Thuốc tăng giá, tiếp tục thanh tra
Các Website khác - 03/04/2003

Ngày 27.3.2003, thanh tra Sở Y tế đã xử phạt đình chỉ buôn bán thuốc trong 3 tháng đối với nhà thuốc Thanh Tuấn, đưòng Ðiện Biên Phủ. Nguyên nhân là do nhà thuốc này đã bán cùng một loại thuốc chênh lệch nhau 11.500đ/viên. Tình trạng giá thuốc tăng vẫn là bài toán khó đối với nhà quản lý.

Vì đâu thuốc tăng?

Công ty dược - vật tư y tế Cửu Long cho biết: “Công ty có 4 loại thuốc phải tăng giá do nguyên liệu đầu vào tăng. Công ty Vimedimex thì có 50 mặt hàng tăng giá trong đợt vừa qua, có 90% mặt hàng tăng trung bình từ 4 - 5%, có 10% mặt hàng tăng trên 5%.

Bên cạnh đó, các công ty còn gặp một số khó khăn về thuế. Nhiều doanh nghiệp cho rằng thời gian qua hải quan tính thuế còn nhiều bất cập: áp giá cao khiến thuốc đội giá. Giá nhập khẩu thuốc không tăng nhưng hải guan truy thu thuế thì người bán tăng giá...

Một số doanh nghiệp dược trong nước còn cho rằng giá thuốc tăng do các nhà thuốc bán lẻ tăng giá. Giá bán từ 200đ vốn tăng 600đ có nơi tăng 900đ.

Tăng giá dây chuyền?

Anh M., bán thuốc tại nhà thuốc đối diện BV Nhi Ðồng 1, than: "Mọi người đổ lỗi cho chúng tôi tăng giá thuốc. Nếu bán cao giá thì khách chỉ đến một lần rồi đi...”.

Một dược sĩ tại chợ Nhật Tảo than: "Bây giờ ra ngõ là gặp nhà thuốc tây. Như vậy làm sao chúng tôi dám bán quá giá? Trừ phi đi lấy hàng, hàng lên chúng tôi phải lên theo".

Một số nhà thuốc cho biết việc thuốc tăng giá có một phần do ảnh hưởng tác động của tăng giá thuốc ngoại. Khoảng giữa tháng 2, Zuellig pharma - nhà phân phối của nhiều công ty dược trên thế giơí đã gửi thông báo giá mơí cho 75 mặt hàng đến hàng loạt các nhà thuốc bán lẻ. Một số mặt hàng thuốc tăng 100%. Chẳng hạn Zaditen trước tết giá 64.000 đồng, nay 124.476 chưa có thuế; nếu cộng thuế khoảng 130.000 đồng. Những mặt hàng khác như Ginko fort 67.000 đồng lên 74.000 đồng, nước rửa sát trùng ngoài da cho trẻ em Lactacyd từ 37.000 đồng lên 42.000 đồng. Vit C Việt Nam từ 120 đồng/viên lên 220 đồng/viên, vit C của Mỹ từ 260 đồng/viên lên 580 đồng/viên.

Ngoài ra, trong thời gian này, một số công ty cũng điều chỉnh giá thuốc. Công ty MST vừa qua có thông tin giảm giá thuốc trị bệnh HIV/AIDS nhưng lại có thông báo tăng giá các sản phẩm: fluconazol 150mg từ 5.000 đồng lên 7.000 đồng rồi 12.000 đồng!

Một cán bộ công tác tại một công ty xuất nhập khẩu dược cho biết giá thuốc tăng một phần do tỉ giá hối đoái tính ra giá sản phẩm. Cụ thể đồng euro tăng từ 13.000 đồng lên khoảng 16.000 - 17.000 đồng. Do nguyên tắc buôn bán không thể tăng giá thường xuyên nên các đơn vị này thường tập trung tăng một lần hàng 6 tháng hay một năm một lần. Có công ty tăng trước tết, có công ty tăng sau tết...

Ði tìm giải pháp?

Theo thông tin từ thanh tra Sở Y tế TP.HCM, hiện nay trên địa bàn thành phố có 24 đoàn thanh tra đang hoạt động để kiểm tra về hoạt động của ngành dược.

Nội dung kiểm tra của các đoàn, theo dược sĩ Trương Thị Xuân Huệ, phó chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM thì ngoài việc kiểm tra về quy chế hoạt động của các công ty, các hiệu thuốc…các đoàn còn tập trung kiểm tra, theo dõi về giá thuốc. Ðợt kiểm tra kéo dài từ 1.4.2003 đến 1.6.2003.

Cũng theo dược sĩ Huệ, việc khảo sát giá sẽ tiến hành đối chiếu theo hoá đơn giá mua vào, bán ra để xem xét tỷ lệ lãi thực tế của các đơn vị kinh doanh thuốc.

Theo bà Huệ nhận định thì cần phân biệt giữa giá tăng do các khoản chi phí đầu vào tăng, do cải tiến quản lý, nâng cao chất lượng... với việc tăng giá do độc quyền, lợi dụng cơ hội... Và thanh tra sẽ chú ý đến những mặt hàng ngoại nhập, những mặt hàng trước nay vốn dĩ đã quá mắc so với khả năng tiêu dùng của người bệnh mà nay tăng giá nữa thì người tiêu dùng không chịu nổi.

Nhiều ý kiến cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần phải xác định giá thuốc Việt Nam so với khu vực, xác định được việc tăng giá đầu vào chiếm bao nhiêu phần trăm và có tương ứng với mức tăng giá mà các công ty đưa ra. Khi đó mới có khống chế mức lời của các công ty. Có như vậy, người bệnh mới không là nạn nhân của những đợt tăng giá thuốc vô tội vạ.

P.Nam - V.Phương