Maritta Nurmi - nữ họa sĩ Phần Lan đến từ VN
Các Website khác - 20/09/2005

Maritta Nurmi - nữ họa sĩ Phần Lan đến từ VN

"Không đề 1" - tranh Maritta Nurmi
"Hoa sen" là tên cuộc triển lãm mỹ thuật VN lớn nhất từ trước tới nay tại Phần Lan, do ba bảo tàng nghệ thuật lớn của nước này phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật VN thực hiện. Người có đóng góp lớn cho việc tổ chức cuộc triển lãm, hiện đang được lưu bày tại các thành phố lớn của Phần Lan, là Maritta Nurmi. Bà là nữ nghệ sĩ người Phần Lan sinh sống ở VN suốt 13 năm qua.

Bà cũng là một trong bảy hoạ sĩ đến từ VN được giới thiệu trong triển lãm này, bên cạnh Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Minh Thành, Lê Quốc Việt, Lê Hồng Thái, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Thị Trinh Lê. Vừa trở về Hà Nội, Maritta Nurmi đã có cuộc trò chuyện.

* Thật đáng ngạc nhiên khi một người Phần Lan như bà lại trở thành đại diện cho mỹ thuật VN triển lãm ở chính Phần Lan?

- Thì đúng là tôi đến từ VN mà.

* Trước khi sang VN, bà đã từng học về nghệ thuật?

- Tôi tốt nghiệp Viện Nghệ thuật Turku (Turku Academy Of Art). Khi đó, tôi gần 40 tuổi rồi. Tôi bắt đầu với nghệ thuật muộn quá,... Đã có lúc tôi không biết theo đuổi nghề gì, không biết cái gì phù hợp với mình nên cứ muộn màng thế đấy. Trước đó, tôi tốt nghiệp cao học về ngành sinh học. Giá mà cứ theo ngành sinh học thì bây giờ tôi đã giàu to.

* Bà không nuối tiếc thật sự đấy chứ?

- Thành thật mà nói, đến tận bây giờ, tôi chẳng có gì cả. Nhà thì ở thuê, gia đình riêng của chính tôi cũng không, chỉ có gia đình riêng của anh trai ruột cùng gia đình lớn của chị dâu người Việt là thứ quý giá nhất của tôi ở đây thôi.

* Thế còn nghệ thuật?

- Tất nhiên, tôi có nghệ thuật của mình, nhưng đó là chuyện khác. Tôi sang VN năm 1993, vì anh trai tôi muốn tốt sang giúp anh chị trông nom quán bar nhỏ của gia đình. Tôi làm bán thời gian, còn lại tôi học về kỹ thuật làm sơn mài tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội, cùng thời gian với bộ ba họa sĩ nổi tiếng Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Quang Huy và Nguyễn Văn Cường.

Tôi đã nghĩ đến việc làm sơn mài trên khung toile và năm 1994, tôi tự bỏ tiền thuê phòng làm triển lãm cá nhân tại gallery 43 Tràng Tiền, Hà Nội. Khi ấy, triển lãm của tôi quả là một chuyện đáng bàn, vì số người nước ngoài sinh sống ở VN khi đó ít lắm, làm nghệ thuật thì càng ít. Sau đó, tôi về nước nhưng chỉ được một thời gian, anh trai tôi lại muốn tôi sang...

* Và bà lại nhận lời vì chưa có gì ở trong nước có thể níu kéo bà?

- Tôi còn biết làm gì hơn được nhỉ... Và tôi quý hai đứa cháu ruột lắm. Nhưng khi quay lại VN, tôi phải trải qua một thời gian dài không khác gì ở tù. Tôi quanh quẩn trong quán bar, rồi về nhà, loay hoay mãi với kỹ thuật làm sơn mài trên toile nhưng mãi mà chất lượng không khá hơn. Thỉnh thoảng, khách quán bar biết tôi vẽ tranh, có người cũng mua nhưng mà chẳng đáng kể gì...

* Nhưng rồi bà vẫn kiên trì với nghệ thuật để giờ đây người ta có thể thấy, nhờ "khổ luyện " mà bà đã thành công?

- Tôi bị hội họa thu hút có lẽ cũng vì tôi cảm thấy mình bị thách thức khi thất bại trước nó. Tôi làm việc cật lực rất nghiêm túc với trái tim của mình trong niềm hy vọng mọi điều sẽ tiến triển hơn. Và càng vẽ, tôi càng cảm thấy mình được tĩnh tâm, thấy lòng mình ấm áp trở lại . Đôi khi tôi còn mơ mộng là tôi sẽ giúp người khác cũng được tĩnh tâm như vậy...

* Nghĩa là có một chút tinh thần nhà Phật, như tâm sự của bà trong một triển lãm tại salon Natasha?

- Vâng, đó là ảnh hưởng lớn từ cuộc sống ở Hà Nội đối với tôi. Tôi có một gia đình ruột thịt với anh trai, chị dâu, các cháu và nhất là gia đình của chị dâu tôi. Cuộc sống ở đây êm ả, và thoải mái lắm. Tình cảm gia đình khiến cho mọi vấn đề hay khủng hoảng trở nên nhẹ nhàng hơn.

* Bước ngoặt đầu tiên trong quá trình làm nghệ thuật ở Hà Nội của bà là gì?

- Năm 1998, sau những liên hệ của tôi với Đại sứ quán Phần Lan, người đại diện về quan hệ văn hóa ở đó, cũng là một người rất có thiện cảm với mỹ thuật VN, đã bắt đầu xúc tiến một kế hoạch triển lãm toàn bộ không gian salon Natasha tại một số thành phố lớn của Phần Lan, trong đó có thủ đô Helsinki.

Bản copy khung cảnh salon rất VN mà cũng rất đương đại đó được bày giữa lòng châu Âu đã đem lại một ngạc nhiên và xúc cảm lớn cho công chúng Phần Lan. Tôi cũng có tranh bày trong đó và giới nghệ thuật Phần Lan bắt đầu biết đến tôi nhiều hơn...

Đặc biệt nhất là nhờ triển lãm này, sau mấy năm trời, tôi mới được về nước, mà lại về bằng vé máy bay chính phủ đài thọ mới sướng chứ... Sa lon Natasha cũng chính là nơi bắc cầu cho tôi một số quan hệ với các gallery nước ngoài, tôi bán được tranh và dần dần, rút khỏi công việc ở quán bar của anh trai.

* Bây giờ, bà không những sống được mà còn sống thoải mái nhờ bán tranh nữa chứ? Cái cảm giác "như ở tù" trong bà đã hết chưa?

- Tôi nói đùa thôi mà. Đúng là bây giờ, tôi sống tốt hơn trước nhiều. Tôi đã thuê được một ngôi nhà rộng rãi hơn, đã có tiền để về nước khi nào cần. Vừa rồi, tôi về theo triển lãm Hoa sen là bằng tiền túi đấy chứ.

* Liệu có khi nào việc vẽ tranh để bán khiến bà cảm thấy nghệ thuật rồi cũng có lúc trở nên tẻ nhạt không?

- Tôi không bao giờ lặp lại mình chỉ vì muốn bán tranh. Tôi lúc nào cũng làm việc nghiêm túc với tất cả trái tim mình. Tôi đặt trái tim tôi vào đó thì không bao giờ sợ tẻ nhạt. Thật đấy. Cuối cùng, nói thật với bạn là tôi chẳng có gì là tài sản đâu, trừ tình cảm gia đình và tiền vừa đủ chi tiêu cần thiết. Không có dự trữ, không có nhà riêng, rất ít bạn bè nên kết cục, chị dâu tôi bảo: Tôi chẳng khác nào một người Mông lơ ngơ giữa Hà Nội.

Theo Thể thao và Văn hóa - ND