trẻ em ở Pháp (10/06/2005)
▪ Ngô Thanh Ngân dự thi 'Hoa hậu Nữ hoàng Du lịch 2005' (08/06/2005)
▪ Hoàng Hoa - nàng Lọ Lem bốc lửa (08/06/2005)
▪ Ngọc Thúy: 'Có kinh nghiệm chưa đủ để làm thày' (10/06/2005)