Lao động đối diện nguy cơ mất việc gia tăng
Các Website khác - 03/12/2008
 
Trước ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp trong nước buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công.

Các doanh nghiệp dệt may đang đối mặt với khó khăn khi nhiều nhà nhập khẩu giảm đơn hàng hoặc ngừng đặt hàng. Theo số liệu thống kê của Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AMCHAM), doanh số bán hàng dệt may tại nước này trong tháng 10 năm nay sụt giảm mạnh, ở mức thấp nhất trong 35 năm qua. Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam, chiếm 57% thị phần.

Theo Hội Dệt may - Thêu đan TP HCM, ngoài những khó khăn về đơn hàng, chi phí sản xuất, doanh nghiệp còn đối mặt với chiêu “bỏ của chạy lấy người” của đối tác nước ngoài (không nhận hàng đã đặt trước đó vì khó khăn tài chính).

Ngành dệt may đang có một lượng lao động khá lớn. Ảnh: VH.

Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty May Sài Gòn 3 cho biết: “Thực tế, tình trạng cắt giảm lao động đã diễn ra, dù hiện nay mức độ chưa quá nghiêm trọng”. Tuy nhiên, dự báo năm 2009 sẽ khó khăn nhiều hơn. Các chuyên gia cho rằng, nếu điều tồi tệ nhất xảy ra, sẽ có 20% trong số trên hai triệu lao động ngành dệt may thất nghiệp, tương đương khoảng 400.000 người. “Chắc chắn, mức lương thưởng cuối năm nay sẽ không duy trì được như năm trước”, ông Hồng nói. 

Theo ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Việt, nhiều doanh nghiệp ngành thép đã ngừng sản xuất từ tháng 7/2008, một lượng lớn trong 40.000 lao động đang đứng trước nguy cơ mất việc. Tại Công ty CP Thép Đà Nẵng, công nhân bắt đầu nghỉ việc từ tháng 11, họ chỉ được hưởng lương cơ bản, chỉ bằng 1/3 so với thu nhập trước đó.

Doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ tài chính cũng chung số phận. Nhiều ngân hàng bị giảm doanh thu và lợi nhuận. Tại các công ty chứng khoán, sự sụt giảm giao dịch khiến nguồn thu từ phí môi giới cũng giảm theo. Nhiều công ty chứng khoán và ngân hàng đã phải thu gọn nhân sự, cắt giảm lương và phụ cấp.

Xoay hướng sang các thị trường tiềm năng khác được coi là giải pháp hàng đầu để doanh nghiệp khắc phục khó khăn. Thị trường Nga và Đông Âu được đánh giá là nhiều tiềm năng, có thể thay thế một phần thị trường truyền thống đối với dệt may Việt Nam. Một số doanh nghiệp thiết lập quan hệ khá vững chắc với thị trường này như Công ty cổ phần May Hòa Bình hiện xuất khẩu tới 45% lượng hàng sang Nga.

Một giải pháp góp phần cải thiện tình hình là những doanh nghiệp đang hoạt động ổn định tiếp nhận công nhân mất việc từ các doanh nghiệp gặp khó khăn. Mới đây, Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến đề nghị được tiếp nhận những công nhân mất việc do doanh nghiệp giải thể. Doanh nghiệp này hiện có nhu cầu tuyển dụng khoảng 500 công nhân. Khi được tiếp nhận, người lao động sẽ được trợ cấp 150.000 đồng một tháng trong 6 tháng đầu và hưởng lương theo sản phẩm. Nếu lương sản phẩm và trợ cấp không đạt mức 1.603.000 đồng một tháng sẽ  được công ty bù đủ mức này.

Nhiều doanh nghiệp ngoài ngành dệt may cũng sẵn sàng tiếp nhận lao động dôi ra của ngành này. 

Việt Hùng – Hải Nam
                                                                                                                                Theo Báo Đất việt