Tiểu thuyết xếp đặt
Các Website khác - 03/04/2006

Tiểu thuyết Xếp đặt. Cái khái niệm kỳ quặc và đầy mai mỉa ấy là do nhà văn Ngô Ngọc Bội nghĩ ra đầu tiên. Và ông đã dùng cái khái niệm buồn cười ấy lần đầu để bảo ban cho tôi một bài học.

Năm đó được Nhà xuất bản Hà Nội in cho tập truyện ngắn đầu tay, tôi mừng vui, tự hào và kiêu hãnh hết mức. Nhưng vui đó đã buồn ngay, bởi vì sách phát hành rồi mà ngày qua tháng lại trong dư luận, không phải chỉ dư luận rộng rãi mà cả dư luận bạn bè chiến hữu tịnh không nghe gợn lên một mảy may lời bàn tán nào cả. Trên quầy các hiệu sách những chồng dày ự tập truyện ngắn của tôi có vẻ như không hề vơi được đi lấy một cuốn. Rồi thì bụi phủ. Tôi buồn rầu, lo âu, nôn nóng, bực bội và mặc cảm.

Vậy nhưng rồi cũng có người thương. Cùng học viên khoá 3 Nguyễn Du với tôi có Nguyễn Thái Sơn, viết truyện ngắn song lại đang có hứng viết phê bình. Chơi rất thân với nhau, Thái Sơn cảm thương nông nỗi của tôi, anh ra tay viết một bài cho cuốn sách. Trước khi gởi bản thảo lên báo Văn Nghệ anh đưa tôi “ngó qua”. Tôi đọc ngấu nghiến. Đọc đi đọc lại. Thật tuyệt. Tôi chưa từng đọc cái gì tuyệt hay và tuyệt đúng như thế. Lời văn sắc sảo, phân tích kỹ lưỡng, đánh giá khách quan, thấu đáo, công bằng, khoa học hết sức. Cũng có chê, nhưng khen là chính.

Tôi thích nhất, cảm kích nhất là cái đoạn thật dài khẳng định rằng tập truyện của Bảo Ninh tôi đây không có thua gì những truyện của Nguyễn Quang Lập và Hồ Anh Thái, là hai nhà văn đã rất nổi tiếng trong văn xuôi lớp trẻ lúc bấy giờ.

Tôi nhân bản bài viết ấy lên cho cả khoá 3 Nguyễn Du đọc. Tôi gửi nó cho ban biên tập Nhà xuất bản Hà Nội để họ cũng được hãnh diện với tôi.

Nhưng hết số này đến số báo khác trên báo Văn Nghệ không xuất hiện bài của Nguyễn Thái Sơn. Không chịu đựng nổi sự im lặng khó tin ấy, chính là tôi chứ không phải Thái Sơn đã đến toà soạn tìm gặp trưởng ban văn xuôi Ngô Ngọc Bội đã yêu cầu ông can thiệp với Ban lý luận phê bình của báo.

Nhà văn ân cần tiếp tôi. Ông khen cuốn sách của tôi có một số truyện viết được. Nhưng sau một hồi vui vẻ trò chuyện, khi nghe đến điều yêu cầu của tôi, ông bác ngay. Có lẽ rất bực song ông không nặng lời, chỉ thẳng thừng. Ông bảo là chưa đọc bài phê bình đó và sẽ không đọc. Ông cũng tin chắc báo không bao giờ đăng bài ấy ngay dù là nó có xuất sắc như tôi nghĩ đi nữa. Theo ông thì với một kiểu bài như thế mà lên mặt báo, ngượng mặt trước nhất là tác giả bài viết rồi nữa là tôi.

Còn về việc cuốn sách của tôi không được thiên hạ ngó ngàng thì ông bảo là nếu quá sốt ruột ông sẽ bố trí cho tôi một buổi diễn thuyết ở Thư viện Quốc gia! Chậm nghĩ, nên tôi không thấy ngay đấy là một lời châm biếm.

Cả khi nhà văn hỏi đùa rằng tôi có thích làm văn chương xếp đặc không, tôi cũng không nghĩ ngay là ông đang nhạo mình. Ông bảo, tất nhiên là đùa, rằng: thời nay để cho tác phẩm của mình được nhiều người nhanh chóng lưu ý có lẽ nhà văn và nhà xuất bản phải nghĩ ra những chiêu gì đấy thật lạ đời. Chẳng hạn như là phế bỏ hoàn toàn dấu phẩy, dấu chấm, không xuống dòng, không ngắt câu. Các dòng không theo chiều ngang mà theo chiều dọc trang giấy. Hay là đóng sách theo kiểu của sách chữ Hán. Hay là trang sách không chữ nhật nữa mà hình quả tim. Tóm lại, làm Truyện ngắn Xếp đặt, làm Tiểu thuyuết Xếp đặt.

Sau đấy khi hiểu ra, tôi ngượng vô cùng. Bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy hổ thẹn. Tôi mường tượng ra những suy nghĩ của nhà văn Ngô Ngọc Bội lúc ấy khi ông phải tiếp chuyện một thứ con người đầy lòng tự cao như tôi. Còn ngượng mãi, nhưng mà tôi cũng mãi mãi biết ơn những lời răn của ông dành cho tôi.

Nhờ rất nhiều ở lần gặp gỡ khó quên đó với nhà văn Ngô Ngọc Bội mà tôi có thể đã phần nào né ra được khỏi lực hút kinh hoàng của thói tật say sưa tự thán phục mình. Và cả Thái Sơn cũng giúp tôi tỉnh ngộ khi mà trong một lần trò chuyện tay đôi đã thẳng thừng thú thật rằng chỉ vì quá nể và nhất là quá kinh hãi cái “Tôi Đây” đầy bồn chồn nôn nóng như tôi mà anh đã viết ra bài tụng ca cả chính anh cũng thấy là nực cười ấy.

Hẳn là vẫn chưa thể nào chừa nổi, nhưng dù sao thì bây giờ tự đáy lòng mình tôi cũng đã biết ghê sợ cái tật chỉ yêu cái “Tôi Đây”. Tôi sợ vì tôi biết đấy là một thói tật vừa gây hại vừa là đáng xấu hổ nhất đối với một người viết văn.

Có điều cũng phải nói rằng, quan niệm về đạo đức văn ông ẩn trong lời khuyên răn của nhà văn Ngô Ngọc Bội đối với tôi ngày ấy, đến bây giờ có lẽ đã là thứ quan niệm lùi rất xa vào quá khứ. Bởi vì ngày nay chúng ta dường như đang dợm chân bước vào một thời buổi văn chương mới lạ mà cái “Tôi Đây” là cảm hứng nếu không phải độc tôn thì cũng là cảm hứng đầu bảng cho cả quá trình sáng tác lẫn quá trình quảng cáo rao bán một truyện ngắn, một tiểu thuyết.

Và như vậy thì tại sao chúng ta không dám bạo phổi lên mà làm Văn học Xếp đặt? Sao lại không thể có Truyện ngắn Chép từ truyện ngắn? Truyện ngắn Trộn thơ. Truyện ngắn Một chữ. Tiểu thuyết Không lời hoàn toàn giấy trắng. Tiểu thuyết trên kính. Tiểu thuyết Sơn mài Sơn dầu. Tiểu thuyết viết lên mặt chiếu, lên bờ tường, lên rổ rá?

BẢO NINH (Báo Văn Nghệ Trẻ)