Bẫy khi tìm việc gấp phong bì
Các Website khác - 05/12/2008

Trong 2 tháng 10, 11, tại nhiều địa bàn ngoại thành Hà Nội xuất hiện những tờ rơi quảng cáo tuyển LĐ gấp phong bì tại nhà với tiền công 300 đồng/chiếc. Thực chất, đây là những “cái bẫy” cũ kỹ mà bà con cần cảnh giác.

Những mẫu quảng cáo tuyển LĐ gấp phong bì dán đầy ở xã Đại Mỗ

Văn phòng nhà đất kiêm... “môi giới” việc làm

Từ tờ rơi quảng cáo dán ngay trên bản tin của thôn, bà Phùng Thị B (xóm Đình, xã Đại Mỗ, Từ Liêm) đã đến Trung tâm DVVL ở 20/477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân đăng ký nhận gấp phong bì.

Bà kể: “Tôi về hưu, hàng ngày ở nhà ngồi không cũng buồn, nên bảo đứa cháu đưa đến tìm việc. Nghe nhân viên tư vấn, tôi phải đóng 550.000 đồng để nhận có hơn chục tờ giấy về nhà kỳ cạch làm cả tuần vẫn không đúng mẫu. Phải đi đi, lại lại nhiều lần, chán quá nên tôi bỏ, mất không khoản tiền đã đóng”. Cũng theo lời bà B, trong xóm của bà đã có 5-6 người nộp tiền và nhận, trả phong bì tới 2-3 lần mà chưa đạt.

Theo địa chỉ bà B. cung cấp, chúng tôi tìm tới số 20/477 đường Nguyễn Trãi. Mặt tiền căn nhà tuyệt nhiên không hề trưng biển Dịch vụ việc làm mà chỉ là Văn phòng giới thiệu nhà đất với phòng làm việc vẻn vẹn 10m2, kê được 3 cái bàn. Tiếp chúng tôi là một nhân viên nữ tên Phương.

Mới nghe hỏi về việc gấp phong bì, Phương chìa ngay cho chúng tôi bản cam kết in tên công ty là Công ty TNHH Hồng Hà, có dấu má đỏ chót. Bản cam kết quy định: LĐ phải đóng 100.000 tiền "nhân sự", 150.000 đồng tiền hướng dẫn học nghề và 300.000 tiền cược nguyên vật liệu (gồm kéo, hồ và một ít giấy A4).

Trong lúc chúng tôi xem bản cam kết, Phương đưa mẫu phong bì ra và “giảng giải”: “Gấp phong bì không dễ (!), nhiều người không thể làm được. Thế nên bọn em mới phải thu 150.000 đồng tiền học nghề. Học chỉ cần nửa tiếng thôi nhưng phải tỉ mỉ từng nếp gấp, cắt dán sao cho gấp lên không bị thừa, phần lượn vòng phải cân nhau”.

Trong tờ rơi, văn phòng này “hứa” lương sẽ là 1,2 triệu đồng, cộng với công 120 đồng/gấp 1 phong bì. Khi nói với tôi, Phương bảo: “Công gấp là 300 đồng/cái, dự kiến 1 tháng sẽ phải gấp được 4.000 cái mới có mức lương 1,2 triệu, sau đó số phong bì vượt thêm sẽ tính 120 đồng/chiếc”.

Tuy nhiên, khi hỏi trung bình mỗi ngày giao bao nhiêu phong bì làm thì Phương lúng túng vì… chưa tính ra được. Chúng tôi tỏ ý muốn lấy 1 bản cam kết để “về đọc cho kỹ”, Phương đổi ngay thái độ: “Đây là tài liệu của Công ty, chị cứ đóng trước 250.000 đồng ký cam kết, làm hồ sơ nhân sự xong là được. Cần gì phải xem với xét!”.

Theo quan sát của chúng tôi trong chiều 1-12, văn phòng này cũng khá đông “khách” vào ra. Trong số đó có bà Lương Thị Hương, 70 tuổi ở khu tập thể Xí nghiệp điện tử, Thanh Xuân Bắc.

Nhân viên Phương cũng “chê” bà mắt hơi kém, nhưng vẫn giục nộp tiền. Xem bản cam kết, bà Hương thắc mắc: “Tôi không hiểu tiền nhân sự là tiền gì? Tôi có vào cơ quan đâu?".

Phương: “Bà già rồi, chả hiểu gì cả. Tiền này là để cháu đăng ký hồ sơ cho bà với công ty". Bà Hương: "Thế cho tôi xem hồ sơ để về tôi còn chuẩn bị". Phương trả lời, khó chịu: “Hồ sơ công ty có mẫu sẵn rồi, bà nộp tiền, cháu đưa bà hồ sơ để điền theo mẫu".

Bẫy đơn giản, nhiều người mắc

Để làm rõ cái “bẫy” này, chúng tôi đã tìm tới một vài Công ty in trên địa bàn Hà Nội. Anh Lợi - điều hành Công ty TNHH in V.L ở phố Linh Quang (phường Văn Chương) cười khi nghe nói gập phong bì thủ công bằng giấy A4.

Anh nói: “Phong bì có nhiều cỡ, nhiều mẫu, nhưng chắc chắn không ai làm phong bì từ giấy A4, bởi văn bản thường in bằng giấy A4, nên giấy làm phong bì phải to hơn khổ A4”.

Các xưởng in thông thường cũng không in lên giấy phong bì đã gấp sẵn. Về giá cả, một mẫu phong bì đặt giấy đẹp mới ở mức 370-450 đồng/chiếc, còn phong bì thông thường chỉ khoảng 100 đồng/chiếc. “Vậy mà quảng cáo công gấp đã 300 đồng/chiếc người ta cũng tin thì tôi không hiểu nổi”- anh Lợi nói.

Hình thức “bẫy” người LĐ này thời gian qua rất phổ biến ở Hà Nội. Công an quận Cầu Giấy, quận Ba Đình... đã làm rõ vụ việc từ tố cáo của người LĐ khi nhận gấp phong bì cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thăng Long, ở phố Vĩnh Phúc, quận Ba Đình; Công ty TNHH Giáo dục và Tư vấn Việt Nga ở số 10, ngõ 260 đường Cầu Giấy, phường Quan Hoa (Hà Nội); một Trung tâm nhỏ ở số 4 ngõ 9 Minh Khai.

Trao đổi với chúng tôi ngày 3-12 về hoạt động của Trung tâm Dịch vụ nhà đất số 20/477 Nguyễn Trãi, ông Lê Mạnh Tuấn - Trưởng Công an quận Thanh Xuân nói: “Chúng tôi sẽ kiểm tra ngay Trung tâm này để làm rõ xem có phải hành vi lừa đảo không. Nhưng tôi chắc chắn đây ít nhất là hình thức chiếm dụng vốn, cũng là hình thức lừa đảo”.

Theo Nông Thôn Ngày Nay