Nhân Tháng Cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (tháng 6), Trang tin Tiếng Chuông (Trang tin của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm) có bài phỏng vấn TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) về những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua.
TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) - Ảnh: Thùy Chi |
PV: Xin ông cho biết, kết quả của chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Hoàng Long: Chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (DPLTMC) đã được triển khai tại Việt Nam từ năm 2004. Hiện nay, chương trình đã được triển khai trên toàn quốc, bao gồm chuỗi các can thiệp liên tục phối hợp giữa chương trình Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Chương trình chăm sóc, điều trị HIV/AIDS.
Các can thiệp chủ yếu cho phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, bao gồm: Tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai (PNMT); Dự phòng bằng thuốc kháng HIV cho PNMT nhiễm HIV và con của họ; Tư vấn nuôi dưỡng cho trẻ; Sinh đẻ an toàn; Chăm sóc, điều trị tiếp tục cho mẹ và con sau sinh như, tiếp tục chăm sóc, điều trị HIV tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS và chăm sóc trẻ sinh từ mẹ nhiễm HIV (dự phòng Cotrimoxazole từ 4 tuần tuổi, tư vấn nuôi dưỡng, xét nghiệm chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV ở trẻ khi được 2 tháng tuổi). Đồng thời, điều trị ARV cho trẻ nếu trẻ có kết quả xét nghiệm chẩn đoán sớm dương tính với HIV.
Năm 2009, chiến dịch quốc gia về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con lần đầu tiên đã được phát động trên toàn quốc nhằm đẩy mạnh cách tiếp cận toàn diện cho chương trình này. Sau đó, Bộ Y tế đã chọn tháng 6 hàng năm là Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, để đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông và cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Sau 7 năm liên tiếp triển khai Tháng Cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, đã có sự tăng đột biến phụ nữ mang thai đến tư vấn, làm xét nghiệm HIV, từ đó được phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV và được cung cấp các dịch vụ phù hợp để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã đạt được các tiến bộ đáng kể và đang được tăng cường mở rộng. Hiện nay tất cả các cơ sở sản khoa tuyến tỉnh, thành phố đang cung cấp gói dịch vụ toàn diện phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Toàn quốc hiện nay có 226 điểm cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, bao gồm 2 điểm tuyến Trung ương, 92 điểm tuyến tỉnh, còn lại là 132 điểm tuyến huyện chiếm khoảng 25% số huyện trong toàn quốc. Số cơ sở y tế cung cấp gói dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tối thiểu theo hướng dẫn của Bộ Y tế trên toàn quốc là 561 điểm và 275 huyện.
PV: Xin ông cho biết những khó khăn, thuận lợi của chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hiện nay và cần phải có giải pháp gì để giải quyết khó khăn?
Ông Nguyễn Hoàng Long: Những khó khăn, thách thức lớn nhất đối với Chương trình DPLTMC hiện nay, đó là: hiện nay, tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử vẫn là rào cản cho việc tiếp cận với dịch vụ DPLTMC.
Nhiều cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản, cơ sở sản khoa chưa xác định dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một phần trong gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản toàn diện. Một số cơ sở sản khoa khi dự án dừng hỗ trợ cũng đã không tiếp tục triển khai chương trình DPLTMC.
Bên cạnh đó, nhận thức của cán bộ y tế tại một số cơ sở chăm sóc sinh sản về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm trong dự phòng LTMC cho PNMT còn hạn chế và thường chỉ chú trọng làm xét nghiệm HIV khi thai phụ vào lúc chuyển dạ. Vì vậy, làm hạn chế độ bao phủ và giảm hiệu quả của thuốc ARV trong PLTMC.
Ngoài ra, do hiện nay phần lớn các nhà tài trợ đều cắt giảm nguồn ngân sách hỗ trợ cho xét nghiệm HIV cho PNMT. Chính điều này cũng làm giảm tỉ lệ phát hiện nhiễm HIV ở PNMT.
Khó khăn nữa là, tình trạng phát hiện nhiễm HIV muộn vào lúc chuyển dạ tại một số tỉnh, thành phố làm gia tăng tình trạng trẻ nhiễm HIV từ mẹ. Việc mất dấu sau khi sinh còn cao, dẫn đến việc khó khăn trong theo dõi tình trạng trẻ nhiễm HIV từ mẹ.
Trước những khó khăn trên, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đang từng bước hoàn thiện các hướng dẫn, quy trình chuyên môn để ngày càng cải thiện các hoạt động DPLTMC. Bộ Y tế cũng đã tổ chức các khóa tập huấn để nâng cao năng lực cho các cán bộ trực tiếp làm công tác DPLTMC. Đồng thời, tập trung truyền thông rộng rãi đến cộng đồng để PNMT hiểu được tầm quan trọng của việc phát hiện sớm nhiễm HIV, điều trị HIV cũng như giảm kỳ thị trong cộng đồng và lồng ghép triệt để công tác DPLTMC vào hệ thống y tế sẵn có.
PV: Hiện ngành y tế đang phải đối mặt với khó khăn do nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu dựa vào nguồn viện trợ quốc tế đang cắt giảm mạnh, trong khi nguồn tài chính trong nước chưa kịp bù đắp thiếu hụt tài chính. Xin ông cho biết, việc này có ảnh hưởng như thế nào đối với chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con?
Ông Nguyễn Hoàng Long: Trong bối cảnh nguồn lực quốc tế bị cắt giảm mạnh, một số dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV đã không còn được miễn phí, trong đó có cả các dịch vụ về DPLTMC, tuy nhiên chính phủ cam kết không để thiếu thuốc ARV điều trị cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV và các hỗ trợ này sẽ thông qua hệ thống Bảo hiểm Y tế. Những PNMT thuộc nhóm nguy cơ cao có bảo hiểm y tế, sẽ được tư vấn và thực hiện xét nghiệm HIV miễn phí.
PV: Xin ông cho biết, ngành y tế sẽ triển khai những hoạt động gì nhân Tháng Cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2016 (tháng 6)? Ông có lời nhắn gì nhân Tháng cao điểm?
Ông Nguyễn Hoàng Long: Nhằm thực hiện mục tiêu không còn trẻ nhiễm HIV từ mẹ, Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm phát động Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hằng năm với mục tiêu tăng cường cam kết, huy động nguồn lực trong việc triển khai các can thiệp về DPLTMC.
Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2016 được triển khai từ ngày 01/6/2016 đến ngày 30/6/2016 trên toàn quốc với chủ đề “Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con”.
Trong tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2016, chúng tôi tập trung phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đồng thời, tập trung truyền thông về lợi ích của điều trị bằng thuốc ARV sớm ngay trong những tháng đầu của thai kỳ ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV trong viêc giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Quảng bá, giới thiệu địa chỉ các cơ sở cung cấp các can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẵn có tại địa phương. Linh hoạt áp dụng các hình thức khác nhau phù hợp với từng địa phương như: truyền thông đại chúng, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh sẵn có, tổ chức truyền thông trực tiếp như nói chuyện, tư vấn, thăm gia đình, thảo luận nhóm, tổ chức các đợt truyền thông, tư vấn tại xã, phường, thôn bản...
Chúng tôi cũng chú trọng đẩy mạnh công tác tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, tư vấn và xét nghiệm HIV ngay từ lần đầu khi phụ nữ mang thai đến khám thai tại các cơ sở y tế. Mở rộng tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại tuyến xã. Sử dụng phương pháp lấy mẫu máu thuận tiện như lấy máu đầu ngón tay. Tăng cường hình thức xét nghiệm lưu động tại nơi có tình hình dịch cao; bảo đảm đủ test để xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, đặc biệt là đối tượng có nguy cơ cao.
Ngành y tế cũng tăng cường cơ chế phối hợp, chuyển gửi hiệu quả giữa cơ sở phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV với cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, bảo đảm phụ nữ mang thai nhiễm HIV được đồng thời chăm sóc thai nghén và điều trị bằng thuốc ARV.
Bên cạnh đó, bảo đảm sự sẵn có của thuốc ARV để điều trị cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV và dự phòng nhiễm HIV ở trẻ sinh từ mẹ nhiễm HIV...
Nhân tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tôi xin nhấn mạnh với tất cả các bạn rằng, việc loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con là điều khả thi và có thể thực hiện được. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV có thể sinh ra trẻ không nhiễm HIV khi được điều trị sớm bằng thuốc ARV. Vì vậy, để có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh, phụ nữ mang thai hãy đến các cơ sở y tế để được tư vấn và xét nghiệm HIV sớm và phụ nữ mang thai nhiễm HIV hãy đến các cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị thích hợp.
▪ Thái Lan loại trừ thành công lây nhiễm HIV từ mẹ sang con (09/06/2016)
▪ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị cấp cao LHQ về HIV/AIDS (09/06/2016)
▪ Ðã ghi nhận 2 ca bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản B (08/06/2016)
▪ Nấm ảo giác – tử thần sau những chuyến đi “săn” (06/06/2016)
▪ Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu làm rõ phản ánh "nhân viên y tế cầm một xấp phong bì" (03/06/2016)
▪ Cảnh báo tình trạng thuốc y học cổ truyền có chứa corticoid (01/06/2016)
▪ Bộ Y tế lập trang web đường dây nóng y tế (01/06/2016)
▪ Tiêu hủy hơn 10 tấn sản phẩm nhiễm chì của URC (01/06/2016)
▪ Ăn rau lạ, cả nhà cười nói, la hét (30/05/2016)
▪ Tiếp tục giám sát ổ dịch viêm não do vi rút (30/05/2016)