Bộ Y tế: Không để người bệnh nằm ghép quá 48 giờ
Sức khỏe & Đời sống - 02/04/2016
Chỉ thị của Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh cần nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị nội trú, hạn chế tối đa tình trạng người bệnh nằm ghép và tuyệt đối không để người bệnh phải nằm ghép quá 48 giờ kể từ khi nhập viện.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa ban hành Chỉ thị số 06/CT-BYT về tăng cường bảo đảm chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi thực hiện điều chỉnh, thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo của Bộ Y tế về giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh; thẩm định kỹ năng lực trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện kỹ thuật chuyên môn khi phê duyệt và chịu trách nhiệm về danh mục kỹ thuật đã được phê duyệt cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tại các cơ sở khám chữa bệnh cần tăng cường tổ chức thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh. Công khai giá dịch vụ y tế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, lắp đặt hệ thống bấm số tự động, phân luồng đăng ký khám bệnh; sắp xếp quy trình khám bệnh liên hoàn, theo một chiều; bố trí bộ phận lấy bệnh phẩm ngay tại khu khám bệnh.

Chỉ thị của Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh cần nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị nội trú, hạn chế tối đa tình trạng người bệnh nằm ghép và tuyệt đối không để người bệnh phải nằm ghép quá 48 giờ kể từ khi nhập viện.

Bộ Y tế luôn yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải chú trọng nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc, thay đổi phong cách phục vụ người bệnh

Đồng thời các cơ sở khám chữa bệnh cần bảo đảm điều kiện phòng bệnh thông thoáng, sạch sẽ, đủ ấm về mùa đông và mát vào mùa hè. Thực hiện tốt công tác chăm sóc người bệnh trong bệnh viện; công tác dinh dưỡng, tiết chế trong bệnh viện; công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện; kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Thuốc và Điều trị của bệnh viện; tăng cường kiểm tra việc kê đơn, bình bệnh án, tuân thủ đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, quy trình kỹ thuật, quy trình chăm sóc người bệnh; phòng ngừa và giảm thiểu các tai biến, sai sót chuyên môn... Chủ động, tích cực triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh nhằm chuyển giao các kỹ thuật cao, giảm chuyển tuyến và tạo thuận lợi cho người bệnh được điều trị ngay ở tuyến dưới.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện dành tối thiểu 5% số thu từ dịch vụ khám bệnh và 5% số thu từ ngày giường điều trị (tối thiểu 3% đối với bệnh viện hạng III, IV) để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng khu vực khám bệnh và mua bổ sung thiết bị và các điều kiện phục vụ người bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đặc biệt, tại Chỉ thị này, Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh không thu tiền tạm ứng đối với người bệnh bảo hiểm y tế khi khám bệnh, không thu thêm các chi phí đã kết cấu trong giá của dịch vụ, trừ các chi phí chưa tính vào giá dịch vụ và phần đồng chi trả của người bệnh có bảo hiểm y tế theo quy định hoặc phần chênh lệch giữa giá thanh toán với cơ quan Bảo hiểm Xã hội và giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh không thu tiền tạm ứng đối với người bệnh bảo hiểm y tế

Bên cạnh đó, các cơ sở khám chữa bệnh cần thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế nghiêm túc, đổi mới toàn diện phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Thực hiện tốt việc tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thông qua đường dây nóng, hộp thư góp ý và các kênh tiếp nhận ý kiến phản ánh khác. Chú trọng bảo đảm an ninh, trật tự trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…

Ghi nhận từ thực tế cho thấy sau một tháng thực hiện việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, theo đại diện các bệnh viện cho biết, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong đó tính cả tiền phụ cấp và tiến tới tính lương của cán bộ y tế vào giá dịch vụ đã bước đầu khiến cán bộ y tế có ý thức nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân.

Một tác động tích cực khác của việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế là chỉ trong 2 tháng đầu năm đã có thêm 500.000 người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện theo hộ gia đình, đặc biệt là tại TP.Hồ Chí Minh tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện theo hộ gia đình trong 2 tháng đầu năm đã tăng lên 13 lần.