Tin vào sức sống của Cánh đồng bất tận
Các Website khác - 10/04/2006

TTO - Tính đến 7g sáng hôm nay, 10-4-2006, sau hai ngày thông tin nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và Cánh đồng bất tận bị đề nghị “kiểm điểm nghiêm khắc” được công bố, gần 400 ý kiến bạn đọc đã được gửi đến Tuổi Trẻ. Sự ủng hộ và sẻ chia với Nguyễn Ngọc Tư mỗi lúc mỗi lan mạnh.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Cho đến lúc này, có quá nhiều người lên tiếng ủng hộ chị, cảm thông với chị, động viên chị tiếp tục sáng tạo và cống hiến như chị vẫn làm thế cho văn học rồi, hẳn tôi không cần phải động viên thêm gì nữa. Tôi chỉ muốn được gửi đến chị lời cảm ơn vì những cảm xúc quý báu có được khi tôi đọc Cánh đồng bất tận (CĐBT). Nó giúp tôi hiểu hơn, thương cảm hơn, chia sẻ hơn với những cuộc đời nghèo khổ, những số phận người đầy khổ đau, những khát vọng cháy bỏng được sống khác đi, được thay đổi.

Giữa cuộc sống bộn bề, bon chen chốn thành thị, vì mưu sinh mà đôi khi ta còn không biết chuyện xảy ra bên nhà hàng xóm. Vì những tiện nghi đầy đủ, cơm no áo ấm mà ta không thấu hiểu được cái thiếu thốn của người nghèo. Khi đối diện với bức tranh tả thực trong CĐBT, ta thấy trái tim mình vẫn rung cảm những yêu thương, xót xa những số phận... Chỉ riêng điều đó cũng quý lắm thay!

PHẠM THANH HƯƠNG

Nhiệm vụ của một tác phẩm văn học là phản ánh chân thực xã hội chứ không phải tô vẽ cho bề mặt xã hội. Lịch sử văn học đã chứng minh rồi: những tác phẩm không làm được điều đó không thể tồn tại lâu được. Có lẽ lâu nay người ta vẫn tưởng mặt mình sạch, bây giờ tự nhiên đứng trước gương người ta mới hoảng và sốc. Và không ít người giẫy nảy lên, lu loa rằng "cái gương kia hỏng".

NGUYỄN DUY NGỌC

Tôi vừa đọc xong ý kiến phản hồi của nhiều độc giả, và tôi hoàn toàn đồng tình với các ý kiến đó. Là người miền Tây, từ nhỏ sống trên ngôi nhà sàn ven sông Tiền (tôi người Cao Lãnh, Đồng Tháp), tôi chứng kiến nhiều sự thật đau lòng đến không thể tin được. Qua CĐBT tôi gặp lại những thân phận người nghèo khó quê tôi, những người không có tiếng nói trong xã hội.

NGUYEN KIM TUAN

Truyện CĐBT theo tôi cảm nhận là câu chuyện dễ hiểu, dễ cảm thụ và đầy tính nhân văn. Những người có trình độ học vấn không cao như tôi (tốt nghiệp lớp bảy) cũng cảm nhận được phần nào cái hay của tác phẩm. Tác giả qua CĐBT như nhắn nhủ đến người đọc thông điệp: "Là con người sống thì phải biết thứ tha. Biết tha thứ thì mới mang lại hạnh phúc cho chính mình cũng như những người xung quanh”.

Người cha trong CĐBT không biết tha thứ và giữ mãi lòng hận thù vì bị người vợ phản bội. Vì hận thù ông ta trả thù tất cả những người phụ nữ đến với ông ta, vì hận thù dưới mắt ông, cô con gái cũng phải chịu gánh chung nỗi hận đối với mẹ nó. Đứa con trai bị ảnh hưởng lòng thù hận của người cha mà không thể thành một cậu trai có tâm lý bình thường. Cuối câu chuyện là một kết thúc có hậu vì nó mang đến cho ta một niềm tin vào tương lai.

NGUYEN ANH TUAN

Tôi đọc CĐBT không dưới ba lần, mỗi lần đọc là mỗi lần cảm nhận được tình yêu thương giữa con người với con người... Tôi thiết nghĩ có người dám viết lên sự thật như vậy rất là hiếm, cứ mỗi khi nói lên sự thật là phải kiểm điểm, phải tự phê bình, phải nâng cao ý thức tư tưởng đường lối... thì thử hỏi còn ai dám viết lên sự thật nữa?

Một tác phẩm có giá trị hay không là hoàn toàn tùy thuộc vào sự đánh giá vô tư của độc giả. Nếu đại đa số độc giả công nhận một tác phẩm thì tôi tin rằng tác phẩm đó đáng được trân trọng. Tôi nghĩ đã đến lúc cơ quan chức năng cao hơn nên sớm đưa ra kết luận cuối cùng chứ đừng im lặng chờ xem dư luận ra sao rồi mới lên tiếng.

NGUYEN VAN THANG

Tôi xin đề nghị hãy mở một cuộc "trưng cầu ý kiến" theo các nội dung mà nhà văn Nguyễn Ngọc Tư bị kiểm điểm. Để những người yêu cuộc sống, yêu cái đẹp của văn học được bày tỏ ý kiến. Tôi tin rằng cuộc "trưng cầu" này cũng sẽ thu hút không kém gì tác phẩm của Tư. Hãy để cuộc sống lên tiếng.

Để đánh giá một truyện ngắn như CĐBT thì phải có cái nhìn toàn diện, thoát ra khỏi cái vỏ của ngôn từ, phải cảm nhận được ý nghĩa nhân bản mà truyện ngắn này muốn nhắm đến. Chứ không được phép phê bình bằng cách chẻ sợi tóc làm tư theo lối tư duy xã hội học của một thời mà nay đã cáo chung.

Thiết nghĩ, báo Tuổi Trẻ nên có một bài tổng kết về CĐBT, chỉ rõ cái hay, cái đẹp, cái trữ tình, cái nhân bản của tác phẩm này, cũng như nêu ra những hạn chế về nghệ thuật sử dụng ngôn từ, nhằm vừa định hướng dư luận, vừa trân trọng lao động sáng tạo của nhà văn. Có như vậy, các nhà văn mới yên tâm sáng tác, yên tâm đi đến tận cùng của vấn đề để góp phần cho cuộc sống nhân bản hơn.

HỒNG NHUNG