![]() |
Bộ tự xét nghiệm HIV - Ảnh: Cục phòng, chống HIV/AIDS cung cấp |
Tất cả người dân đều có thể tự xét nghiệm
Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm, cả nước phát hiện khoảng 254.000 người nhiễm HIV, trong đó có khoảng 12.000 - 14.000 trường hợp nhiễm mới HIV. Trong số những người mới phát hiện nhiễm HIV trong năm 2015, nữ chiếm 34,1%, nam chiếm 65,9%. Con đường lây truyền có sự dịch chuyển mạnh, từ tiêm chích sang quan hệ tình dục (50,8%), tiếp đó là lây qua đường máu chiếm 36,1%, mẹ truyền sang con chiếm 2,8% và không rõ nguyên nhân chiếm 10,4%...
Để sớm phát hiện tình trạng bệnh, lây nhiễm HIV của bản thân, từ đó sớm được tiếp cận điều trị thuốc kháng virus HIV bằng ARV, người dân nên xét nghiệm tự nguyện HIV. Dịch vụ xét nghiệm tự nguyện HIV đã có từ lâu. Trước kia, Hải Phòng cũng đã triển khai dự án này, do Trung tâm Y tế phụ trách, người thực hiện là nhóm vì cộng đồng hoặc người nhiễm HIV. Tuy nhiên, đối tượng xét nghiệm là những người làm việc tại các nhà nghỉ ở Đồ Sơn.
Kết quả ban đầu cho thấy, việc chủ động đi tìm bệnh nhân đã giúp người làm y tế biết được số người mắc bệnh để thực hiện các biện pháp dự phòng, tuyên truyền tiếp theo. Đã có rất nhiều người hành nghề ở Đồ Sơn, sau khi biết bệnh tình chủ động tìm đến cơ sở y tế để được tư vấn, chữa trị hoặc về quê điều trị.
Mới đây, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã khởi động dịch vụ tự xét nghiệm HIV. TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho hay: Xét nghiệm HIV là cách duy nhất để biết một người có nhiễm HIV hay không, tuy nhiên nhiều người vẫn rất ngại đi làm xét nghiệm HIV. Do lo sợ người khác biết kết quả và mặc cảm với xã hội. Với dịch vụ tự xét nghiệm HIV, bất kể ai cũng có thể tự tiến hành xét nghiệm, qua đó biết được tình trạng HIV của mình một cách bí mật, riêng tư và an toàn. Đây là kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc HIV đơn giản, dễ thực hiện, độ chính xác cao, cho kết quả nhanh, chi phí không lớn.
TS. Nguyễn Hoàng Long khẳng định, khi thí điểm thành công, Việt Nam sẽ triển khai mở rộng trên toàn quốc mô hình tự xét nghiệm HIV để tiến tới hoàn thành mục tiêu 90% số người nhiễm HIV trong cộng đồng được biết tình trạng nhiễm HIV của mình.
Khoảng 56.000 người nhiễm HIV chưa biết tình trạng nhiễm
TS Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, hiện nay nước ta có khoảng 110.000 người đã được tham gia chương trình điều trị ARV. Tuy nhiên, theo ước tính của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, vẫn còn có khoảng 56.000 người nhiễm HIV hiện vẫn chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình.
Theo số liệu thống kê, hàng năm có khoảng hơn 2 triệu người xét nghiệm sàng lọc HIV, trong đó khoảng 12.000-13.000 ca nhiễm HIV mới phát hiện. Như vậy, 56.000 người ước tính nhiễm HIV còn đang ở trạng thái ẩn trong cộng đồng, khó phát hiện do hạn chế tiếp xúc với các dịch vụ xét nghiệm HIV truyền thống, cùng với đó là tâm lý lo sợ về sự kỳ thị, cũng như khó khăn trong quá trình tiếp cận với dịch vụ y tế. Vì vậy, phương pháp tự xét nghiệm HIV được triển khai.
Theo đó, có hai loại hình tự xét nghiệm HIV: xét nghiệm bằng cách lấy máu đầu ngón tay và lấy dịch miệng.
Đối với xét nghiệm lấy máu đầu ngón tay. Một bộ xét nghiệm gồm có: 1 que thử, một lọ dung dịch đệm, 1 kim chích máu đầu ngón tay. Người tự xét nghiệm cần sát trùng đầu ngón tay định chích máu. Sau đó dùng kim chích máu ấn dứt khoát lên đầu ngón tay đã chuẩn bị, thao tác với kim rất đơn giản và ít đau, do kim được thiết kế đặc biệt, bảo đảm an toàn sinh học.
Tiếp theo, nhỏ giọt máu vừa chích trên đầu ngón tay bào đầu nhận bệnh phẩm của que thử, sau đó nhỏ dung dịch đệm lên và đợi phản ứng. Kết quả sẽ được đọc trong khoảng 15-60 phút, ngoài thời gian trên sẽ không chính xác.
Với trường hợp xét nghiệm lấy dịch miệng. Trong bộ xét nghiệm có 1 que thử và 1 lọ dung dịch đệm và 1giá đựng dung dịch đệm. Người sử dụng mở bao chứa lọ dung dịch đệm, mở nắp, giá đỡ và mở bao chứa que thử. Lưu ý không chạm tay bào phần phết mẫu. Sau đó, thực hiện lấy mẫu dịch miệng bằng cách ấn mạnh phần phết mẫu vào nướu răng và quệt dọc nướu hàm trên 1 lần, quệt dọc nướu hàm dưới 1 lần. Cắm đầu có vùng phết mẫu của que thử vào trong ống nghiệm cho đến khi chạm đáy ống nghiệm. Người tự xét nghiệm sẽ chờ đọc kết quả sau 20 phút. Không đọc kết quả sau 40 phút.
Tương tự như que thử thai, que thử HIV có hai vạch với chữ C và T. Nếu kết quả xuất hiện cả hai vạch có chữ T và C, người thử đã có phản ứng dương tính đầu tiên. Kết quả chỉ có 1 vạch (chữ C), tức là âm tính với virus HIV. Tuy nhiên, xét nghiệm bằng phương pháp mới này là kết quả sàng lọc ban đầu, để có kết quả chính xác, người thử vẫn phải đến cơ sở xét nghiệm khẳng định HIV để tiến hành xét nghiệm, ở đó có các chuyên gia thực hiện xét nghiệm, vẫn tuân thủ bảo đảm bí mật cá nhân và cho kết quả chính xác.
TS Phan Thị Thu Hương khuyến cáo, trong trường hợp phát hiện nhiễm HIV, người nhiễm sẽ được đưa vào chương trình chăm sóc và điều trị sớm nhất, giúp cho việc khống chế lây lan trong cộng đồng.
▪ Hệ lụy nguy hiểm khi quan hệ tình dục trước 18 tuổi (03/09/2016)
▪ Viêm bàng quang chỉ vì... thủ dâm nhiều (29/08/2016)
▪ Chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án khi nguồn lực cho phòng, chống AIDS hạn chế (25/08/2016)
▪ Hôn người nhiễm HIV có lây bệnh? (22/08/2016)
▪ Những sự thật về cocaine ít người biết (20/08/2016)
▪ Nhung hươu: Tăng cường bản lĩnh phái mạnh (19/08/2016)
▪ Chuyện tình dục: Học từ sách vở hay kinh nghiệm? (19/08/2016)
▪ Những thuốc nhà bạn không thể thiếu trong mùa mưa lũ (17/08/2016)
▪ Có nguy cơ bệnh lý từ tinh trùng hiến tặng? (16/08/2016)
▪ Bệnh nhân AIDS đang điều trị bằng ARV có sự suy giảm miễn dịch túi phổi (13/08/2016)