Những người khoác áo blouse tâm sự về nghề thầy thuốc
Các Website khác - 27/02/2003

Công việc vất vả, phương tiện thiếu thốn nhưng trách nhiệm đầy mình. Đồng lương khiêm tốn và nhiều điều tai tiếng liên quan tới nghề một thời được coi là rất cao quý này liệu có khiến các thầy thuốc nản lòng? VnExpress phỏng vấn một số bác sĩ nhân Ngày Thầy thuốc VN 27/2.

- Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM:

Nghề y là nghề vất vả, thi vào khó, học cũng khó, ra trường thì toàn tiếp xúc với người bệnh. Nếu không yên tâm với công việc mà so đo với những ngành nghề khác thì thật không dễ. Tâm lý chán nản có thể xuất hiện ở những người chưa suy nghĩ kỹ khi chọn nghề. Ở nước ta, đa số học sinh chọn thi vào trường y một cách tình cờ, họ mới chỉ nhìn thấy mặt hấp dẫn của nó mà không tìm hiểu những khó khăn đang chờ đợi. Trong khi đó, tại một số nước, học sinh xin thi vào trường y phải qua vòng phỏng vấn vì ngành này đòi hỏi tố chất đặc biệt của học viên: thích chăm sóc, lo lắng cho người khác. Nếu không yêu nghề thì bạn không thể trụ lại được. Để khỏi thất vọng sau này, các bạn trẻ hãy cân nhắc thật kỹ khi chọn nghề y.

- Bác sĩ Nguyễn Trung Trinh, Bệnh viện Việt Nam Cuba (Hà Nội):

Bản thân tôi cũng có những người thân từng bị ốm nặng. Bố bị ung thư và phải nằm viện khi tôi còn nhỏ, nên tôi cảm nhận được rất rõ trách nhiệm của người thầy thuốc đối với người bệnh. Công việc vất vả nhưng tôi luôn tự nhủ, hãy chăm sóc người bệnh như mình muốn được người khác chăm sóc. Niềm vui của họ khi ra viện là động lực giúp tôi cảm thấy yên tâm với nghề y. Nếu muốn kiếm tiền thì nên đi tìm một ngành khác.

- Tiến sĩ Nguyễn Đức Hinh, Tổng thư ký Hội Sản Phụ khoa Việt Nam:

Làm trong nghề này, mình luôn chịu sức ép rất lớn. Lúc nào cũng canh cánh làm sao có thể tiến lên bằng các nước trong khu vực về mặt kỹ thuật. Mặt khác, đòi hỏi từ phía người bệnh cũng ngày càng cao. Nhiều ý kiến thắc mắc của họ đúng, nhưng cũng có những ý kiến không chuẩn xác. Điều này ảnh hưởng rất xấu tới tâm lý của người thầy thuốc. Nói vậy nhưng tôi vẫn dành hết tâm huyết cho nghề này.

Đồng lương eo hẹp là khó khăn chung, và mỗi người có cách giải quyết riêng. Nhiều bác sĩ phải mở phòng mạch tư hoặc cửa hàng để có điều kiện cống hiến cho sự nghiệp. Nhưng không nên lấy lý do khó khăn về kinh tế để biện hộ cho những hành vi phi đạo đức của mình. Đành rằng y đức chịu ảnh hưởng của yếu tố khách quan là đời sống không được đảm bảo, nhưng phải xác định nghề y không phải nghề làm giàu.

- Bác sĩ Nguyễn Đức Chính, Phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội):

Là một bác sĩ ngoại khoa kiêm cả công tác hành chính, tôi gặp không ít khó khăn trong công việc vì đâu có được đào tạo chính quy để làm quản lý như ở nước ngoài. Buồn nhất là khi có khó khăn mà mình không khắc phục được, ví dụ như chuyện quá tải ở bệnh viện. Năm ngoái, Việt Đức sử dụng 122% số giường bệnh và mổ 18.000 ca (tăng 4,5 lần so với chỉ tiêu đề ra). Chúng tôi đã rất nhiều lần xin Bộ Y tế đầu tư tăng cường trang thiết bị và cung cấp thêm người nhưng không có kết quả. Nếu tình trạng này kéo dài, các bác sĩ sẽ phải bỏ thời gian vào những ca nhỏ và không thể đầu tư cho kỹ thuật cao. Hơn nữa, bác sĩ làm việc quá tải khó tránh khỏi những sai sót, và bệnh nhân là người thiệt thòi nhất.

Ngoài ra, nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm HIV rất cao. Tuy các bệnh nhân vào viện được làm thử nghiệm nhanh tìm HIV nhưng để có kết quả chính xác phải đợi 45 phút. Nếu bệnh nhân vào viện trong tình trạng máu me bê bết, trụy tim mạch, chả nhẽ chúng tôi lại khoanh tay chờ? Nguy cơ thì cao nhưng những nhân viên làm hợp đồng lại không được hưởng một chế độ trợ cấp nào, dù là rất nhỏ. Sự thiếu vắng một hình thức động viên có thể làm giảm nhiệt huyết của họ.

- Bác sĩ Nguyễn Thị Quý, Trưởng Khoa Gây mê Viện Tim TP HCM:

Dường như mỗi người đều có duyên nợ với công việc của mình, dù khổ mấy vẫn thấy thương nó. Công việc của người bác sĩ gây mê rất vất vả. Trong mỗi ca mổ, họ là người luôn đi trước về sau, nhưng lại chịu nhiều thiệt thòi: bệnh nhân không để tâm tới, việc làm tư để có thu nhập thêm rất khó khăn. Đôi khi, nếu ca mổ không thành công, chúng tôi cũng rất buồn và chán nản. Nhưng khi thấy bệnh nhân khỏe mạnh mình lại rất vui. Đó là hạnh phúc lớn nhất của nghề.

- Giáo sư Lê Nam Trà, Chủ nhiệm Bộ môn Nhi Đại học Y Hà Nội:

Tôi gắn bó với nghề y đã 43 năm trời và không khỏi buồn phiền vì thấy ngày nay, người dân không còn yêu quý và tôn trọng những người thầy thuốc như trước nữa. Điều này cũng có thể giải thích được. Đồng tiền đã chi phối nhiều lĩnh vực của cuộc sống mà ngành y không phải là ngoại lệ. Lương quá thấp khiến nhiều bác sĩ không thể chuyên tâm làm công việc của mình. Một số đã quay ra lợi dụng bệnh nhân để mưu cầu lợi ích cá nhân. Đó là lý do khiến người bệnh nhìn các bác sĩ với con mắt khác. Nâng cao y đức của người thầy thuốc là điều rất cần làm nhưng sẽ không thể thực hiện được nếu họ không được tạo điều kiện về vật chất để có thể yên tâm làm việc. Đó là vấn đề của toàn xã hội. Còn bản thân tôi, dù thế nào tôi vẫn rất yêu và gắn bó với nghề của mình. Và tôi rất mong là các bệnh nhân sẽ dành cho thầy thuốc chúng tôi những tình cảm chân thật chứ không phải thái độ ban ơn.