Lê Vũ Long thích sự sòng phẳng
Các Website khác - 09/01/2006

Khó có thể hình dung Lê Vũ Long, một gương mặt đẹp của điện ảnh Việt Nam lại xuất hiện ngoài phố trong một chiếc áo màu thợ điện và chiếc quần short ngắn cũn.

Nhưng anh đã xuất hiện như vậy, rồi đi gặp phóng viên ngay sau một buổi tập mệt nhọc, mặt còn lấm đầy bụi bẩn lẫn mồ hôi. Và câu chuyện về anh bắt đầu. Bắt đầu từ một nhánh của câu chuyện khác...

Lê Vũ Long vào trường múa Việt Nam, tập ballet cổ điển hơn chục năm trời. Nghề múa thoạt trông thì sang trọng, lộng lẫy nhưng độc hại ngang với công nhân hầm lò. Đã thế tuổi thọ lại ngắn, đầu ra gần như bằng không, diễn viên múa thường phải đi chạy show mà Long thì chẳng biết làm gì khác ngoài đóng phim và múa. Đã có lúc, khi mới lập gia đình, cuộc sống quá khó khăn khiến Long muốn quay qua làm đạo diễn, biên đạo múa và chạy show các nhà hàng, nhưng rồi thấy không phải là mình nên lại thôi, chấp nhận cuộc sống đạm bạc nhưng thanh thản.

Trích đoạn vở múa Chuyện của chúng mình, đạo diễn Lê Vũ Long. Ảnh: A.V.

Long nổi tiếng, ít nhiều người ta nhớ bởi anh là con trai diễn viên Lê Dũng Nhi, tướng cướp Năm Sài Gòn lẫy lừng một thời của Bỉ vỏ. Và Long đóng phim, các vai diễn trong Xin hãy tin em, Mùa hè chiều thẳng đứng, Của rơi, Những người thợ xẻ, Người đàn bà mộng du khiến người ta nhớ tới anh như một diễn viên điện ảnh nhiều hơn một diễn viên múa. Vào thời buổi người ta đến sân khấu để xem ngôi sao hát nhạc pop và xem tấu hài rồi cười thả ga, thì thật khó khăn để thuyết phục được họ đến nhà hát xem ballet cổ điển với những khuôn thức bắt buộc và đôi khi trở nên cũ mòn. Long đi đóng phim, thành gương mặt nam hiếm hoi của điện ảnh Việt được lòng cả khán giả lẫn giới chuyên môn.

Ai cũng nghĩ Long sẽ bỏ nhà hát, bỏ múa để tới phim trường, bây giờ cứ xuất hiện trên truyền hình nhiều là nổi tiếng, là thành sao hết, kiếm sống cũng dễ dàng hơn. Hơn thế, Long còn có cơ hội đóng phim nước ngoài, dễ vinh danh thế giới, tiếng tăm vượt ngoài đường biên. Nhưng bỗng dưng anh im lặng, im lặng đến mức những người thân của anh cũng phải ngạc nhiên. Long cười: "Ai cũng nghĩ tôi thành ngôi sao và bắt đầu chảnh, hạch hỏi cát-xê và muốn đóng vai lớn. Nhưng kỳ thực, chẳng có kịch bản nào gửi đến, có ai mời đâu mà chảnh với chọe". Long đang... nói dối, anh đã có rất nhiều lời mời, thậm chí cả phim Lục Vân Tiên dài tập của TFS mãi ở TP HCM anh cũng không nhận. Long từ chối hết để tập trung vào múa, cái nghề mà anh đã bỏ cả thời niên thiếu, bỏ mọi vui thú của thời thanh niên, không rượu bia, quán xá, không biết hơi khói của sàn nhảy và hơn hết thảy là anh đã dồn tâm sức cả hai chục năm cho chỉ một thứ việc, không lý gì lại rời bỏ để đuổi theo một thứ không được đào tạo bài bản.

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 14 tại Đăk Lăk khai mạc buổi tối, buổi chiều Long vẫn còn lăn lộn trên sàn tập rồi quáng quàng ra sân bay, để rồi có cô phóng viên tinh mắt phát hiện hỏi luôn: "Anh xuất hiện tại LHP khá luộm thuộm, cho thấy sự sa sút phong độ của một diễn viên hàng đầu, anh có thấy nuối tiếc ngày tháng vàng son?".

Long thành thật đến bất ngờ, múa nó mệt như anh cửu vạn, nhem nhuốc lắm chứ chẳng sạch sẽ gì. Tập múa ngày 8 giờ, mồ hôi đầm đìa, làm sao để có thể đẹp như tài tử xi nê? Anh đã tập đều đặn như thế mỗi ngày, hơn 20 năm, có những dịp tập căng lên tới 16 giờ. Bây giờ thì tuổi nghề của diễn viên, Long đã... xuống xề rồi, các khớp xương đã nhức mỏi vì cường độ làm việc quá cao trong thời gian dài. Tuổi của anh không phải dành cho ballet nữa, anh muốn giải phóng mình qua múa đương đại.

Bạn bè hay đùa rằng vợ chồng anh ngủ cùng giường, sống cùng nhà, đi cùng một chiếc xe, tập cùng một sàn và lĩnh lương cùng một thủ quỹ. Thu Lan kém nổi tiếng hơn chồng, dù khi Long còn đang rất... âm thầm thì Lan từng là soloist nhiều năm của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, đảm nhiệm những vai chính đầy gian khó. Lan học ballet ở Nga, nhưng giờ đã không còn phù hợp với vai trò soloist vì ballet cổ điển là một thứ nghệ thuật nghiệt ngã tới mức, sau khi sinh con xong thì đam mê lớn tới đâu người nghệ sĩ cũng khó duy trì được kỹ thuật đỉnh cao cho những vai diễn chính.

Lan tự nguyện làm cái bóng xinh đẹp nhưng rất được việc kề bên, giúp chồng trong những chuyến lưu diễn và cùng chồng dàn dựng Chuyện của chúng mình ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Hai đêm với nhiều lời khen và mang lại những cảm xúc mới mẻ cho khán giả. Chuyện của chúng mình giống như câu chuyện tại khu chung cư, ở đó có tất cả mọi người, mọi thành phần, có tình yêu và lòng thù hận, có những mối tình khác giới và đồng giới, nhưng trong đó toát lên là sự đồng cảm của con người trước những số phận không may mắn, số phận của những người bị AIDS. Họ đã kỳ công chọn một cô văn công đang có AIDS đưa lên sàn tập trong một vai chính, có vị trí như người dẫn dắt câu chuyện và đó như một thông điệp mạnh mẽ nhất của việc chống kỳ thị bệnh nhân AIDS. Nếu như Ea Sola đưa những nông dân lên sân khấu múa đương đại thì Lê Vũ Long đã đưa những người khiếm thính thành những diễn viên múa thực sự. Trên sân khấu Chuyện của chúng mình với những dàn đèn chớp nháy liên tục, những mảng decor mạnh mẽ, các diễn viên khiếm thính cùng Lê Vũ Long xuất hiện, tất cả cùng lộng lẫy và có sự cộng hưởng của cảm xúc trong từng động tác.

Tổng thu nhập hằng tháng của vợ chồng Long là 1,6 triệu đồng, Lan sẽ phải tính ra tiền ăn, tiền gửi con, tiền xăng xe và nhiều thứ tiền khác trong số lương khiêm tốn ấy. Nhưng Long vẫn uống cà phê đen, vẫn hút thuốc trong cái quán nhỏ xíu trước nhà hát mỗi buổi trưa và bảo, thế mà không hiểu sao vẫn đủ sống, chứ cứ nghĩ đến lương là mình lại thấy sợ và không còn làm được gì.

Long không thích đi chơi bên ngoài, có vài người bạn thân thi thoảng rủ nhau về nhà ngồi tán chuyện, ăn cơm, chẳng bao giờ đặt chân đến vũ trường, quán bar. Cũng thấy hơi băn khoăn, lo ăn lo mặc thì cũng lo được, nhưng bây giờ lỡ mà xảy chuyện thì không biết trông vào đâu và xoay xở thế nào. "Thế thì những vở múa của anh sinh ra từ đâu?". "Từ cái đầu chật hẹp này cả. Vì tôi sòng phẳng", Long bảo thế.

(Theo Người Lao Động)