Sự tương phản không lời
Các Website khác - 11/10/2004
Biểu diễn thời trang Á - Âu:
Sự tương phản không lời


Hai đêm biểu diễn thời trang Á - Âu tại Hà Nội (30.9) và TPHCM (6.10) dù là cuộc chơi của những nhà thiết kế trẻ chưa có mấy tên tuổi của các nước, cũng đã bộc lộ phần nào nền tảng văn hóa cơ bản của mỗi nhà thiết kế.

Một mẫu thiết kế
của các NTK Việt Nam

Đơn cử, là những trường phái đôi khi như đối lập nhau giữa thời trang Italia, Đức, đại diện của Châu Âu và Singapore, Thái Lan của Châu Á. Các nước Châu Á nói chung, sự rối rắm vẫn chưa thoát khỏi tư duy thời trang phương Đông. Cầu kỳ, đính nhiều hạt đá, nhiều dây nối, nhiều phụ liệu khoác, choàng, buộc, nối ghép..., sự thay đổi chất liệu cho bớt nhàm chán đã khiến các nhà thiết kế trẻ thường phải "chơi nổi" và phá lệ. Trong khi đó, các nhà tạo mẫu Italia vẫn chuộng nhất sự đơn giản, thanh lịch, sang trọng, cho nên màu sắc bao giờ cũng tươi mới nhưng dung dị. Sự tương phản họ sử dụng trên màu sắc cũng mang một tác dụng thị giác khá tốt. Đằng sau đó là sự tưởng tượng, những cảm giác, mối liên hệ với người mặc, và quan trọng là sự liền mạch của ý tưởng. Trong khi các nhà tạo mẫu Châu Á, dù đã học hỏi ở Châu Âu những nét cơ bản ấy vẫn thích cắt rời ý tưởng và cơ thể người phụ nữ thành chi tiết, và những kỹ xảo kèm theo. Ngay cạnh yếu tố chủ đề của mỗi bên cũng khác. Các nhà thiết kế Châu Âu đặt nặng hình ảnh nữ tính, ngây thơ của người thiếu nữ hiện đại hoài cổ, đặc biệt thổi vào sự tươi mới của thời trang theo chủ đề "Truyền thống gặp gỡ tương lai". Còn Châu Á lại thích triết lý về thời gian, ánh sáng, thiên nhiên... Đặt hai bên cạnh nhau sẽ có một sự tương phản không lời. Đó là sự khó có thể biện hộ về cái khoảng trống giữa việc nắm bắt ý tưởng và thực hiện nó, giữa sự đơn giản nhưng không tẻ nhạt và sự rối rắm phá phách làm mệt óc hình dung.

Từ đây có thể hình dung sân chơi thời trang của các nhà thiết kế trẻ VN. Trong phong cách, cái mà họ thiếu vẫn là cá tính. Từ cá tính quyết định nên trạng thái sáng tạo: Thụ động và hay bắt chước. Cái hay bắt chước thì tốt, nhiều khi họ bị ảnh hưởng lẫn nhau sự rối rắm, ý thích cắt xẻ tầm nhìn lên người mẫu thành nhiều đường ngang dọc, chắp nối... Ngay cả trong cấu trúc trang phục cũng thường bộc lộ sự rườm rà. Ngôn ngữ này hé lộ một điều: Khi tư duy thời trang chưa sáng, các nhà thiết kế nội cần học hỏi nhiều hơn nữa. M.T