VN gia nhập hai công ước quan trọng
Các Website khác - 19/09/2005

Ngày 26-8-2005, Chủ tịch nước Trần Ðức Lương ký Quyết định số 957/2005/QÐ/CTN về việc "Gia nhập Công ước UNESCO 1970 về Các biện pháp ngăn cấm xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa và Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể".

Sự ra đời của "Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa" là một công cụ pháp lý quan trọng để cộng đồng quốc tế nói chung và các nước thành viên tham gia công ước nói riêng có thể hạn chế, tiến tới ngăn chặn việc buôn bán trái phép tài sản văn hóa.

Khi đã trở thành thành viên của công ước, VN buộc phải thiết lập những cơ quan mang tính quốc gia về bảo vệ di sản văn hóa với đội ngũ nhân viên có năng lực cao và đủ về số lượng nhằm thực hiện các chức năng khác nhau được quy định trong công ước. Chúng ta cũng phải điều chỉnh những quy định và luật pháp quốc gia (về lĩnh vực tài sản văn hóa) theo tinh thần của công ước.

Tuy nhiên, chúng ta có đầy đủ quyền để quyết định chấp nhận những biện pháp và bảo đảm biện pháp được chấp nhận đó phải phù hợp hệ thống pháp lý quốc gia. Từ đây, VN cần tăng cường và mở rộng hơn nữa các phương thức hợp tác quốc tế, vì rằng "hợp tác quốc tế là một trong những biện pháp hiệu quả nhất nhằm bảo vệ tài sản văn hóa của mỗi nước tránh khỏi nguy cơ cạn kiệt nguồn di sản văn hóa". VN và các nước tham gia công ước phải cam kết và hỗ trợ lẫn nhau chặt chẽ hơn nhằm thực hiện tốt những mục tiêu mà công ước đã đề ra.

Trong khi đó, dù ra đời muộn hơn, nhưng Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể cũng đã đánh dấu một bước tiến mới, một cách nhìn nhận mới, thấu đáo và toàn diện hơn về di sản văn hóa. Với nhận thức: Văn hóa phi vật thể (VHPVT) "như là động lực chính của đa dạng văn hóa và là một bảo đảm cho sự phát triển bền vững", là "yếu tố đưa nhân loại xích lại gần nhau hơn và bảo đảm sự giao lưu và hiểu biết lẫn nhau", UNESCO đã thông qua Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ngày 17-10-2003, trong phiên họp 32 của Ðại hội đồng.

VN sẽ tham gia bảo vệ di sản VHPVT ở cả hai cấp: Quốc gia và quốc tế. Ở cấp quốc gia, VN phải thực hiện những biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm cho công tác bảo vệ di sản VHPVT có hiệu quả như: Nghiên cứu, tư liệu hóa, nhận diện, củng cố, gìn giữ, bảo tồn, chuyển giao, phát huy, đặc biệt là thông qua những hình thức giáo dục chính thức hay không chính thức cũng như việc phục hồi các khía cạnh khác nhau của loại hình di sản này.

VN cũng cần lập một hay một số bản thống kê những di sản VHPVT trên lãnh thổ của mình và có những báo cáo thường xuyên cho Ủy ban Liên chính phủ về Bảo vệ di sản VHPVT. Trên cơ sở đó, VN cần xây dựng và lập hồ sơ khoa học những loại hình VHPVT tiêu biểu để đệ trình lên Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản VHPVT xem xét ghi vào Danh sách những di sản VHPVT tiêu biểu của nhân loại hay Danh sách các di sản VHPVT cần phải được bảo vệ khẩn cấp.

Là công cụ pháp lý quốc tế cần thiết, làm cơ sở cho các nhà hoạch định chính sách văn hóa nghiên cứu, xây dựng chiến lược và chính sách giữ gìn bản sắc văn hóa trong quá trình hội nhập quốc tế, do đó VN tham gia công ước này nhằm góp phần tạo điều kiện để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản VHPVT, từ đó bảo đảm cho sự đánh giá đúng mức và huy động sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Theo Nhân Dân