Làm quen hai gương mặt nữ đoạt giải cao nhất
Hồng Hạnh: mọi thứ dường như chỉ mới bắt đầu
Thế nhưng ít ai biết trước khi bước vào làng văn, làng báo, cô gái mỏng mảnh ấy đã từng là giáo viên dạy văn với sáu năm trong nghề tại quê hương Sóc Trăng của mình. “Học trò tôi năm nào cũng có đứa dự thi học sinh giỏi văn và đoạt giải!” - Trần Thị Hồng Hạnh khoe, với nụ cười rất hiền hòa, tươi tắn mà vẫn đượm chút âu lo.
Cô sinh năm 1978, từng viết bài cộng tác với các báo Tuổi Trẻ, Sài Gòn Giải Phóng... trước khi thử sức với nghiệp văn chương. Bài học đầu tiên - tác phẩm đoạt giải - kể về những va vấp đầu đời của một cô giáo mới ra trường nói riêng, nỗi băn khoăn, day dứt của tầng lớp trí thức trẻ nói chung, với những khát khao đóng góp và thực trạng đời sống xã hội đã bào mòn ý chí cùng những ước mơ, hoài bão tươi non của họ. Liệu rồi những người trẻ ấy có vượt qua được hay không trước ngưỡng các thử thách đôi khi khá khắc nghiệt đối với kinh nghiệm sống hãy còn hạn chế của họ? Bao nhiêu người vượt được, bao nhiêu kẻ quị ngã? Những người đứng lên được sẽ mất gì, còn lại gì?
Bài học đầu tiên được viết theo lối tự sự bằng những dòng suy tưởng miên man, chân thật như nhật ký, như có “lửa” ở bên trong từng câu chữ giản dị.
Trần Thị Hồng Hạnh hãy còn rất trẻ, mọi thứ đối với cô dường như chỉ mới bắt đầu, mà con đường văn chương thì luôn luôn dằng dặc và... khó nói! Chúc cô gái tân khoa mãi giữ được sự tươi nguyên, trong trẻo và giữ được lửa cùng sự vững vàng trong ngòi bút của mình, dẫu trên bước đường văn chương hay báo chí.
Ngọc Hường: thường cố gắng không làm những gì không thích
Ngọc Hường là một cây bút khá đặc biệt trong “mùa giải” kỳ này. Phù phiếm truyện được đa số thành viên trong ban tuyển chọn và ban chung khảo đánh giá cao về sự bứt phá trong phong cách và sắc sảo trong tư tưởng, một ngòi bút với ngồn ngộn vốn sống, ngồn ngộn tri thức, rất nhiều hứa hẹn về một thế hệ viết văn trẻ VN với sức bật, sức bền xứng tầm với sự phát triển về mọi mặt của một xã hội đang từng bước đi lên.
Ngọc Hường sinh năm 1978, tốt nghiệp ĐH Ngoại thương Hà Nội năm 2000, sau đó sang Mỹ du học thạc sĩ về truyền thông, hiện đang học tiếp tiến sĩ ngành xã hội học tại ĐH Chicago.
Khá bất ngờ trước giải thưởng, từ Mỹ Ngọc Hường tâm sự: “Văn chương là cái duy nhất mà tôi có thể chọn để trải lòng mình trong những năm tháng đi xa. Tôi thường nghĩ ra thật nhiều thứ để viết, còn nó có giá trị thật sự đến đâu thì độc giả sẽ cho câu trả lời. Cuộc thi này đối với tôi mới chỉ là một sự khởi đầu, tôi sẽ còn viết tiếp. Tôi thường cố gắng không làm cái gì mình không thích, còn những gì đã thích tôi làm hết trách nhiệm, hết khả năng có thể, thành công hay không lại là một chuyện khác. Tôi đang học được phần nào tác phong chuyên nghiệp - chuyên nghiệp, không phải theo nghĩa làm cái gì đó như nghề chính, mà làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đạo đức làm việc cao nhất và hiệu quả cao nhất có thể, với tâm thái của một người đang “vật lộn” - như trong Phù phiếm truyện có đề cập”.
SONG PHẠM
▪ O. Bloom và J. Aniston được mong xuất hiện trên chat room nhất (29/08/2005)
▪ Lưu Đức Hoa trở thành nhân vật truyện tranh (29/08/2005)
▪ Đầu tượng sáp của Mozart bị đánh cắp (29/08/2005)
▪ Đưa Eragon - cậu bé cưỡi rồng lên màn ảnh (29/08/2005)
▪ “Anh em nhà Grimm” thua “Trai tân 40 tuổi” (29/08/2005)
▪ MTV Video Music Awards: Rock thăng hoa! (29/08/2005)
▪ NSND Hải Ninh: Thời gian là thước đo giá trị của bộ phim (29/08/2005)
▪ Triệu Vy và Chương Tử Di chia nhau ngôi “Ảnh hậu” (29/08/2005)
▪ CLB nhiếp ảnh Quê Hương tròn 10 tuổi (30/08/2005)
▪ Phát hiện trống đồng cổ tại Mường Khoa (26/08/2005)