Xã hội hoá yếu, chờ tác phẩm đỉnh cao
Các Website khác - 30/03/2006

Xã hội hoá yếu, chờ tác phẩm đỉnh cao

Nhà thơ Bằng Việt - - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT HN
ĐH X Hội Liên hiệp VHNT HN diễn ra ngày 31-3 (trước đó là ĐH nội bộ một ngày). Giới VHNT thủ đô có thể chờ đợi điều gì ở ĐH? Vì sao các hội VHNT ở HN hoạt động vẫn "trầm lắng"?. Nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT HN trả lời phỏng vấn về vấn đề này:

* Nội dung mấu chốt của ĐH X là gì, thưa ông?

- Trước ĐH, có nhiều ý kiến về việc thay đổi mô hình liên hiệp các hội VHNT HN. Sau cùng, đã đi đến thống nhất: Giữ nguyên mô hình cũ. Hội Liên hiệp vẫn là đầu mối nhận tiền Nhà nước phân bổ cho các hội chuyên ngành. Một số hội chuyên ngành có nhu cầu "ra ở riêng" nhưng do điều kiện khó khăn về kinh phí, về điều kiện hoạt động do đó cũng chưa thể tách độc lập.

Thứ hai là ĐH không hiệp thương mà tiến hành bầu cử trực tiếp. Mục tiêu đặt ra từ ĐH này cho các hội chuyên ngành là phấn đấu tạo ra những tác phẩm đỉnh cao.

* Theo đánh giá của Hội Liên hiệp thì hội chuyên ngành HN nào hoạt động hiệu quả nhất?

- Khó mà nói hoạt động hội nào hơn hội nào. Nhưng so sánh về mức độ triển khai, thành tích thì ba hội hoạt động hiệu quả hơn cả là Hội Nhà văn HN, Hội Nhiếp ảnh HN và Hội Âm nhạc HN.

Hội Nhà văn HN đã dám trao giải thưởng văn học hàng năm cho các tác phẩm gai góc, gây chú ý. Hội tiếp tục đổi mới với BCH trẻ, suy nghĩ mới, táo bạo với các nhà văn Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Thu Huệ, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.

Hội Âm nhạc HN với nhạc sĩ Phạm Tuyên làm chủ tịch, cũng làm được nhiều việc, hội viên phần lớn còn là hội viên trung ương, giành nhiều thành tích ở các hội thi, hội diễn.

Hội Nhiếp ảnh HN có 14 CLB hoạt động đều ở nội, ngoại thành, nhiều hội viên đoạt giải trong, ngoài nước.

* So với TPHCM, các hội VHNT HN nhìn chung hoạt động lặng lẽ hơn, tính chất xã hội hoá còn yếu và nói thật là chưa xứng tầm với bề dày truyền thống của thủ đô. Một lý giải ngắn gọn của ông?

- Tôi cho là ngay quan niệm về xã hội hoá còn chưa đồng nhất. Nhiều người cho xã hội hoá là chạy được nhiều tài trợ từ doanh nghiệp, kết hợp biểu diễn với các đơn vị, trường học để thu tiền, tạo nhiều mối quan hệ với công chúng... Cách hiểu đó không đem lại hiệu quả. Việc ký hợp đồng tài trợ đòi hỏi các đơn vị nghệ thuật phải hy sinh một phần thương hiệu của mình để làm nổi lên thương hiệu của nhà tài trợ.

Vì xã hội hoá có chịu hạ thấp tiêu chuẩn nghệ thuật hay chấp nhận quay lưng với thương mại để vắng khách vẫn là câu hỏi không dễ trả lời. Chưa giải được bài toán đó, nên các hội vẫn trông mong chính vào tài trợ nhà nước.

Đúng là các hội HN tính xã hội hoá còn yếu.

* Tác phẩm đỉnh cao - hội chuyên ngành nào cũng nhắc tới mục tiêu đó. Xin ông cho biết: Thế nào là đỉnh cao, và đỉnh cao là so với ai?

- Đúng là chữ đỉnh cao có những tiêu chí khác nhau tuỳ theo từng giai đoạn. Trước kia, chúng ta hay dùng từ "ngang tầm thời đại" nhưng ranh giới cũng chưa rõ ràng, vì chữ "ngang tầm" so với "thấp tầm" hay "vượt tầm" phân biệt ở những tiêu chí nào?

Đỉnh cao ở đây hiểu như là đỉnh núi cao, thác cao. Tác phẩm đỉnh cao là tác phẩm có tầm cao nghệ thuật, sức lan toả phổ biến sâu rộng, tác động tới xã hội. Nhưng có lẽ nên dùng chữ: Tác phẩm có giá trị cao. Bởi ví như giải thưởng Thăng Long cho tiểu thuyết Hồ Quý Ly, hay vở diễn Kẻ sĩ Thăng Long giành nhiều huy chương đã có thể gọi là đỉnh cao chưa?

Theo Lao Động