Biện pháp hiệu quả để phòng ngừa virus HPV
Báo Tiếng chuông - 14/04/2017
Các chuyên gia y tế cho rằng, việc tiêm vaccine là một giải pháp hiệu quả chống nhiễm virus HPV, phòng tổn thương tiền ung thư cổ tử cung tới hơn 90%.

 

Ảnh minh họa

 

Ths, BS. Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cho biết, trên thế giới, cứ mỗi 2 phút có một phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung. Hàng năm, ở Việt Nam có hơn 5.000 trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung với 2.400 trường hợp tử vong, tương ứng với 7 phụ nữ chết và 14 trường hợp mắc mới mỗi ngày.

HPV (human papillomavirus) là một virus nguy hiểm. Đây cũng là nguyên nhân của nhiều gánh nặng bệnh tật, đặc biệt là ung thư cổ tử cung ở nữ giới và mụn cóc sinh dục ở cả hai giới. Chuyên gia cũng nhấn mạnh, virus HPV ngoài lây truyền qua đường tình dục, còn có thể lây truyền qua đường ngoài sinh dục, như sử dụng chung đồ lót, găng tay phẫu thuật, kìm sinh thiết...

Hiện, ở Việt Nam đã có vaccine ngừa HPV phòng nhiễm các chủng HPV 6, 11, 16, 18 (có trong thành phần vaccine). Trong đó, các chủng HPV 16, 18 gây hơn 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung. Các vaccine này có hiệu quả chống nhiễm virus HPV dai dẳng đường sinh dục lên tới 99%, phòng tổn thương tiền ung thư cổ tử cung vừa và nặng lên tới 98%. Ngoài ra, vaccine này còn phòng mụn cóc ở cơ quan sinh dục và ung thư cơ quan sinh dục bao gồm ung thư âm hộ, âm đạo.

Dựa trên bề dày các công trình nghiên cứu về tính an toàn, được nhiều tổ chức y khoa, hội đồng khoa học ở nhiều quốc gia tín nhiệm, vaccine ngừa HPV đã phổ biến ở hơn 130 quốc gia và được đưa vào chương trình tiêm chủng của 66 quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, vaccine ngừa HPV đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng từ năm 2008. Các chuyên gia y tế kêu gọi mọi người cần chủ động tìm hiểu và tiêm phòng sớm.