Cần tập trung các hoạt động dự phòng, điều trị và chăm sóc trực tiếp
Báo Tiếng chuông - 13/03/2017
Để ứng phó với nguồn viện trợ cắt giảm, với số kinh phí Quỹ Toàn cầu đã cam kết đến năm 2020, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đề nghị cần tập trung những hoạt động dự phòng, điều trị và chăm sóc trực tiếp đến người nhiễm HIV, người thuộc nhóm có hành vi nguy cơ cao dễ lây nhiễm HIV.

 

Chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV. Ảnh minh họa

 

Bên cạnh đó, ưu tiên kinh phí mua thuốc kháng virus, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm thuộc diện nghèo và các đối tượng đặc biệt, mua các vật dụng bơm kim tiêm, bao cao su, thuốc Methadone, mua test xét nghiệm phục vụ cho chẩn đoán HIV. Ngoài ra, ưu tiên thực hiện một số mô hình thí điểm điều trị thay thế bằng Buprenorphine và lồng ghép hoạt động truyền thông, tư vấn vào các gói dịch vụ cho người nhiễm HIV.

Bằng nguồn của Dự án Quỹ Toàn cầu, dự kiến giai đoạn 2018-2020 sẽ tập trung triển khai các hoạt động trên tại 32 tỉnh, thành phố có tình hình dịch cao và trung bình, bằng việc phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống y tế công với mạng lưới các nhóm cộng đồng thông qua VUSTA nhằm giảm nhanh và giảm bền vững sự gia tăng người nhiễm mới cũng như đưa người nhiễm vào điều trị.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế phối hợp Quỹ Toàn cầu và đại diện các tổ chức quốc tế xây dựng bản kế hoạch với tính khả thi và hiệu quả cao nhất trong bối cảnh và điều kiện của Việt Nam.

Cả nước đã phát hiện hơn 220.000 người nhiễm HIV, trong đó khoảng 50% số người bệnh đang điều trị thuốc kháng virus (ARV); số thuốc này được cấp miễn phí cho người bệnh bằng nguồn kinh phí tài trợ từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ giảm dần và đến giữa năm 2017 sẽ cắt giảm hoàn toàn. Đây là thách thức lớn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.