Để có chỗ đứng trong thế giới thời trang Mỹ
Các Website khác - 23/10/2004
Một số mẫu thời trang của Michelle Ngo.

Chỉ vài tháng sau khi thành lập Tea Designs, nhà thiết kế người Mỹ gốc Việt Michelle Ngo đã trở thành một trong những gương mặt nổi tiếng nhất Houston. Sự thành công này được xem là hiện tượng ở Houston, thành phố xếp thứ nhì về lĩnh vực thời trang ở Mỹ - chỉ sau Los Angeles.


Dẫu rất bận bịu với công việc thiết kế và tiếp xúc với khách hàng, Michelle Ngo luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với mọi người. "Tôi chọn cái tên Tea Designs vì nhiều lý do. Tea là sự kết hợp của ba chữ T, E, A. Trong đó T là Trâm, tên mà gia đình, người thân và bạn bè Việt Nam vẫn gọi tôi; E và A là chữ viết tắt của essential và accessories. Bên cạnh đó, Tea trong tiếng Anh có nghĩa là trà, mà nhắc đến trà thì người ta liên tưởng ngay đến châu Á. Hơn nữa, cái tên Tea ngắn gọn vừa dễ nhớ, lại rất... tiết kiệm trong việc in ấn nhãn hiệu!". Trâm - hãy gọi Michelle Ngo bằng cái tên thân mật này - dí dỏm giải thích, rồi cô nói thêm như để biện minh: "Trâm vốn là dân IT nên cái gì cũng tính toán sao cho có lợi nhất".

Rời Việt Nam từ năm 12 tuổi, Trâm và gia đình định cư ở Sugar Land. Từ nhỏ, cô đã tự may áo quần cho cả nhà. Ngoài giờ học, Trâm đi làm thêm ở High Fashion, một cửa hàng chuyên bán vải. Công việc này tạo điều kiện cho cô tiếp xúc với những khách hàng là các nhà thiết kế và phụ nữ mọi ngành nghề trong xã hội, nhờ đó cô dần dần trở nên rất am hiểu về vải vóc và thời trang. Nhưng khi vào đại học Trâm chọn học ngành công nghệ thông tin (IT) ở Đại học Houston để có một công việc ổn định. "Tôi vốn là người không mơ ước điều gì quá to lớn. Nên khi phải quyết định, tôi đã chọn một con đường nghề nghiệp ổn định". Nhưng 10 năm sau, Trâm vứt bỏ sự ổn định đó, từ bỏ công việc ở Dynegy Inc. để dành toàn bộ thời gian cho công việc thiết kế. Trâm thừa nhận việc từ bỏ công việc ổn định ở Dynegy Inc. là một tính toán mạo hiểm, nhưng càng nhận được nhiều lời khen của khách hàng, cô càng tin rằng cô đã chọn đúng hướng đi nên dứt khoát từ chối những đề nghị hấp dẫn của các công ty IT thông qua những công ty săn đầu người. Trâm thiết kế mọi thứ, từ những trang phục thường ngày cho đến áo dạ hội, áo khoác lông thú, cả túi xách và giày dép. Những sản phẩm của Tea Designs có giá từ 40 USD đến trên 4.000 USD. Chỉ trong vòng vài tháng, Tea Designs đã có được một danh sách khách hàng nổi tiếng, trong đó có nhân vật nổi tiếng của Channel 2 của KPRC là Roseann Rogers; bà Cindy Harwood Rose, phu nhân của chuyên gia giải phẫu thẩm mỹ Franklin Rose; và Gloria Person, chủ tịch của Tập đoàn Thời trang quốc tế của Houston.

Michelle Ngo (bìa trái) cùng Michael Kors và Cindy Rose.

Sự thành công nhanh chóng của Tea Designs được xem như một hiện tượng, nhưng Trâm vẫn luôn tỉnh táo, không để bị choáng ngợp bởi những lời khen ngợi. Trâm vẫn giữ nguyên phương thức làm việc và nguyên tắc thiết kế ban đầu của cô, những nguyên tắc và phương thức có vẻ không bài bản và lập dị, nhưng Trâm tin rằng đã làm nên thành công của cô hôm nay. Cụ thể Trâm chỉ đồng ý bán những mẫu thiết kế của cô cho các cửa hàng sau khi đã trao đổi với nhân viên bán hàng. Nếu không được đáp ứng, Trâm dứt khoát từ chối vì cô cho rằng như thế không công bằng với khách hàng, vì cô muốn người bán phải biết rõ sản phẩm của cô phù hợp với người ở độ tuổi nào, vóc dáng nào, đặc biệt là phù hợp với những màu da, màu tóc và màu mắt nào... để còn tư vấn cho khách. Còn với những khách hàng đến với Trâm, cô luôn trao đổi với khách từ kiểu dáng cho đến màu sắc và cả chất liệu của áo, để rồi cuối cùng hầu như với mỗi người khách cô đều có một thiết kế riêng, một thiết kế mới nên khi bộ trang phục hình thành luôn vừa đáp ứng yêu cầu của khách, vừa hài hòa với vóc dáng, màu da, màu tóc, màu mắt của người mặc. Dường như trong mỗi một thiết kế của mình, Trâm đều gửi cả vào đó tấm lòng vì nguyên tắc của Trâm là trang phục không chỉ đẹp mà còn phải thuận lợi cho người mặc, nên từng đường cắt, từng chất liệu chọn lựa, Trâm đều hướng đến mục tiêu là làm cho khách cảm thấy tự tin và thoải mái trong bộ trang phục mới. Một điều đặc biệt khác là Trâm vừa thiết kế những trang phục cao cấp giá vài ngàn đô la/bộ, nhưng đồng thời Trâm cũng thiết kế những sản phẩm mà khách có thể tách ra mặc với những váy, áo có sẵn. Nhờ thế sản phẩm của Tea Designs đến với mọi đối tượng khách hàng.

Houston là nơi lý tưởng để những nhà thiết kế thời trang phát huy sở trường, nhưng không phải ai cũng có thể tìm được một chỗ đứng trong thời gian ngắn. Rất nhiều người được đào tạo bài bản qua trường lớp, nhưng thiếu kinh nghiệm thực tế nên thiết kế thiếu tính ứng dụng. Trâm thừa nhận cô có lợi thế hơn nhờ rất am hiểu về vải vóc, lại có điều kiện đi đây đi đó nhiều trong 10 năm làm việc trong ngành công nghệ thông tin nên thiết kế của cô đa dạng, màu sắc. Điều này bù đắp cho việc cô chưa hề qua một trường lớp đào tạo chính quy nào về ngành thời trang. Nhưng Trâm không bao giờ tự ti về việc này: "Thời trang là một ngành công nghiệp nhiều bấp bênh, không giống như công nghiệp IT. Nhưng tôi tin rằng mình sẽ trưởng thành qua công việc. Tôi hy vọng sẽ có nhiều thay đổi một khi trở thành nhà thiết kế đẳng cấp".

Tố Loan