Về một nông dân Ê Đê giàu nhất Tây nguyên
Các Website khác - 30/06/2008
Ama Ben (buôn Krưm, xã Cư Bao, huyện Krông Búk, Đắc Lắc) có thể được coi là người Ê Đê giàu nhất Tây Nguyên. Gia tài của ông gồm: 100 héc-ta cao su, gần chục héc-ta cà phê trị giá vài chục tỉ đồng. Ama Ben ở biệt thự, có xe hơi đắt tiền và nuôi gần 60 công nhân, thu nhập bình quân 2,5 - 2,7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2007, tổng thu nhập của gia đình Ama Ben khoảng… 5 tỷ đồng. Vốn liếng khởi nghiệp của ông tỷ phú Ê Đê này là trình độ văn hóa tương đương lớp 5, cộng với đói nghèo và… đông con. Chuyện Ama Ben trở thành tỷ phú là cổ tích thời hiện đại của dân tộc Ê Đê, đẹp không kém câu chuyện huyền thoại về các ông vua săn voi Tây Nguyên…

Ông Ama Ben bên chiếc xe hơi đắt tiền của mình
THÀNH TỶ PHÚ NHỜ “KIÊN ĐỊNH LẬP TRƯỜNG”
Ama Ben là người nổi tiếng trong giới những người giàu có ở Đắc Lắc nhưng ông ít giao lưu, tiếp xúc với bên ngoài nên ít người biết đến. Trong một lần đi công tác vào buôn Krưm, chúng tôi bị bất ngờ, choáng ngợp khi thấy một căn biệt thự nhà vườn đẹp như khu du lịch, phía trước có một xe tải, một xe hơi xịn, hỏi ra mới biết đó là nhà của “tỷ phú Ama Ben”. Thế nhưng, người nhà ông liên tục lắc đầu: “Không phải nhà Ama Ben đâu”. Bí cách, chúng tôi phải nhờ đến Phó chủ tịch UBND xã Cư Bao Nguyễn Minh Thành “nói khéo”, Ama Ben mới đồng ý tiếp. Ama Ben giải thích rằng, ông không thích nổi tiếng chỉ vì... giàu!

Nhìn người đàn ông khỏe mạnh, chắc nịch như cây gỗ giữa rừng, mái tóc đen nhánh, ít ai nghĩ rằng Ama Ben đã trải qua 68 mùa rẫy. Ông bình thản kể chuyện đời, chuyện làm ăn mà ánh mắt, cử chỉ vẫn toát lên một quyết tâm, một nghị lực phi thường. Chàng thanh niên Y Hon Niê (tên thật của Ama Ben) từng nếm trải cuộc sống đói nghèo, thống khổ của người dân Tây Nguyên dưới thời Pháp thuộc. Bản thân ông phải làm phu phen trong các đồn điền ở tận rừng sâu, chứng kiến không biết bao nhiêu cái chết vì đói rét, vì bệnh tật và lao động khổ sai. Đến thời Mỹ - Ngụy, gia đình Ama Ben vẫn sống bằng củ mài, củ sắn thay cơm. Sau giải phóng, ông quyết tâm làm giàu nhưng vì thiếu vốn, thiếu khoa học kỹ thuật, lại đông con nên cuộc sống bữa đói, bữa no. Năm 1989, Cty cao su Đắc Lắc có chủ trương đầu tư 70% vốn cho nông dân trồng cao su, thu hồi vốn bằng sản phẩm trong 10 năm. Đây là cơ hội cho Ama Ben làm giàu. Với những người Ê Đê khác, Cty phải vận động trầy trật, mỗi hộ mới nhận trồng một vài héc-ta. Còn Ama Ben thì mạnh dạn nhận trồng 51 héc-ta. Nhiều người trong buôn bảo rằng Ama Ben tham quá, nhận nhiều như thế sẽ không làm nổi. Mặc kệ, ai nói gì thì nói, năm sau ông tiếp tục trồng thêm 34 héc-ta nữa. “Không làm thì thôi, đã làm thì phải trồng cho hết đồi trọc, chứ bỏ đất hoang hóa thì tiếc lắm” - Ama Ben nói. Không có tiền thuê mướn, gia đình ông phải làm quần quật, lăn lóc dưới chân đồi Cư Bao suốt cả ngày đêm. Những đêm trăng sáng, người dân buôn Krưm vẫn thấy vợ chồng Ama Ben cùng các con hì hục đào hố, cuốc cỏ cho đến lúc con gà trong buôn cất tiếng gáy... Cứ thế, gần 100 héc-ta caosu của Ama Ben lớn dần, 6 năm sau đã khép tán thành rừng.

Công nhân của gia đình Ama Ben bên rừng cao su ngút ngàn
Năm 1996, vườn cao su của Ama Ben đã cho ra “vàng trắng”. Nhưng không may cho ông, giai đoạn 1996 - 2000 lại là thời kỳ khủng hoảng tồi tệ, giá mủ khô chỉ còn vài ba triệu đồng/tấn. Thay vì giúp gia đình Ama Ben vượt qua đói nghèo, gần 100 héc-ta cao su lại trở thành gánh nặng cho ông. Ama Ben phải xoay xở đủ cách để “nuôi” vườn cây. Ông kể: “Mình có 6 héc-ta cà phê. Cũng may là lúc đó cà phê được giá, tiền thu hoạch từ cà phê nhiều lắm, nhưng mình không dám đụng vào mà dành toàn bộ để mua phân bón nuôi cao su. Mỗi năm, vườn cao su này “ăn” hết khoảng 30-40 tấn cà phê nhân của mình đấy. Còn tiền bán mủ thì không đủ trả tiền công cạo, mỗi ngày mình phải bù lỗ thêm mấy chục ngàn đồng. Càng cạo được nhiều mủ thì càng lỗ to”. Đã chấp nhận bù lỗ, nhưng Ama Ben vẫn không thuê được người cạo, vì bà con chỉ thích làm cà phê thôi. Ở Cty cao su Đắc Lắc, đội ngũ công nhân cạo mủ chuyên nghiệp cũng ồ ạt bỏ làng ra đi tìm việc khác ở khu công nghiệp thuộc các tỉnh Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh... Tình trạng khủng hoảng, bế tắc như vậy kéo dài ròng rã suốt ba năm. Đã có hàng trăm hộ chặt cao su để trồng cà phê hoặc quay lại cái thời “phát, đốt, chọc, trỉa” kiếm lúa gạo, khoai sắn để có cái ăn liền. Ama Ben tiếc lắm, ông khuyên bà con cố gắng giữ lại vườn cây nhưng cả buôn, cả xã không ai chịu nghe ông. “Nếu họ giữ lại, mỗi hộ vài héc-ta thì bây giờ cũng có cả trăm hộ giàu rồi” - Ama Ben tiếc rẻ! Nhưng ngay cả vợ con, dòng họ Ama Ben cũng không ngừng thúc giục ông phải chặt cao su để trồng cây lương thực ngắn ngày, nhanh có cái ăn chứ cứ giữ vườn cao su thì chết đói mất! Nhưng Ama Ben không nghe. “Mình không nhớ đã thức trắng bao nhiêu đêm bên gốc cao su, đốt hết bao nhiêu tẩu thuốc lá để bắt cái đầu mình suy nghĩ. Nếu chặt cao su để trồng cà phê, rồi sau này cà phê mất giá, cao su lại lên giá thì sao. Chặt cao su đi rồi thì lấy gì trả nợ cho nhà nước? Trồng được cây cao su là phải đau cái tay, đau cái chân, đau cái đầu, chặt bỏ thì đau lòng lắm. Rồi lần nào cũng thế, mình cương quyết giữ lại vườn cao su”. Khi lao động tại chỗ không thèm làm công cho Ama Ben, ông lặn lội ra tận huyện miền núi Ba Tơ của tỉnh Quảng Ngãi, thuê 15 người H’rê khoẻ mạnh về ở trong nhà để cạo mủ cao su. Mãi đến năm 2001, khi Ama Ben sức cùng lực kiệt thì giá mủ bắt đầu nhích dần lên, mỗi cây cao su là một cây vàng, gia đình ông mới dần dần thoát cơn bĩ cực.

“GIÁM ĐỐC” AMA BEN, CHỖ DỰA CỦA NGƯỜI NGHÈO
Bây giờ thì Ama Ben đã là tỉ phú, là người Ê Đê giàu nhất Tây Nguyên. Tổng thu nhập của gia đình ông trong năm 2004 là 1,5 tỷ đồng, năm 2005 là 2,1 tỷ, năm 2006 là 3,2 tỷ, năm 2007 là 5 tỷ... Ama Ben xây cho mỗi người con một biệt thự riêng, mua được xe tải trị giá gần 1 tỷ đồng, xe hơi trị giá 30.000 USD... Tôi hỏi, điều gì là quan trọng nhất ông rút ra từ sự thành công của mình? Ama Ben đúc kết: “Nhà nông muốn làm giàu thì phải kiên trì, không nên trồng, chặt theo phong trào, thời giá. Phải trồng một số loại cây công nghiệp dài chứ đừng độc canh, nếu cây này mất giá hoặc mất mùa thì còn có cây kia, như thế mới giảm được rủi ro, tổn thất”. Hiện trang trại của ông có 57 công nhân, có cả người Ê Đê lẫn người Kinh. Tất cả đều được ký hợp đồng lao động, được đóng bảo hiểm, thu nhập bình quân 2,5 – 2,7 triệu đồng/người/tháng. Năm nào Ama Ben cũng tổ chức cho công nhân đi nghỉ mát tại các khu du lịch nổi tiếng nhất trong nước, mỗi chuyến đi kéo dài cả tháng trời, qua nhiều tỉnh thành. Công nhân nghèo chưa có nhà ở, Ama Ben sẵn sàng hỗ trợ hàng chục triệu đồng để xây nhà kiên cố. Người không biết chữ thì gọi ông là Ama (bố), người biết chữ thì gọi ông là giám đốc Ama Ben.

Thông qua chính quyền và các đoàn thể, năm nào ông cũng chi ra vài chục triệu đồng để chia sẻ áo cơm với người nghèo. Ama Ben còn hiến đất xây nhà sinh hoạt cộng đồng, bỏ tiền xây dựng hệ thống nước sạch cho địa phương... Tuy nhiên, theo ông Ama Ben, tốt nhất là giúp cho bà con cái “cần câu cơm”, chứ không phải là đem tiền cho họ. Năm 2004, ông hỗ trợ 7 tấn phân, 30 con heo giống giúp mấy chục hộ nghèo làm ăn. Năm 2005, ông cho vay 7 tấn phân, 45 triệu đồng không tính lãi. Năm 2006, cho vay thêm hàng chục triệu đồng nữa ... Trước khi hỗ trợ người nào, Ama Ben tính toán rất kỹ, xem có thật sự cần thiết không và phải hỗ trợ như thế nào cho có hiệu quả. Ông nói: “Ai muốn vay tiền của mình phải chỉ rõ là vay để làm gì, khả năng sinh lợi ra sao. Ai muốn xin hoặc vay phân bón cũng phải chỉ cho mình thấy được vườn cây. Hộ nào làm nhà thì mình mua ximăng, tôn lợp đến cho chứ không đưa tiền mặt”. Ama Ben còn thường xuyên huớng dẫn bà con cách thức làm ăn, đó cũng là cách để ông kiểm tra hiệu quả đồng vốn của mình. “Phải làm chặt chẽ như vậy thì sự giúp đỡ của mình đối với người nghèo mới tốt, mới không bị lãng phí” - Ama Ben giải thích.

Ama Ben đã nhiều lần đi Maylaysia, Indonesia, Thái Lan. Không phải ông bỏ tiền ra đi chơi, mà là đi học hỏi kinh nghiệm làm ăn, mở mang kiến thức. Tôi hỏi ông có thấy nông dân các nước đó giỏi hơn, giàu hơn nông dân Việt Nam không? Ông trả lời: “Họ giàu hơn nhiều chứ. Cây cao su của họ nhỏ hơn cây cao su nhà mình, nhưng mà nó cho mủ nhiều hơn. Vì người ta biết áp dụng khoa học để lai tạo giống tốt, rút ngắn thời gian sinh trưởng và giảm vốn đầu tư, nhưng năng suất và chất lượng cao hơn. Còn cái này nữa, nông dân nước họ làm nhà xa đường giao thông lắm, phải cách đường hơn 200 mét đấy, không ở sát mặt đường như mình đâu. Như thế sẽ giảm bớt tai nạn giao thông”.
NGỌC HÀ