Gặp người “ngáo đá”, xử lý như thế nào?
Báo Tiếng chuông - 13/09/2016
Hiện nay, khi gặp đối tượng “ngáo đá”, nhiều người thường tò mò tụ tập lại quan sát, bình luận, thậm chí còn quay phim, chụp ảnh, ... Điều này rất nguy hiểm đối với tính mạng vì đối tượng “ngáo đá” đang ảo giác, có thể gây ra bất cứ hành vi nguy hiểm nào cho người xung quanh.
Nam thanh niên "ngáo đá" cầm kéo khống chế người yêu. Ảnh: Internet

 

Ma túy đá có chứa chất dạng Methamphetamine hoặc Amphetamine được tổng hợp từ các hóa chất. Ngoài tác dụng gây “phê” như các loại ma túy "truyền thống": heroin, thuốc lắc; ma túy đá còn gây ảo giác, mất kiểm soát hành vi, người sử dụng sẽ trở nên hung hãn, tinh thần hưng phấn, thần kinh bị rối loạn, mất khả năng làm chủ hành vi.

Từ lúc ma túy đá xuất hiện ở Việt Nam đã có nhiều vụ thảm án mà hung thủ thực hiện trong cơn cuồng loạn như trường hợp một ca sĩ ở Hưng Yên lên cơn “ngáo đá” đã giết người yêu chỉ vì nghĩ cô này là quỷ. Anh ta ảo tưởng cô có lưỡi dài và đang bơm chất độc vào cơ thể mình. Hay nam thanh niên tại Mỹ Đức (Hà Nội) dùng dao đâm trọng thương bố mẹ và em trai sau đó tự rạch bụng mình cắt gần hết ruột non và nhảy xuống ao ngâm mình tự tử.

Ngoài các vụ thảm án trên, nhiều thanh niên phê ma tuý đá đã được lực lượng cảnh sát ngăn chặn kịp thời hành vi phạm tội. Như giữa năm 2015, Lê Thọ Trường (28 tuổi, quê huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) trong cơn phê ma tuý đá cùng nhóm bạn đã leo lên đỉnh toà tháp 11 tầng ở chùa Cót (Cầu Giấy, Hà Nội) đập phá. Sau 3 giờ gây náo loạn, Trường nhảy từ độ cao hàng chục mét xuống phao cứu hộ và bị công an bắt giữ.

Cần bình tĩnh xử lý

Trao đổi với phóng viên, Đại tá Bùi Minh Trung, Trưởng khoa Nghiệp vụ Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy, Học viện cảnh sát nhân dân cho biết, ma túy đá gây ra tác hại nhiều mặt đối với đời sống xã hội như gây hậu quả về nhiều mặt như kinh tế, xã hội, đạo đức, lối sống. Hàng năm, Nhà nước đã phải chi hàng nghìn tỷ đồng dùng để cai nghiện đối với người nghiện ma túy nói chung và ma túy đá nói riêng; nhiều gia đình bị khánh kiệt bại gia; đạo đức xã hội, gia đình bị đảo lộn.

Ma túy đá kích thích rất mạnh đến hệ thống thần kinh trung ương và gây ra ảo giác cho người sử dụng. Vì vậy, những người ngáo đá thường không kiểm soát được hành vi của chính mình. Do đó, khi gặp người bị ngáo đá, người dân không nên tập trung lại tò mò xem hành vi của những đối tượng này bởi càng tụ tập đông người, các đối tượng ngáo đá càng bị kích động mạnh và có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người dân.

Theo Đại tá Bùi Minh Trung, khi gặp những đối tượng ngáo đá, người dân nên tránh xa, tránh tiếp cận đối với những đối tượng này và gọi điện thoại ngay cho các cơ quan chức năng. Kể cả người thân cũng cần có những biện pháp phòng tránh bởi các đối tượng ngáo đá đã sử dụng ma túy tổng hợp thường có nhận thức sai lệch và có những biểu hiện ảo giác, thậm chí không nhận thức được người thân của mình. Nếu ở trong phòng thì người thân nên tránh xa, cất những vật nguy hiểm và khóa cửa lại để tránh họ có những hành vi nguy hiểm đối với những người dân khác xung quanh.

Còn nếu bị đối tượng “ngáo đá” khống chế, đe dọa tính mạng thì người dân cũng hết sức bình tĩnh và tránh có những hành động làm họ hoảng sợ, kích động vì lúc đó khả năng gây án của họ rất cao, hậu quả sẽ khó lường. Theo tư vấn của Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PSD, khi bị người ngáo đá khống chế, hoặc đe doạ đến tính mạng, đó là cần có thái độ thật bình tĩnh, đồng thời phải xác định lúc này cần cuốn theo dòng hoang tưởng của họ. Nghĩa là nếu đối tượng ngáo đá nói “đang có người đuổi theo truy sát…” thì người nhà cần có thái độ rất ân cần, đồng cảm, nói nhẹ nhàng “hãy yên tâm, đã bố trí người cảnh gác cẩn thận, bảo vệ rất chu đáo rồi…”.

Sau khi dòng hoang tưởng bị ngắt quãng, cần lấy đá lạnh chườm lên trán và khắp cơ thể nạn nhân. Khoảng 1 giờ sau, thân nhiệt nạn nhân lúc này đã hạ xuống và họ sẽ khát nước, thèm ăn, cường độ hoang tưởng thưa dần, nạn nhân sẽ thèm ngủ, buồn ngủ.  Đến lúc này nạn nhân mới vừa thoát khỏi cơn “ngáo đá”. Liền sau đó, người nhà nên nhanh chóng đưa nạn nhân đến các trung tâm cai nghiện, giúp họ phục hồi và lấy lại tinh thần.

Đại tá Bùi Minh Trung cũng khuyến cáo ma túy đá rất nguy hại, cần phải ngăn chặn sớm. Gia đình phải có trách nhiệm trong việc giáo dục, bảo vệ con trẻ khỏi tác động của cchất gây nghiện này. Sự hiểu biết còn mơ hồ, hạn chế của gia đình và bản thân giới trẻ là một phần nguyên nhân khiến loại ma túy độc hại này đang xâm nhập và tàn phá một bộ phận thanh niên.

Trong trường hợp người thân có biểu hiện “ngáo đá”, gia đình cần tỏ ra bình tĩnh nhưng kiên quyết quản lý và nhanh chóng đưa đối tượng đến cơ sơ tâm thần để được điều trị và tư vấn. Người mới sử dụng cần sớm đoạn tuyệt với loại ma túy này. Bệnh nhân đã mắc nghiện nên vào các trung tâm để được chữa trị phục hồi chức năng.

“Ngáo đá” không phải là tình tiết giảm nhẹ

Cũng liên quan đến việc người “ngáo đá” đã có nhiều hành vi đe dọa nghiêm trọng đối với xã hội, theo ý kiến của chuyên gia, dưới góc độ luật pháp, “ngáo đá” có thể gây các tội ác tày trời trong tình trạng loạn thần nặng nhưng không phải là tình tiết giảm nhẹ. Pháp luật đã có quy định về trường hợp người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc các chất kích thích mạnh khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự và “ngáo đá” cũng không ngoại lệ.

TS Ngô Văn Vinh - Viện trưởng Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương cho rằng, người  “ngáo đá” có triệu chứng của tâm thần dưới góc độ của khoa học. Nhưng "dưới góc độ pháp luật, “ngáo đá” chính là hậu quả của hành vi sử dụng ma túy gây ảo giác”. Một khi đã xác định đây chính là hậu quả của hành vi sử dụng ma túy gây ảo giác thì phải giám định rất kỹ để đánh giá được việc sử dụng ra sao, mức độ ảnh hưởng thần kinh đến đâu.

Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, ở góc độ y học, sau khi sử dụng Methamphetamine, người  “ngáo đá” có triệu chứng của người mắc bệnh tâm thần, tách rời khỏi thực tại (ảo tưởng) hoặc ảo giác. Còn ở góc độ pháp lý, người “ngáo đá” là hậu quả của hành vi chủ động, không vô thức khi bắt đầu sử dụng chất ma túy (là một loại chất kích thích mạnh), do đó pháp luật hiện hành không coi họ là người mắc bệnh tâm thần và không có cơ sở đề nghị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

Pháp luật chưa có quy định riêng biệt đối với người phạm tội trong tình trạng bị kích thích do nghiện ma túy, do “ngáo đá”, nhưng ở Điều 14 Bộ luật Hình sự đã có quy định chung, người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp người “ngáo đá” phạm tội, cũng tương tự người phạm tội trong tình trạng say rượu hoặc chất kích thích mạnh khác phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đã gây ra.

Khoản 1, Điều 46, Bộ luật Hình sự không quy định tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; Điều 48 Bộ luật Hnh sự không quy định tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng say rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, hoặc người phạm tội có sử dụng chất ma túy. Do đó người phạm tội do “ngáo đá” phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đã thực hiện theo tội danh và hình phạt mà Bộ luật Hình sự đã quy định.