Chiếc áo đã chật!
Trên đường thiên lý - Ảnh: TFS |
Trên đường thiên lý, trong chuyên mục nói trên, là một ví dụ về sự đồng hành với dòng chảy thời sự của xã hội. Người xem đài bắt gặp một hình ảnh thoạt nhìn rất ngộ nghĩnh: một ông bố với trọng lượng quá khổ đang phải mướt mồ hôi để sáng chế một “công cụ” quái lạ cho đứa con gái bé bỏng. Loang loáng hình ảnh nối nhau để rồi có được kết quả, hóa ra đó là một hệ thống bàn liên kết với ghế ngồi chở bé gái ngồi sau xe gắn máy. Ghế có chiếc dù che trên đầu, có thành tựa lưng. Nào đã hết, ông bố lôi từ bên hông ghế ra... lủ khủ bát chén đựng thức ăn, muỗng đũa: “bàn ăn di động” xuất hiện!
Sau màn ăn uống, chiếc bàn thoắt một cái trở thành “bàn học tập”, đứa con nhỏ lôi tập ra ngồi viết trong khi... xe gắn máy cứ chạy vòng vèo qua các phố. Gì mà lạ vậy? Đó là sáng kiến cập nhật để kịp thời gian cho con cái chạy đua... đi học: học chính khóa, học thêm, học lu bù. Kết cuộc cho Trên đường thiên lý là sĩ tử tí hon của chúng ta ngủ gà ngủ gật, trong khi đó tiếng vọng (echo) cứ văng vẳng “Đi học! Đi học! Đi học!...” đến hãi hùng, tội nghiệp.
Chủ soái của êkip thực hiện chuyên mục "Tiểu phẩm" là đạo diễn Mỹ Khanh. Tiếng cười, trong quan niệm của chị, là cả một thế giới nhân sinh. Cười và thường phải ngẫm nghĩ. Những suy tưởng lắm lúc rất đau. Tiểu phẩm Siêu chẳng hạn. Trên một vùng đất giăng ngang nhiều tấm biển “vùng cấm địa”, “tử thần”... để hiểu rằng đấy là một nơi chốn của sự cấm kỵ. Để làm gì? Bí mật. Chỉ thấy một chiếc ô lừng lững cắm ở đó, như một biểu tượng đầy sự đe dọa. Dân tình cho biết đó chỉ là vùng đất trồng dưa, nhưng dưa gì mà phải giăng ngang giăng dọc hàng rào bảo vệ? Hóa ra trong ruột dưa có giấu kim cương. Một kiểu đút lót tinh vi! Quan xua tay không tiếp bất cứ món quà lộng lẫy nào, rất liêm chính như chính cái bảng viết to đùng hai chữ này trên cửa chính. Quan rất có quan điểm quần chúng khi nhận lấy trái dưa tầm thường. Đúng là siêu!
Có đôi khi chuyện nhỏ mà không nhỏ. Tỉ như trong Đồ thừa, xuất hiện một người đàn bà kỳ khôi, đi dự đám mà cứ chăm bẳm thức ăn thừa đem trút vào bao nilông. Dù bị nhìn một cách khinh miệt, bà vẫn thản nhiên, lẳng lặng ra về sau khi tàn tiệc với một đống bao thức ăn... đem đến cho các em nhỏ đầu đường xó chợ. Cùng lúc tiểu phẩm gieo hai cảm giác, vừa dễ thương dễ mến bởi hành động đẹp bất ngờ, vừa chạnh lòng trước cảnh thừa mứa lãng phí...
Những vấn đề xã hội còn đầy ắp, đòi hỏi đã đến lúc phải mở rộng thời lượng cho chuyên mục. Chỉ dăm phút chưa đủ mà phải 15, 20 phút. Ví như sức căng đang lớn như thổi mà chiếc áo đang mặc đã chật.
NGUYỄN CHƯƠNG
▪ Tranh grafitô (18/09/2005)
▪ Tuần Văn hoá Nam Phi tại VN (18/09/2005)
▪ Sẽ có sân khấu riêng cho thiếu nhi? (18/09/2005)
▪ Phim Tsotsi đoạt giải tại LHP quốc tế Toronto (18/09/2005)
▪ Trung thu ấm áp (18/09/2005)
▪ Sir Michael Caine khai trương Đại lộ Ngôi sao của Anh (18/09/2005)
▪ Đêm thần thoại có gì mới? (19/09/2005)
▪ Không gian văn hóa cổ xưa giữa lòng đô hội (16/09/2005)
▪ Sympathy for Lady Vengeance tham gia LHP London lần thứ 49 (16/09/2005)
▪ Welcome to Dongmakgol đại diện Hàn Quốc tranh giải Oscar 2006 (16/09/2005)