97% "cha truyền, con nối"
Các Website khác - 02/07/2008
 
Tổ chức thi thợ giỏi là một hình thức tôn vinh thợ thủ công.
Nghề thủ công truyền thống và nghề mới là một trong những đặc trưng của nông thôn VN. Theo số liệu của Liên minh Hợp tác xã (HTX) VN, cả nước hiện có khoảng 1.544 làng nghề (LN) truyền thống, thu hút hơn 10 triệu lao động, với tiêu chí giải quyết việc làm cho khoảng 30% số LĐ và chiếm 50% tổng thu nhập.

Tuy nhiên, với 55% LĐ trong các cơ sở SX  chuyên nghề chưa qua đào tạo, và trên 82,6% LĐ làm việc tại các tổ, HTX, liên hiệp HTX chưa được đào tạo nghề, thì không biết mai này liệu có còn các nghề truyền thống, các sản phẩm truyền thống riêng có ở VN? Đó là chưa nói đến các tác động khác làm cho nhân lực các làng nghề đang thiếu trầm trọng, càng thêm nghiêm trọng. Trang Việc làm xin đề cập đến một góc của vấn đề này: Nhân lực làng nghề VN - giải pháp nào khả quan? Rất mong độc giả cả nước cùng tham gia về vấn đề này.  

Nghề thủ công truyền thống là sản xuất (SX) sản phẩm (SP) bằng sự thuần thục, khéo léo của đôi bàn tay, sự tinh ý, sáng tạo của người thợ. Đào tạo thợ có nghề điêu luyện, có khả năng sáng tạo là yếu tố quyết định sự tồn tại, phát triển của các làng nghề. Đáng tiếc, các làng nghề đang thiếu trầm trọng thợ vì chưa được đầu tư... về con người.

Truyền nghề: Phổ biến

Hoạ sĩ Vũ Hy Thiều - chuyên gia thủ công mỹ nghệ - nói rằng: "Hàng năm, Bát Tràng có nhu cầu đào tạo khoảng 500 thợ gốm, trong đó có 200 thợ vẽ gốm, nhưng địa phương vẫn chưa tìm được cách khắc phục". Không riêng Bát Tràng, hiện các làng nghề thủ công truyền thống VN đang thiếu trầm trọng thợ lành nghề, thợ thiết kế mẫu hàng, thợ phục chế.

Việc dạy nghề ở nước ta chủ yếu là thủ công (TTC): Truyền nghề trong các gia đình thợ; đào tạo ngắn hạn trong DN để phục vụ nhu cầu SX trước mắt của DN và đào tạo trong trường dạy nghề. Trong số 1,3 triệu TTC chuyên nghiệp và hơn 3 triệu TTC bán chuyên nghiệp, các trường dạy nghề và các DN chỉ đào tạo được hơn 10 vạn thợ (khoảng 3% số TTC hiện có) 97% TTC học nghề theo cách truyền nghề.

Cả nước hiện có hơn 1.500 làng nghề, thu hút hơn 10 triệu LĐ tham gia, trong đó: Đồng bằng sông Hồng đứng đầu: 821 làng nghề; ĐBSCL: 180 làng và Bắc Trung Bộ: 154 làng nghề. Có 4 nhóm nghề có trên 100 làng nghề hoạt động, gồm: Mây tre, giang, đan, xiên: 276 làng; SX chiếu cói: 131 làng; gỗ mỹ nghệ và các SP từ gỗ (mộc, khảm trai, ốc): 123 làng; chế biến thực phẩm (bún, miến, phở...): 113 làng.  

Ba điểm yếu nổi bật của cách đào tạo này là: Kiến thức bị thiếu hụt (văn hoá, xã hội), kỹ thuật (thẩm mỹ); tay nghề bị giới hạn do sự giới hạn về kiến thức của chính những nghệ nhân, thợ giỏi; khó tiêu chuẩn hoá vì lệ thuộc quá nhiều vào tính cách của nghệ nhân, thợ giỏi, thói quen địa phương  v.v... nên các nghề thủ công thiếu sự đồng bộ, thiếu quy chuẩn chung về kỹ thuật, khó thực hiện SX loạt hàng lớn.

Điểm yếu lớn nhất của người TTC là kiến thức thẩm mỹ do chương trình đào tạo (kể cả của trường và cơ sở SX) thiếu hẳn bộ môn thẩm mỹ. Vì vậy, sản phẩm tuy tinh xảo, cầu kỳ nhưng ít cái đẹp, ít ý tưởng sáng tạo mới và tính cạnh tranh không cao. Liên minh HTX VN đã làm một điều tra, kết quả là 55% LĐ làng nghề chưa qua đào tạo, 36% không có chuyên môn kỹ thuật và trên 82,6% LĐ làm việc tại các tổ, HTX chưa qua đào tạo nghề.

Cần 200 cơ sở đào tạo

Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp được coi là trung tâm đào tạo nghề lớn nhất nước về các nghề truyền thống: Sơn, gốm, dệt, thổ cẩm, điêu khắc, trang trí, kim hoàn... ngoài ra, khó tìm được những trường dạy nghề truyền thống. Hà Nội đã có trường thủ công mỹ nghệ, đào tạo mỗi khoá 4 năm nhưng số lượng học sinh ít, mỗi khoá chỉ có 10 học sinh khoa gốm. Ở Hà Nam cũng có trường CNKT của Bộ NN&PTNT, mỗi khoá đào tạo khoảng 500 thợ nhiều nghề.

Để bảo tồn, phát triển và nâng cao giá trị cho các làng nghề - chỉ dừng lại ở việc truyền nghề chưa đủ. Ông Lê Xuân Phổ- Chủ tịch Hội Gốm sứ Bát Tràng cho rằng: Dạy học khác với kiểu truyền nghề theo kiểu người đi trước truyền kinh nghiệm cho người sau. Dạy học là thực hiện quy trình truyền thụ kiến thức khoa học sư phạm, nghệ nhân chưa làm được. TTC cần được đào tạo bài bản là nhu cầu bức thiết.

Liên minh HTXVN cho rằng, cả nước cần có khoảng 200 cơ sở đào tạo nghề cho LĐ trong các làng nghề, nâng cao tay nghề cho thợ cả, nghệ nhân. Cần đưa kiến thức thẩm mỹ vào các chương trình đào tạo TTC, nhất là kiến thức về mỹ thuật và thiết kế SP để người thợ hiểu được cái đẹp, tạo ra được cái đẹp, có ý tưởng sáng tạo mới và thể hiện được ý tưởng đó trên sản phẩm.

Ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ VN Nguyễn Thiện Nhân:

(Tại Hội nghị về Dạy nghề đáp ứng nhu cầu DN tổ chức cuối tháng 5.2008) Cần có phương án hỗ trợ đào tạo nghề thủ công truyền thống gắn với đào tạo nghề có tính chuyên nghiệp để vừa giữ được nghề truyền thống, vừa nâng cao giá trị sản phẩm. Tôi được biết hàng thủ công của ta vẫn xuất khẩu với khối lượng lớn nhưng chỉ thu được hơn 600 triệu USD mỗi năm.

Thật đáng buồn và xót xa khi VN có gần 3 triệu TTC tham gia nghề truyền thống nhưng  bình quân mỗi người thợ chỉ làm ra khoảng 150UDS/ năm xuất khẩu. Vì vậy, ngoài hỗ trợ đào tạo thợ, cần nghiên cứu đổi mới mẫu mã để sản phẩm cạnh tranh tốt, mang lại thu nhập cho lao động làng nghề.
 L.N

Lan Ngọc