Người mẫu Ngọc Nga - Từ khi lấy chồng chưa bao giờ được ăn Tết ở Việt Nam (ảnh bên)
Cả hai vợ chồng cùng kinh doanh hàng nội thất, gần như cả năm lúc nào cũng bận, chỉ dịp Tết cả gia đình mới có thời gian để nghỉ ngơi. Đó là dịp duy nhất mà chồng tôi về Úc. Thật ra đối với anhNoel và Tết Tây là những ngày lễ rất quan trọng nhưng anh hy sinh vì gia đình, công việc mà ở lại. Anh cũng biết Tết Việt Nam rất thiêng liêng nên có hỏi ý kiến tôi. Nếu tôi muốn thì cả gia đình sẽ ở Việt Nam ăn Tết. Nhưng lấy chồng thì phải theo chồng và hy sinh vì chồng nên cứ 26 Tết là cả nhà khăn gói lên đường. Đến khi trở về thì không khí Tết đã hết, mọi người đã trở lại làm việc rồi nên cả hai cũng lăn vào với công việc.
Người mẫu Kim Hồng - Ông xã tôi rất thích Tết Việt Nam
Ảnh: NĐ |
Gia đình tôi thường ở nhà đón Tết cho đến ngày mùng 2 và sau đó đi chơi xa. Ông xã tôi sống ở Việt Nam khá lâu nên biết nhiều những phong tục của người Việt mình. Trong những dịp như Noel, Tết Tây, chúng tôi hiếm khi ở Sài Gòn, nhưng đến Tết nguyên đán thì nhất định ở Việt Nam đón mừng năm mới. Chồng tôi cũng mê không khí năm mới ở đất Việt. Tuy không dành nhiều thời gian ăn Tết tại Sài Gòn nhưng cả hai vợ chồng đều làm đầy đủ nghi lễ của ngày Tết.
Trước tết anh chuẩn bị đầy đủ quà cáp để biếu gia đình và người thân của vợ. Và những "thủ tục" của người Việt như đi lễ chùa vào ngày Tết anh cũng không quên. Đêm giao thừa cả hai vợ chồng cùng đi hái lộc, sau đó cùng nhau đi chúc Tết. Anh cũng rất tin chuyện may mắn khi giã từ năm cũ bước sang năm mới nên cứ sau giao thừa là tôi luôn nhận được bao lì xì và những lời chúc dễ thương của anh. Tôi thường không dự trữ nhiều đồ ăn cho dịp này. Ngày 30, mùng 1 về ăn Tết cùng bố mẹ, anh em nên không phải chuẩn bị các món ăn ngày Tết. Mẹ tôi biết con rể rất thích ăn chả giò nên trong mấy ngày xuân luôn có món khoái khẩu của anh ấy.
Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu
Ảnh: NĐ |
Alex là người Mỹ đã sống ở Việt Nam nhiều năm và giỏi tiếng Việt nhưng có nhiều chuyện vẫn không hòa hợp được. Năm ngoái, chúng tôi ở Mỹ về và đón Tết tại Thanh Hóa, quê tôi. Sau này Alex bảo: Sau ngày ở Thanh Hóa là sáu ngày buồn kinh khủng. Không có internet, không có cửa hàng cửa hiệu, không gian hẹp và chẳng có chỗ nào để chơi, sáu ngày thành ra rất dài.
Tôi cũng đã đón Tết ở Mỹ, khi đó chuẩn bị sinh Asa, đúng giao thừa, Alex đưa tôi ra một nơi có thể nhìn thấy biển Thái Bình Dương để... nghĩ về quê nhà. Ở Mỹ vào dịp ấy rất nhiều hoa mận: mận hồng, mận trắng nở bạt ngàn, rất đẹp. Lúc đi chơi về, tôi cũng có ngắt một cành mận đem cắm trong bình, hôm sau cánh hoa rụng lả tả, thấy buồn quá nên bỏ đi luôn.
Tôi với Alex hợp nhau ở chỗ cùng không thích những nghi lễ rườm rà của Tết. Trước khi lấy chồng tôi đã thế. Tết là chỉ ru rú ở trong nhà. Hân hoan nhất là dịp sắp Tết, thấy mọi người nô nức đimua sắm, mình cũng đi. Đồ tôi chọn chủ yếu là quần áo cho trẻ con, người già và mấy thứ lặt vặt để mang về quê. Thế mà năm nào cũng túi to túi nhỏ, lỉnh kỉnh như đi buôn chuyến.
Trong những món ăn Tết ở Việt Nam, Alex sợ nhất là thịt gà luộc. Anh bảo chưa thấy món nào nhạt nhẽo như vậy. Và đi ăn uống vào dịp Tết, bị gắp cho miếng thịt gà thì Alex rất buồn, nhưng mà cũng vẫn ăn.
Tết năm nay, vợ chồng tôi dự định sẽ về Thanh Hóa khoảng 3 ngày, sau đó đi du lịch. Thích đi Myanma, không khí chính trị ở đấy hơi căng thẳng, có vẻ nguy hiểm nhưng mà chắc sẽ thú vị. Chúng tôi cũng muốn đi Singapore hoặc một nước châu Á nào đó nhưng có lẽ khó vì ngại đường bay dài. Cho nên khả thi nhất có lẽ là sẽ chọn Campuchia, vì địa lý gần và thủ tục visa không mấy rắc rối.
Nhà thiết kế Kelly Bùi
Ảnh: NĐ |
Chồng tôi là người Trung Quốc và làm việc trong lĩnh vực xuất khẩu may mặc. Từ khi lấy chồng đến giờ năm nào tôi cũng đón Tết ở Trung Quốc. Tôi không thấy có nhiều sự khác biệt so với Tết ở Việt Nam. Một phần có lẽ tại bố mẹ chồng tôi cũng là người hiện đại, các cụ không câu nệ những thủ tục nghi lễ rườm rà nữa.
Trước khi sang Trung Quốc bao giờ tôi cũng đi chọn quà cho bố mẹ chồng. Đều là những món dân dã như giò, bánh chưng, bánh đậu xanh, lạp xưởng... nhưng mang sang đấy lại thành đặc sản. Vì làm thiết kế, tôi cũng đã mấy lần dự định lấy số đo của mẹ chồng để may đồ tặng bà nhưng kế hoạch chưa thành. Giai đoạn này tôi quá bận, đến quần áo của chính mình cũng không có thời gian thiết kế riêng, cửa hàng ra mẫu nào thấy hợp là tôi mặc luôn.
Theo lời kể của chồng, tôi biết ở Trung Quốc hiện giờ vẫn còn nhiều gia đình tuân thủ những nghi lễ Tết truyền thống. Có lẽ chúng tôi ở xa bố mẹ bỏ qua cho khâu ấy. Mẹ đẻ tôi vẫn bảo: "không ai làm dâu sướng hơn con", về nhà mẹ chồng con dâu vẫn ngủ đẫy giấc, tỉnh dậy đã thấy mọi việc tinh tươm.
Tối giao thừa, và ngày mùng Một, người Trung Quốc cũng phải làm cơm để thắp hương nhưng mẹ chồng chưa bao giờ cho tôi cơ hội vào bếp mặc dù bố chồng rất thích các món Việt của con dâu. Ngoài hai bữa ấy ra, chúng tôi chỉ tập trung tại nhà bố mẹ xem tivi, cắn hạt dưa và buôn chuyện. Đến bữa thì ra tiệm. Ở Trung Quốc, người ta mở cửa hàng quanh năm, Tết nhất cũng chỉ thưa người hơn một chút. Rồi có thời gian rảnh nữa thì đi chơi, bên ấy rất nhiều chỗ chơi đẹp, ai có máu chụp ảnh thì tha hồ tạo dáng. Hoa cũng bạt ngàn.
▪ Sân khấu kịch 'hút' ca sĩ, siêu mẫu (12/01/2009)
▪ Dạ tiệc sao (12/01/2009)
▪ Sao nào sẽ tiếp tục tỏa sáng trong năm 2009? (12/01/2009)
▪ Ước nguyện của sao trong năm 2009 (12/01/2009)
▪ "Táo Quân" năm nay có gì mới? (10/01/2009)
▪ Gặp mặt hoa hậu đầu xuân (10/01/2009)
▪ 4 teen cùng đăng quang Hot Vteen 2008 (10/01/2009)
▪ 2008 - năm chào đời 'cục cưng' của 'sao' Việt (10/01/2009)
▪ Hoa hậu Thế giới rạng rỡ tại Nha Trang (09/01/2009)
▪ Tạp chí Mốt không bình luận về giải "phản cảm" (09/01/2009)