Không gian văn hóa cổ xưa giữa lòng đô hội
Các Website khác - 16/09/2005

Giữa bộn bề những lo toan và công việc chuẩn bị cho ngày Thăng Long - Hà Nội tròn 995 tuổi, những người làm văn hoá Hà Nội đang bắt tay thực hiện triển lãm hết sức đặc biệt "Không gian văn hoá gia đình thi thư truyền thống Hà Nội".

Cuộc trưng bày vừa tái hiện lại không gian văn hoá gia đình truyền thống văn hiến thi thư Hà Nội đầu thế kỷ XX, vừa kết hợp trưng bày các hiện vật cổ trên đất Hà Nội của các nhà sưu tầm thể hiện một phong cách chơi đầy tính văn hoá của người Hà thành.

Ý tưởng về cuộc trưng bày đặc sắc ấy đã khởi nguồn từ suy nghĩ sâu xa của những người làm văn hoá Thủ đô: "Nói đến văn hoá Hà Nội, chúng ta không thể không nhắc tới người Hà Nội, những người trực tiếp sống và gắn bó với Thủ đô mà thành quả sáng tạo của họ đã góp phần tạo nên nét văn hoá đặc trưng của Hà Nội.

Con người Thăng Long chính là sự hợp lưu của con người từ nhiều vùng miền của đất nước mà môi trường văn hoá lý tưởng đất kinh kỳ đã cải biến phong cách của họ thành những con người Thủ đô hào hoa, thanh lịch. Chính vì vậy, những thứ do người Hà Nội sáng tạo ra đều thể hiện sự kết tinh, chắt lọc tinh hoa văn hoá từ các địa phương khác.

Các đồ dùng từ những nơi khác qua óc thẩm mỹ và tư duy sáng tạo của người Hà Nội không chỉ đơn thuần có giá trị sinh hoạt mà còn mang cả giá trị văn hoá, giá trị tinh thần. Tinh hoa của người Hà Nội không chỉ có trong cốt cách, tinh thần mà còn thể hiện trong cuộc sống và trong sinh hoạt...".

Chính vì thế mà những người trực tiếp làm muốn thể hiện bằng được điều đó qua phong cách trang trí, sắp xếp trong sinh hoạt của một gia đình người Hà Nội, từ cách bố trí nội thất cho đến việc thờ cúng, tiếp khách, ăn uống. Ngay cả trong cách chơi, thú vui giải trí của người Hà Nội cũng hàm chứa tính văn hoá được cô đọng, chắt lọc từ các nơi, nó định ra giá trị văn hoá đặc trưng riêng trong bản sắc độc đáo của Thăng Long - Hà Nội.

Không gian của nhà thông tin triển lãm 45 Tràng Tiền đã được chọn để cái không gian văn hoá cổ xưa kia có thể hiện diện nổi bật giữa lòng đô hội. Không thể dựng lại nguyên mẫu toàn bộ ngôi nhà cổ hình ống của một gia đình nho học truyền thống Hà Nội ở nửa đầu thế kỷ XX nên người ta tạo những không gian mở để người xem dễ dàng cảm nhận.

Phần trung tâm dành tái hiện phòng khách với bộ sa lông cổ chạm khảm, mặt đá làm nơi tiếp khách, trên bàn để bộ đồ trà. Hai bên vách phía trong có mắc áo song tre và ống nhổ to bằng đồng. Phía trong có tủ chè, sập gụ chân quỳ cổ, chạm khảm. Tường hậu treo cuốn thư và câu đối quả dưa. Hai bên tủ chè có độc bình to cao và choé sứ đặt trên đôn cao. Nóc tủ bày Tam đa, tượng trang trí, đồ cổ, trong tủ có bát đĩa cổ.

Cạnh phòng khách là gian thờ với bát bảo cắm trên giá gỗ, hương án bày sát trong, trên tường hậu treo đại tự, câu đối, có cửa võng hoặc y môn, màn điều treo vén giáp cạnh ngoài. Hương án bày đồ thờ gồm cỗ ỷ, bài vị, bậc tam cấp đặt đài rượu, bình hương hoa, giấy thờ (bằng gỗ sơn son thiếp vàng), đôi lọ, bộ ngũ sự, hai bát hương sứ, giá chuông con.

Bên ngoài hương án kê sập ngai kệ chạm bao kín bốn bề, sơn son nâu hoặc sơn then. Tường bên trang trí hai bức chân dung truyền thần của gia chủ, tứ bình dân gian. Phía bên phải của phòng khách sẽ là khoảng không gian của thư phòng và nơi dạy học.

Phía ngoài kê bộ tràng kỷ gỗ chạm khảm hoặc tre trúc làm nơi bình thơ văn, đôi lúc ngâm thơ phục vụ người xem. Bên cạnh là các tủ sách, giá sách Hán Nôm, báo Nam Phong, một số sách Tự lực văn đoàn, Tân Dân, Mai Lĩnh..., truyện nôm Quảng Văn Ðường, Tam Tự Kinh, Kinh thi...

Bên trong trải chiếu làm chỗ học trò ngồi học chữ Nho, trong cùng là án thư và ghế tựa cho thầy đồ. Trên án thư có tráp sách, giấy Tô, giá nghiên mực Tầu, nghiên son, ống bút Nho... Trên tường treo tranh Lý ngư vọng nguyệt, thư pháp chữ Tâm. Phía sau lưng thầy treo nón dứa, quạt lông hai bên, giữa trang trí quạt mỹ nghệ to vẽ hoa cúc...

Người ta còn bố trí cả ở đây không gian của sân trước, sân sau, buồng ngủ chủ nhân, phòng con trai, con gái, khu bếp, khu phụ. Cả khoảng không gian trên tầng 2 được dành để trưng bày chuyên đề "Ðồ dùng gia đình người Hà Nội và cổ vật".

Sẽ có mặt ở đây các nhóm sưu tập tinh tế không chỉ về đồ dùng gia đình mà còn là các cổ vật được sưu tầm. Bởi như những người trực tiếp làm nói: "Một trong những thú chơi mang chiều sâu văn hoá của người Thủ đô chính là việc sưu tầm cổ vật, cách bày biện, trang trí đồ vật trong nhà, cách giữ gìn, cách đọc và bảo quản sách".

Triển lãm này thể hiện một trong những thú chơi mang chiều sâu nội tâm độc đáo của người Hà Nội qua cách sưu tầm, chọn lọc và sắp đặt hiện vật cổ. Qua đây, du khách trong và ngoài nước có thể tìm hiểu thêm về văn hiến thi thư đầy tính văn hoá truyền thống của người Hà thành.

Các nhà khoa học lịch sử và các nhà nghiên cứu về văn hoá dân tộc và Hà Nội như giáo sư Lê Văn Lan, nhà nghiên cứu Giang Quân, Nguyễn Vinh Phúc..., các nhà sưu tầm hiện vật cổ Hà Nội đã được mời đến hỗ trợ cho cuộc trưng bày đặc sắc này. Ý tưởng thật hay nhưng công sức bỏ ra cho nó quả thật không đơn giản.

Theo Kinh tế & Đô thị