Thế giới game online - Kỳ cuối: Game thủ "đại gia"
Các Website khác - 14/06/2008

 

Một game thủ ngủ ngay trước máy tính sau những đêm thức trắng “cày” game. Ảnh: TRẦN HUỲNH
Long, một game thủ thuộc hàng cao thủ, nói: "Những người thích chơi mà không có thời gian luyện hay không thích phí thời gian để ngồi chơi thì bung tiền đầu tư cho những tay chơi "pro" luyện cho "con" của mình càng mạnh, trang bị hàng "khủng" với mong muốn nó trở thành một võ lâm cao thủ hay hơn nữa là bá chủ võ lâm!".

>> Kỳ 1: Bùng nổ game bạo lực
>> Kỳ 2: "Phiêu bạt giang hồ"

"Đại gia" và game thủ "chơi cơm gạo"

Hè về là dịp các "đại gia" chạy đua kiếm những game thủ điêu luyện để "cày" cho mình những nhân vật mạnh nhất. Có cung ắt có cầu, ngày càng nhiều tay nghiện game phục vụ các "đại gia". Người trong giới game online thường gọi cách chơi 24/24g là "chơi cơm gạo".

Một buổi chiều đầu tháng 6-2008, chúng tôi ghé tiệm net trên đường Đinh Tiên Hoàng (Bình Thạnh, TP.HCM), hàng chục game thủ đang mê mệt trước màn hình. Chiếc xe Camry bóng lộn đỗ xịch trước cửa, một người đàn ông chừng hơn 40 tuổi mặc quần cộc, áo thun đẩy cửa bước vào. Một vài game thủ đang "luyện" ngước nhìn. "Chào anh Đ.! Lâu quá mới gặp, con của anh cấp mấy rồi?" - một game thủ lên tiếng.

"Chơi MU chán, tao chuyển qua chơi Võ lâm. Giờ giao cho tụi bây con Võ Đang level 5x vừa mua, luyện hai tháng lên 16x, tao thưởng hai "vé”, còn dưới hai tháng thì cho ba "vé” luôn. OK?" - Đ. tuyên bố. Gương mặt phờ phạc do thiếu ngủ của game thủ T. tỉnh ráo hẳn ra: "Nhưng anh có tính sắm đồ cho nó không?". Không suy nghĩ, Đ. móc bóp nói: "Ừ, tụi bây cứ coi giùm, "cây" dưới hai "vé” thì sắm thoải mái. Đây, anh đưa trước một "vé” nè!".

Lân la hỏi chuyện các "bạn hữu võ lâm", chúng tôi được biết Đ. là chủ doanh nghiệp bao bì ở tận Hóc Môn. Trước đây, Đ. chơi MU online, từng bỏ hàng chục triệu đồng để "nuôi" con DK (Chiến binh) "khủng" của mình bằng cách giao account cho các game thủ ở tiệm net này "cày". Vài ba hôm Đ. ghé tiệm "chiến vài trận cho vui đã đời".

Ông N.N. là chủ một doanh nghiệp tư nhân có tiếng ở Định Quán, Đồng Nai. "Đại gia" này cũng rất thích game online nhưng lại không có thời gian nên nhờ đứa cháu (nghiện game) "cày" giúp các nhân vật và tìm các trang bị thật VIP. Nếu có hàng VIP tại TP.HCM hay các tỉnh lân cận, N.N. sẵn sàng đánh xe con đi mua, nếu bận thì sẽ nhờ người đi mua. Các nhân vật của "đại gia" này trong game đều được giới "giang hồ" thèm thuồng, ngưỡng mộ… không phải vì chơi quá hay, quá "pro" mà do trang bị của các nhân vật này lên đến cả trăm triệu đồng. "Trong thế giới ảo thì ai cũng muốn mình là VIP", anh Đang - chủ tiệm net  ở Q.4, TP.HCM - nói. 

Offline cùng "đại gia"

Những cuộc offline gặp nhau ngoài cuộc sống thực giữa các "chiến hữu" sau những ngày tôi luyện trong thế giới ảo thường là những cuộc chơi "tới bến". Một bang phái trong server Vu Sơn game Võ lâm truyền kỳ 1 có bang chủ là một "đại gia" lắm tiền đưa ra môn qui: "Người trong bang phải biết nhậu! Ai không nhậu được, biến!". Bang này cứ đến cuối tuần là offline đi nhậu. L. đang là học trò lớp 10 (ở đường Lê Hồng Phong, Q.10, TP.HCM), trước đây không uống được hết nửa ly bia, nhưng sau vài lần offline nay L. "làm năm ba chai bia là thường". Sau những buổi nhậu, bang chủ còn rủ cả đám đi karaoke, matxa…

Nhiều dân chơi Võ lâm truyền kỳ còn biết thầy giáo H. dạy trường cấp II ở TP.HCM sở hữu một "con khủng" thuộc hàng top trong một server của game này. Thầy H. được một nhóm Việt kiều Mỹ "bơm đạn" mỗi tháng vài trăm USD để mua tiền vạn, sắm đồ hoàng kim… cho nhân vật trong game. Nhiều hôm đi liên đấu giữa các bang phái, sau đó các võ lâm đồng đạo rủ nhau đi offline nhậu nhẹt sau những "trận chiến" mệt mỏi… Thầy H. gặp vài cựu học trò mình đang học cấp III, sau đó thầy giao "con" của mình cho học trò luyện giúp!

Những cuộc mua bán, đấu giá các vật phẩm và nhân vật lên tới hàng trăm triệu đến cả tỉ đồng đã lôi kéo thêm nhiều bạn trẻ lún vào game online. Dân chơi Võ lâm truyền kỳ hầu hết đều nghe danh đại gia Hắc Điểu lừng lẫy với cặp nhẫn Vô danh giới chỉ. Theo ước tính của các chuyên gia trong game, để sở hữu cặp nhẫn đó, đại gia này đã bỏ ra số tiền tương đương 7.000 USD.

Trên một website có thông tin về cuộc chuyển nhượng account moAmi "Nga My truyền kỳ” 30 skill PSTA với tổng giá trị lên tới 78.599 kim nguyên bảo (tương đương 1,2 tỉ đồng) và chủ account này vẫn là Hắc Điểu. "Thiên hạ” cho biết Hắc Điểu cũng thường xuyên chiêu đãi "tướng tài" cầm quân đi "đánh trận", mỗi lần "thiên hạ đệ nhứt bang" đều dẫn đi offline nhậu nhẹt tưng bừng, trả công hậu hĩnh.  

 TRẦN HUỲNH

"Lách luật" hạn chế giờ chơi

Mặc dù có qui định hạn chế giờ chơi game online theo thông tư 60 của Bộ Thông tin - truyền thông, tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên Tuổi Trẻ, hầu hết game online hiện nay đều "lách luật" với những chiêu rất tinh vi. Phổ biến nhất là việc reset thời gian chơi. Tức là khi game thủ chơi hết thời gian qui định năm giờ (ba giờ đầu được 100% điểm kinh nghiệm, hai giờ sau được 50% điểm kinh nghiệm, từ giờ thứ năm không được thêm điểm kinh nghiệm nữa), chỉ cần thoát ra rồi đăng nhập lại game, hoặc can thiệp bằng một vài thủ thuật đơn giản là người chơi game có thể tiếp tục luyện cấp độ cho nhân vật của mình.

Một game thủ tên Minh (Hà Nội) cho biết do nhà cung cấp game "lách luật" hạn chế giờ chơi nên từ hồi luyện trò chơi Thiên long bát bộ, ngày nào cậu cũng ngồi luyện ít nhất khoảng 14 tiếng, có những ngày online 24/24 giờ mà vẫn có điểm kinh nghiệm. "Cứ chơi được khoảng ba giờ là em lại thoát game, reset thời gian chơi một lần. Mỗi lần reset thời gian chơi nhân vật lại có thêm ba giờ chơi được 100% điểm kinh nghiệm nữa. Trung bình một ngày em reset 4-5 lần, có ngày reset kịch trần tới tám lần", Minh nói. Theo Minh, mỗi game có những cách thức "lách luật" hạn chế thời gian chơi khác nhau, tất cả những cách thức đó đều được đăng trên diễn đàn trang web của chính nhà cung cấp game để hướng dẫn các game thủ.

Các game online hiện nay còn mở vô số các sự kiện game liên tiếp nhau và kéo dài hết tháng này qua tháng khác để người chơi game tham gia có thể hưởng được kinh nghiệm mà không cần quan tâm đến việc bị hạn chế thời gian chơi. Mới đây, game Võ Lâm truyền kỳ mở sự kiện người chơi chỉ cần kiếm đủ một số vật phẩm trong game thì đổi được một lượng điểm kinh nghiệm khá lớn, sự kiện này kéo dài suốt từ đầu tháng tư tới hết tháng 5-2008.  

TRỌNG PHÚ

Đề nghị rút giấy phép các game bạo lực

Những nam nữ thanh niên mặc đồ rằn ri, vũ trang súng ống giả diễu hành qua các đường phố TP.HCM để quảng cáo trò chơi Đặc nhiệm anh hùng vào tháng 3-2008
Trò chơi Đặc nhiệm anh hùng (FPT Online) và Biệt đội thần tốc (VinaGame) phát hành đã được Cục Báo chí (Bộ Thông tin - truyền thông) phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi trực tuyến. Nhà cung cấp hai loại trò chơi nói trên khẳng định đang làm ăn đàng hòang trên cơ sở quyết định của Cục Báo chí.

Bạo lực hay "thể thao điện tử"?

Trong báo cáo gửi lãnh đạo UBND TP.HCM liên quan đến hoạt động của đại lý Internet, trò chơi trực tuyến bắn súng…, Sở VH-TT TP đã đề cập nhiều băn khoăn về các hoạt động này. Sở VH-TT TP.HCM đặc biệt nhấn mạnh "gần đây các trò chơi trực tuyến có tính chất bạo lực (game bắn súng trực tuyến nhập vai nhiều người chơi) đã được cơ quan chức năng cấp phép".

Hình ảnh trong game mang đậm không khí bạo lực sẽ là tác hại to lớn đến tâm lý lứa tuổi thanh thiếu niên, và đáng ngại nhất là hình thành tâm lý sùng bái cũng như thích dùng vũ khí “nóng” ở lứa tuổi này

Ông Nguyễn Văn Khanh, trưởng Phòng thông tin Sở VH-TT TP.HCM

Trả lời câu hỏi "Những loại game nào Sở VH-TT cho là có tính chất bạo lực?", ông Nguyễn Văn Khanh, trưởng Phòng thông tin Sở VH-TT, nói đã thống kê được ba game trực tuyến: Biệt đội thần tốc, Đặc nhiệm anh hùng và Đột kích.  "Tôi cho rằng việc một số game có những hình ảnh mang tính chất bạo lực như vậy nhưng được cấp phép là điều rất đáng tiếc" - ông Khanh nói.

Trong khi đó, ở góc độ nhà cung cấp trò chơi, đại diện VinaGame cho rằng game trực tuyến Biệt đội thần tốc được xem là thể loại trò chơi "thể thao điện tử" (?!). Đại diện công ty này nói thêm do đây là một sản phẩm còn khá mới mẻ với thị trường VN, người tiêu dùng chưa có nhiều thông tin và chưa có cơ hội tìm hiểu thấu đáo để có cái nhìn đầy đủ và chính xác về thể loại game này. Còn về tính bạo lực, đại diện VinaGame lập luận chưa có một thống kê hay định nghĩa thế nào là bạo lực trong game bắn súng. Ngoài ra, chưa có thống kê về tác động của game nói chung và game bắn súng nói riêng đối với người chơi game cũng như hậu quả của nó đối với xã hội!

Xem lại khâu thẩm định trước khi cấp phép

Ông Lê Mạnh Hà, giám đốc Sở Bưu chính - viễn thông TP.HCM, băn khoăn: "Thời gian gần đây số lượng game trực tuyến được cấp phép rất nhiều, trong đó có trò chơi bắn súng. Hình ảnh các loại vũ khí, súng ống, cảnh bắn giết giữa các nhân vật trong game… chiếm hầu hết nội dung một số trò chơi". Ông Hà kiến nghị trước khi cấp phép, Bộ Thông tin - truyền thông cần có tiêu chí đánh giá mức độ bạo lực của các trò chơi, cần có qui trình thẩm định rõ ràng và minh bạch. Khi thẩm định cần lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước ở những địa phương là thị trường lớn của game online.

Ông Nguyễn Văn Khanh cho biết ngoài kiến nghị UBND TP.HCM có biện pháp chỉ đạo các cơ quan thẩm quyền chấn chỉnh loại hình kinh doanh game trực tuyến, Sở VH-TT TP cũng kiến nghị Cục Báo chí cần chặt chẽ hơn nữa trong khâu thẩm định nội dung các game trực tuyến để làm thủ tục cấp phép. Theo ông Khanh, cần xem xét lại một số game có nội dung liên tục bắn giết nhau của các nhân vật trong game mà không ít các bậc phụ huynh học sinh đang bất bình.

"Nếu xét thấy cần thiết để bảo vệ lứa tuổi thanh thiếu niên, nhất là nhóm học sinh vì game mà ham chơi hơn ham học, thì mạnh dạn rút giấy phép một số game có tính chất bạo lực" - ông Khanh nói. Đối với trò chơi bắn súng đã phát hành, Sở BC-VT cho biết sẽ kiến nghị UBND TP giao cho các cơ quan quản lý chuyên ngành phối hợp đánh giá lại một số trò chơi trực tuyến nói chung và các trò chơi trực tuyến bắn súng nói riêng. Trên cơ sở đánh giá đó sẽ đề xuất UBND TP kiến nghị Bộ Thông tin - truyền thông giải quyết.   

QUỐC THANH